Đây là cuốn sách giáo khoa đầu tiên về Tôn giáo học ở bậc đại học tại các nước nói tiếng Anh. Nó trình bầy Tôn giáo học như một bộ môn đa phương pháp (Polymethodic discipline). Người nghiên cứu phải làm quen với những phương pháp tiếp cận của các bộ môn khoa học chủ yếu có liên quan đến việc nhận biết bản chất của Tôn giáo như cách tiếp cận nhân học, nữ quyền, hiện tượng học, triết học, tâm lí học, xã hội học và thần học.
Các tác giả giới thiệu từng cách tiếp cận trên đây, làm rõ lịch sử phát triển của mỗi cách tiếp cận, những đặc điểm của nó, những giải pháp mà nó đem lại, cùng những bất đồng và tranh cãi.
Cuốn sách không đóng lại, mà mở ra nhiều viễn cảnh, nhiều con đường tìm tòi, nghiên cứu về đời sống tâm linh, góp phần xây dựng một thế giới quan mới cần cho mọi sinh linh trên Trái Đất này.
Các tác giả
Peter Connolly đã giành nhiều văn bằng về nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Lancaster (Cử nhân (BA), Cao học (MA), Tiến sĩ (PhD) và văn bằng đại học khoa học tâm lí (BSc) tại Đại học Mở). Ông hiện là giảng viên chính về khoa học tôn giáo tại Viện Cao học Chichester, phụ trách giảng môn Tâm lí học tôn giáo, Tôn giáo và đạo đức Ấn Độ tại Viện này. Trong số các xuất bản phẩm gần đây của ông, có “Vitalistic antecedents of the Atman – brahman concept” đăng trong P. Connolly and S. Hamilton (eds) Indian Insights: Buddhism, Brahmanism and Bhakti (1997), và “Hypnotic drinensions of religions worldviews” DISKUS 3, 1995. Ông đang nghiên cứu các đặc điểm thôi miên của thể nghiệm thực tiễn tôn giáo và tín ngưỡng tôn giáo của các nhà khoa học Anh. Ông đã kết hôn và sinh được hai con gái.
Clive Erricker là giảng viên và Hiệu trưởng Trường Tôn giáo và thần học trực thuộc Viện Cao học Chichester. Ông là tác giả và chủ biên nhiều công trình nghiên cứu tôn giáo và giáo dục tôn giáo. Trong số các xuất bản phẩm gần đây nhất của ông, có The Education of the Whole Child (1997); Buddhism, Teach Yourself Series: World Faiths (1995); (chủ biên và tác giả) Teaching Christianity: A World Religions Approach (1994); và (chủ biên và tác giả) Teaching World Religions (1993).
Rob Fisher là chỉ đạo viên Đại học thần học tại Westminter College, Oxford, tại đây ông giảng triết học và thần học. Ông quan tâm nghiên cứu ba lĩnh vực: thuyết biện thần (theodicy) với vấn đề cái ác và nỗi khổ; con người và bản sắc con người; hành động của Thượng đế tại thế giới. Ông là tác giả sách Becoming Persons (1995) và Persons, Identity and Suffering (1998). Ông cũng là người sáng lập Hiệp hội nghiên cứu con người.
David N. Gellner là giảng viên chính về nhân học xã hội tại Đại học Brunel, London. Các xuất bản phẩm của ông bao gồm Monk, Householder, and Tantric Priest: Newar Buddhism and its Hierarchy of Ritural (1992); (đồng chủ biên với Declan Quigley) Contested Hierarchies: A Collaborative Ethnography of Caste among the Newars of the Kathmandu Valley, Nepal (1995); và (đồng chủ biên với J. Pfaff – Czarnecka và J. Whelpton) Nationalism and Ethnicity in a Hindu Kingdom: The Politics of Culture in Contemporary Nepal (1997). Ông đã cho công bố nhiều bài viết về nhiều khía cạnh tôn giáo, nghi lễ, xã hội và sắc tộc ở Nepal. Đợt khảo sát điền dã chủ yếu của ông tiến hành hơn hai năm từ 1982 đến 1984, và sau đó ông nhiều lần quay lại Nepal. Năm 1991, ông thực hiện công trình nghiên cứu khảo sát về giới tăng lữ Phật giáo tại Nhật Bản.
Sue Morgan đã bảo vệ học vị tiến sĩ (PhD) tại khoa Thần học và nghiên cứu tôn giáo Đại học Bristol và đang giảng môn lịch sử nữ giới tại Viện Cao học Chichester. Bà đã cho xuất bản nhiều bài viết về thần học nữ quyền và nhiều chương sách tiền phong về lịch sử nữ giới và lịch sử tôn giáo, trong đó có “The power of womanhood: religion and sexual politics in late – Victorian moral reform” (Quyền năng của nữ giới: chính sách tôn giáo và giới trong cuộc cải cách tinh thần thời hậu kì nữ hoàng Victoria) đăng trong Women of Faith in Victorian Culture: Reassessing “the Angel in the House” (1998) do Anne Hogan và Andrew Bradstock chủ biên; và “Knights of God: Ellice Hopkins and the White Cross Army, 1883-1895”) (Các hiệp sĩ của Thượng đế: Ellice Hopkins và đoàn quân Chữ Thập trắng thời gian 1883-1895) đăng trong Gender and the Christian Religion: Studies in Church History (1998) (Giới với đạo Cơ Đốc: nghiên cứu về lịch sử giáo hội). Bà đang nghiên cứu về ý nghĩa giá trị của diễn ngôn tôn giáo trong bản sắc giới thời hậu kì nữ hoàng Victoria.
Michael S. Northcott là giảng viên chính tại khoa Đạo đức Cơ Đốc giáo và Thần học thực hành tại Đại học Edinburgh. Ông đã giảng dạy xã hội học tôn giáo ở Đại học Sunderland tại Kuala Lampur, Malaysia, ở Đại học Edinburgh, và đã cho xuất bản nhiều báo cáo và chuyên đề về tác động qua lại giữa tôn giáo với xã hội tại Anh và Đông Nam Á, trong đó có khảo sát thực nghiệm về tình hình các mục sư làm việc tại các khu công nghiệp và giáo xứ nông thôn Đông Bắc nước Anh, dưới nhan đề The Church and Secularisation (1989) (Giáo hội với thế tục hóa). Chuyên đề gần đây nhất của ông là The Environment and Christian Ethics (1996) (Môi trường với đạo đức Cơ Đốc giáo). Ông đang tham gia nghiên cứu đạo đức tôn giáo toàn cầu và kinh tế toàn cầu.
Frank Whaling là giáo sư tôn giáo học ở Đại học Edinburgh, tại đây ông bắt đầu giảng dạy từ năm 1973. Ông được đào tạo về sử học ở Christ’s College và Wesley House tại Cambridge, về tôn giáo so sánh ở Đại học Harvard. Ông giành học vị tiến sĩ ở các Đại học Cambridge và Harvard. Tính gộp lại, ông đã biên soạn và chủ biên 12 sách, trên 70 báo cáo và hơn 80 tổng quan đề cập tới các lĩnh vực: tôn giáo Ấn Độ, tôn giáo so sánh, thần học của tôn giáo, phương pháp luận nghiên cứu tôn giáo, lịch sử tôn giáo và nghiên cứu về đạo Cơ Đốc. Ông cũng rất lưu ý tới các lĩnh vực đối thoại giữa các đức tin, giáo dục tôn giáo và các vấn đề toàn cầu hiện nay.
Có thể bạn muốn xem
Chúa Nguyễn vượt biển đến Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc chủ quyền
MBA trong quản lý kinh doanh
Trưng bày 30 cuốn sách thủ công đẹp
Thoát lũ ra biển Tây
Bụi ở Sài Gòn
Đánh thức Ban Mai – Câu chuyện của những bà mẹ có con tự kỷ
Machiavelli
Người đàn ông để phong bì tiền kèm thư ở tiệm sách rồi biến mất
Sài Gòn chọn nhớ những điều thương