Ông Nguyễn Nhật Anh được tặng huân chương không chỉ trong vai trò tác giả, dịch giả, mà còn là người đứng đầu một đơn vị xuất bản có đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật, văn chương. Thông tin ông Nguyễn Nhật Anh được tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật vừa được phát đi từ Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (l’Espace). Đây là một tin vui cho giới yêu văn học và xuất bản.
Đối với giới xuất bản trong nước, không ai xa lạ gì ông Nguyễn Nhật Anh – giám đốc công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam. Nhã Nam thành lập năm 2005, ngay khi Việt Nam cho phép tư nhân tham gia lĩnh vực xuất bản. Trước đó, chỉ Nhà nước mới được phép xuất bản sách.
Trong thông báo về việc trao tặng huân chương cho ông Nhật Anh của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Việt Nam có viết: “Là dịch giả tự do, biên tập viên và tác giả, ông đã mang lại cho công ty Nhã Nam phong cách và không khí làm việc năng động và hiện đại, ở đó sách Pháp chiếm một vị trí đặc biệt. Ông đã định hướng Nhã Nam thành một trong những nhà xuất bản chuyên về sách nước ngoài dịch sang tiếng Việt”.
Do đó, một lượng lớn các tác phẩm nước ngoài, trong đó có rất nhiều tác phẩm của Pháp được xuất bản bởi Nhã Nam. Đơn vị này còn là đối tác đặc quyền của Đại sứ quán Pháp trong các hoạt động quảng bá sách và rộng hơn nữa trong việc tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về văn học, nghệ thuật.
Trung tâm Văn hóa Pháp còn thống kê, mỗi năm đơn vị của ông Nhật Anh dịch và xuất bản từ 30 đến 70 đầu sách tiếng Pháp, nuôi dưỡng trí tưởng tượng của độc giả thông qua các bản dịch tác phẩm.
Hàng loạt tác phẩm kinh điển của các tác giả lớn, cũng như của tác giả đương thời nổi bật được Nhã Nam xuất bản, như tác phẩm của: Marcel Proust, Gustave Flaubert, Guy de Maupassant, Alexandre Dumas, Alphonse Daudet, Antoine de Saint-Exupéry, Patrick Modiano, Jean-Paul Sartre, Romain Gary, Milan Kundera, Éric-Emmanuel Schmitt, Frédéric Beigbeder, Jonathan Littell, Leila Slimani, Marie Ndiaye, Jérôme Ferrari, Linda Lê, Marguerite Duras…
Không chỉ là người đứng đầu một đơn vị xuất bản sách văn học hàng đầu trong nước, Nguyễn Nhật Anh còn là một người dịch, một tác giả sách. Khi dịch, ông thường lấy bút danh Trác Phong, là người chuyển ngữ thành công các tác phẩm như Hoàng tử bé, bộ truyện Nhóc Nicolas. Trong vai trò tác giả, ông được biết tới với các cuốn sách tranh ký bút danh Thụ Nho như: Một ngày của bố, Chuyện con nai, Ái ui đau quá…
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Nhật Anh còn hợp tác với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Pháp và các tổ chức khác như Trường Viễn Đông Bác cổ hay Viện Đào tạo Chuyên ngành Đô thị, trong việc thúc đẩy tổ chức các hội thảo, triển lãm tại Việt Nam.
Các buổi hội thảo, triển lãm, giới thiệu sách thường xuyên được tổ chức có thể kể đến triển lãm “Nội hình màu”, trưng bày “Xứ Jorai”, serie “Văn học Pháp” tổ chức hàng tháng, Ngày hội Nhóc Nicolas, Ngày hội Hoàng tử Bé, Những ngày Văn học châu Âu, và sắp tới đây (vào tháng 11), là Tuần Văn học Pháp với chủ đề “Từ trang sách đến màn ảnh” với sự tham gia của nhà văn đương đại nổi tiếng David Foenkinos. Cùng với Viện Pháp, Nhã Nam đã tổ chức đón tiếp thành công nhiều tác giả quan trọng của Pháp được dịch và xuất bản bởi Nhã Nam, như Marc Levy, Susie Morgenstern, Eric-Emmanuel Schmitt, Patrick Deville, Linda Lê, Trần Anh Hùng…
Huân chương Văn học và Nghệ thuật ra đời từ năm 1957, do Bộ Văn hóa Pháp trao tặng, nhằm “tặng thưởng cho các cá nhân nổi bật nhờ công việc sáng tạo của họ trong lĩnh vực nghệ thuật và đóng góp họ của họ trong việc tôn vinh nghệ thuật và văn chương Pháp trên khắp thế giới”.
Vào lúc 16h30 ngày 16/8, Ngài Étienne Rolland-Piègue, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam sẽ trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật cho ông Nguyễn Nhật Anh. Trước đó, vào năm 2016, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng nhận huân chương này.
Tần Tần/zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Thiên nghi và thời hoàng kim của thiên văn học cổ đại
Đa dạng sách hè cho thiếu nhi
CHÍNH THỨC RA MẮT “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75” PHIÊN BẢN TIẾNG ANH
‘Mật ngọt cho tâm hồn phụ nữ’
Thổ dân hoang tưởng – Thanh niên hiện đại ngại gì FA
Dưới bóng cổ thụ
Học cách sống như nước
Bức thư tình có vị ngọt của bánh
Quăng mình vào chốn thiền môn tập 2 – Hành trình cùng báo Giác Ngộ