Và tâm hồn bạn sáng láng cùng ánh sáng tinh khôi, không gian rất đỗi bình yên đang mở chào. Những cung bậc cảm xúc của chú chim vẫn tồn tại, trong mỗi người, tĩnh lặng và xao động “ nó cảm nhận mọi điều ta cảm nhận”.
Với Chú chim tâm hồn, tác giả Michal Snunit đã lôi cuốn bạn đọc bằng sự tinh tế, hàm xúc, không ồn ào to tát, những vần thơ như tiếng nói nhỏ dung dị tỏa hương thơm ánh sáng trong tĩnh lặng, nhắn nhủ và chia sẻ. Một tâm hồn chan hòa với xung quanh, chính là sự nhạy cảm, đó là lúc chú chim tâm hồn lớn lên, lấp đầy “…và khi ai đó ôm ta, từ sâu rất sâu bên trong, chú chim tâm hồn lớn, lớn mãi”.
Thật ra, tâm hồn ta cũng cần được nuôi dưỡng. Và xét về nhiều khía cạnh, trong đời sống, tâm hồn là quan trọng và cần chú ý quan tâm hơn rất nhiều. Một tâm hồn trong sáng, khoẻ mạnh dễ mang lại cho ta cuộc sống yên vui, hạnh phúc, ngay cả khi ta gặp phải những nghịch cảnh khó khăn.
Trong phần tinh thần của ta, ngoài những gì thuộc về ý thức được bộc lộ bằng hình thức suy nghĩ, cảm xúc…, còn có một phần khác tinh tế hơn. Đó là những gì được ghi nhận lại trong tiềm thức. Những yếu tố này được ghi nhận lại sau mỗi lần có một ý tưởng, cảm xúc nào đó được thể hiện. Và sau đó chúng sẽ đóng vai trò như những hạt giống ngủ yên, chờ đợi lúc thuận tiện để sinh khởi. Tựa hồ như chú chim tâm hồn sẵn sàng mở ngăn kéo cảm xúc với chiếc chìa khóa của mình: “Một chú chim buồn bã sẽ mở những ngăn kéo khiến em buồn bã/Một chú chim vui vẻ mở những ngăn kéo khiến em vui vẻ”.
Sự so sánh này càng chính xác hơn khi chúng ta biết rằng những gì được thể hiện nơi ý thức sẽ hình thành không phải một mà là nhiều hạt giống khác cùng loại với nó trong tiềm thức. Và những hạt giống này lại chờ đợi có dịp để tiếp tục phát lộ ra bên ngoài.
May mắn thay, điều ngược lại cũng là sự thật. Nếu ta nuôi dưỡng những ý nghĩ về sự thương yêu, chia sẻ, cảm thông, lòng vị tha… chúng ta cũng sẽ gieo cấy được những hạt giống của sự thương yêu, chia sẻ, cảm thông, vị tha… Khi có dịp, những hạt giống này chắc chắn sẽ nảy nở làm tươi mát cho cuộc sống chúng ta.
Một cử chỉ cảm thông trước nỗi khổ đau của người khác, hoặc chân thành chia sẻ niềm vui của một người bạn … những điều nhỏ nhặt đến thế cũng đã gieo cấy được vào tâm hồn ta những hạt giống tốt lành.
Bạn sẽ không bao giờ có được một giây phút nào yên vui, thanh thản nếu trong lòng bạn chất chứa đầy thù hận, sự nghi ngờ, ghen tỵ… hay theo đuổi một tham vọng chưa đạt được.
Vì thế chúng ta không lấy làm lạ khi biết rằng để có được một cuộc sống thật sự yên vui hạnh phúc, một tâm hồn trong sáng thanh thản, chúng ta cần phải biết nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những gì tươi mát, tốt đẹp, tránh xa những gì độc hại, gây thương tổn.
Cuộc sống và đời sống tâm hồn thường song hành cùng nhau, tự trong sâu thẳm mỗi người đều có một chú chim tâm hồn, khi bạn thưởng thức vẻ đẹp của một bông hoa buổi sáng, hoặc một áng mây bay qua trên bầu trời trong xanh… Những điều ấy cũng đủ gieo cấy trong tâm hồn bạn những hạt giống tươi mát, nhiệm mầu. Sự nảy mầm của những hạt giống ấy sẽ giúp bạn gần gũi hơn, tiếp xúc một cách trọn vẹn hơn với cuộc sống tươi đẹp này.
Cuộc sống quanh ta có biết bao nhiêu điều tốt đẹp đáng quý và cần trân trọng. Chỉ cần ta biết khéo léo nhận ra và chọn lọc, chúng ta không hề thiếu thốn những hạt giống tốt đẹp để gieo trồng. Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức và nỗ lực của chính chúng ta. Tâm hồn không phải là đền đài, nhà thờ nguyện, không phải là một biểu tượng, nó là đời sống cảm nhận và hành động: “mọi người đều khác biệt/và sâu bên trong mỗi người lại có/một chú chim tâm hồn khác biệt.”
Cuốn sách cho người đọc một cảm hứng sống để chắt chiu nâng niu, làm nên giá trị sống cho mỗi người:
Chú chim tâm hồn chính là bài ca về con người. Sống thật là đẹp đẽ, trân trọng và cảm động .Trong hành trình ấy tâm hồn luôn rộng mở với những ngăn kéo cảm xúc nhiều bí mật.
Theo Thành Sơn/Zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Câu lạc bộ nghiên cứu bí ẩn
Gió thổi (风) – Võ Thị Xuân Hà (Truyện ngắn song ngữ Việt-Hán)
Kể từ giờ em hãy sống vì em
Brand Strategy
Bạn cần đọc gì để hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia?
Câu chuyện di sản văn hóa ở Đài Loan
Lãnh đạo chuyển hóa
Pháp môn hạnh phúc
Quy tắc làm việc nhóm của người Nhật