Những ấn phẩm chữ nổi được sản xuất bằng phương pháp in công nghiệp hứa hẹn đem lại nguồn cung lớn với giá thành rẻ, giải quyết nhu cầu về sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị.

Một trang sách chữ nổi thông thường được in trên loại giấy đặc biệt với giá thành cao, phụ huynh không biết chữ nổi khó theo dõi để giúp đỡ con khi cần. Ảnh: URSdayton.
Một trang sách chữ nổi thông thường được in trên loại giấy đặc biệt với giá thành cao, phụ huynh không biết chữ nổi khó theo dõi để giúp đỡ con khi cần. Ảnh: URSdayton.

Bắt nguồn từ ý tưởng sản xuất một bảng tuần hoàn các nguyên tố Hóa học tương tác cho người khiếm thị, những ấn phẩm in chữ nổi Braille như bảng chữ cái, bảng phép nhân… lần lượt ra đời. Điều đặc biệt ở chỗ, đây đều là những sản phẩm được in hàng loạt bằng phương pháp công nghiệp thay vì mỗi khi hè đến, các thầy cô trường khiếm thị lại phải cặm cụi làm từng trang chữ nổi.

Với nhiều nỗ lực từ nhà xuất bản, xưởng in cho đến các thầy cô trường khiếm thị, những sản phẩm đầu tiên đã cho thấy tín hiệu tích cực trong việc hướng tới mục tiêu tối ưu hóa về chất lượng và giá thành, từ đó các gia đình có trẻ khiếm thị đều có thể tiếp cận và học cùng con.

Để cha mẹ có thể đồng hành cùng con

Được biết, tại một số trường dành cho trẻ khiếm thị, những bộ sách giáo khoa chữ nổi hiện được làm thủ công chủ yếu bởi các thầy cô. Ngoài ra, những nguyên liệu như giấy để in chữ nổi hoặc máy in chuyên dụng có giá thành cao khiến trường học phải phụ thuộc vào nguồn tài trợ để có sách dạy học.

“Dù có máy in chữ và hình nổi, nhưng để in được một cuốn sách lại rất kỳ công bởi thầy cô phải in từng tờ, ép từng tờ cho học sinh. Chưa kể không phải trường nào cũng có thể tự sản xuất sách chữ nổi. Đây là điều thiệt thòi cho những trường có học sinh khiếm thị nhưng lại không có sách cho các em học”, bà Nguyễn Thị Quế Hương – Phó hiệu trưởng trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) – chia sẻ.

Vì thế, khi được nghe về việc sản xuất sách chữ nổi bằng phương pháp in công nghiệp, bà Hương tỏ ra hứng khởi bởi nó hứa hẹn một quy trình sản xuất nhanh, giảm gánh nặng cho giáo viên, đồng thời giá thành rẻ hơn so với sản xuất thủ công.

“Các sách của trường chỉ có chữ nổi chứ không có chữ sáng, nên phụ huynh hầu như không thể theo dõi xem con đang học gì nếu không biết chữ nổi. Nhiều phụ huynh rất muốn học cùng con, nhưng chỉ có thể nghe sách nói hoặc cho con nhiều thời gian để tự học. Với cách in mới có cả chữ sáng và chữ nổi, phụ huynh có thể dạy cho con học tại nhà và thậm chí học chữ nổi cùng con”, bà nói thêm.

Bảng nhân bao gồm "chữ sáng" và chữ nổi Braille để cả người khiếm thị và người thân đều có thể sử dụng. Ảnh: Thanh Trần.
Bảng nhân bao gồm “chữ sáng” và chữ nổi Braille để cả người khiếm thị và người thân đều có thể sử dụng. Ảnh: Thanh Trần.

Theo ông Lê Thanh Hà – Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM – câu chuyện chữ nổi đến với đơn vị xuất bản một cách tình cờ. Sau khi được cô Lê Thị Hồng Nhung giới thiệu về sản phẩm Bảng tuần hoàn các nguyên tố Hóa học tương tác cho người khiếm thị, ngoài sự khâm phục dành cho các thầy cô, ông nhận thấy sản phẩm thủ công này có thể được cải tiến hơn nữa bằng phương pháp công nghiệp.

Bảng tuần hoàn các nguyên tố Hóa học tương tác cho người khiếm thị do cô Lê Thị Hồng Nhung, giáo viên bộ môn Hóa học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu) cùng các cộng sự thiết kế và công bố vào cuối năm 2022. Ngoài chữ viết còn khảm chữ nổi Braille của 118 nguyên tố hóa học, sau mỗi nguyên tố đều gắn 1 mã QR code có các gờ đánh dấu giúp học sinh khiếm thị định vị ô QR. Khi sử dụng điện thoại thông minh quét mã, các em sẽ nghe được đầy đủ thông tin về nguyên tố hóa học.

Từ ý tưởng gốc được làm thủ công, cho đến sản phẩm thực tế có thể được sản xuất công nghiệp có giá thành rẻ, ít cồng kềnh hơn, ông Hà cùng các cộng sự mất khoảng 2 tháng để nghiên cứu, làm thử và sửa chữa liên tục. Bên cạnh việc in chữ nổi và các thông số liên quan, phần mã QR ghi lại toàn bộ thông tin về nguyên tố đó cũng được điều chỉnh để giọng đọc chuẩn và thân thiện hơn.

“Nói nôm na thì nhà xuất bản đã giảm được phần lớn giá thành – yếu tố quyết định xem một sản phẩm có thể thành công trong sản xuất hay không, để biến một ý tưởng thành một sản phẩm xã hội”, ông Hà chia sẻ.

Trăn trở của những người làm xuất bản

Tuy nhiên, do bảng tuần hoàn hóa học vốn phức tạp, trong khi chờ sản phẩm được hoàn chỉnh, ông cũng bắt tay vào làm những sản phẩm đơn giản hơn như bảng chữ cái, bảng nhân. Chia sẻ với Zing, ông cho biết mong mỏi của mình là từ những sản phẩm đơn giản ban đầu này, có thể sản xuất được nhiều cuốn sách khác cho trẻ em khiếm thị, bao gồm cả sách giáo khoa với giá thành rẻ.

“Cả đời tôi làm sách sáng, đến lúc gần nghỉ hưu rồi, tôi hy vọng có thể làm được bộ sách giáo khoa Cánh Diều cho các em học sinh khiếm thị. Như thế có em sẽ có 2 bộ sách, một bộ ở trường học khiếm thị và một bộ tại nhà để phụ huynh cũng có thể giúp các em học. Đời các cháu đã thiệt thòi rồi, nên mình phải cố tạo điều kiện cho các cháu”, ông tâm sự.

Sản phẩm Bảng tuần hoàn các nguyên tố Hóa học tương tác cho người khiếm thị từ ý tưởng của cô Lê Thị Hồng Nhung cho đến phiên bản đang được thiết kế để sản xuất công nghiệp. Ảnh: NVCC.
Sản phẩm Bảng tuần hoàn các nguyên tố Hóa học tương tác cho người khiếm thị từ ý tưởng của cô Lê Thị Hồng Nhung cho đến phiên bản đang được thiết kế để sản xuất công nghiệp. Ảnh: NVCC.

Sách chữ nổi không phải là sản phẩm mới, tuy vậy, để có thể sản xuất hàng loạt bằng máy in công nghiệp, cần có sự nhạy bén và sáng tạo của những người làm sách. Thậm chí, trong giai đoạn đầu ông Hà cho biết cả nhà in và nhà xuất bản đều rơi vào tình trạng lỗ vì phải thử nghiệm, thay đổi liên tục. Ông vẫn nhớ những lần đến xưởng in, sản phẩm lỗi chất thành đống nhưng hầu như không ai than vãn mà tiếp tục thay đổi cách làm.

“Nếu thành công, nó sẽ mở ra một chân trời mới trong việc sản xuất sách chữ nổi bằng phương pháp công nghiệp. Với công cụ khác, phương pháp khác, sản phẩm đầu ra chắc chắn sẽ có sự khác biệt. Giá thành sẽ rẻ hơn và sách sẽ đến được với người khiếm thị một cách dễ dàng hơn”.

Ngay cả khi đã cầm trên tay những bản in hoàn chỉnh đầu tiên, ông Hà vẫn băn khoăn không biết liệu đây đã phải là phương pháp tối ưu nhất, hay vẫn còn cách nào khác mà máy in công nghiệp có thể làm ra những bản đẹp hơn, rẻ hơn.

“Đây có phải là cách giải quyết tốt nhất không thì tôi vẫn chưa biết. Điều khó nhất bây giờ, kinh phí chỉ là một phần, mà là cách làm như thế nào. Điều này tôi đang được các thầy cô tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu hỗ trợ, từ đó tìm cách cải tiến, chọn cách tối ưu nhất để in được chữ, hình ảnh nổi mà trẻ con sờ được”, ông nói.

Nhưng trước mắt, ông cảm thấy tự hào bởi những sản phẩm ban đầu đã có thể được sử dụng, giá thành rẻ, và đặc biệt là gia đình có thể tự dạy cho trẻ em khiếm thị, giúp “người sáng có thể dạy được người mù”.

Đây cũng là dự án ông hy vọng có thể theo đuổi lâu dài, đặc biệt là sau khi về hưu để có thêm thời gian nghiên cứu và tìm hiểu. Bởi theo ông, làm sách chữ nổi là một công việc đòi hỏi nhiều sự sáng tạo và tâm huyết, đồng thời vẫn còn nhiều tiềm năng có thể khai thác được.

nguồn: https://zingnews.vn/phuong-phap-moi-lam-sach-cho-nguoi-khiem-thi-post1428406.html