Một vài kinh nghiệm từ nghiên cứu trường hợp lên đồng ở châu thổ Bắc Bộ

NGUYỄN NGỌC MAI – TS. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Tóm tắt: Phỏng vấn sâu trong nghiên cứu nhân học là một trong những phương pháp nghiên cứu quan trọng đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có ngành nghiên cứu tôn giáo. Phương pháp này thích hợp nhất và hiệu quả nhất trong những nghiên cứu làm rõ bản chất của vấn đề, động cơ của hành động. Bài viết này chia sẻ một vài kinh nghiệm áp dụng phương pháp phỏng vấn sâu nhân học trong nghiên cứu trường hợp lên đồng ở châu thổ Bắc Bộ.

Thuật ngữ phỏng vấn (Interview) đã được sử dụng khá rộng rãi cả trong cuộc sống và trong nghiên cứu khoa học. Theo cách hiểu thông thường, phỏng vấn là sự tiếp xúc trao đổi giữa chủ thể (người phỏng vấn) và khách thể (người được phỏng vấn, người trả lời). Tuy nhiên, phỏng vấn trong nghiên cứu nhân học khác với phỏng vấn trong báo chí hay phỏng vấn trao đổi giữa bác sĩ và người bệnh. Nó không thuần túy là những hỏi – đáp đơn thuần, mà nội dung phỏng vấn cần phải được chuẩn bị trước, phải tuân thủ theo mục tiêu nghiên cứu, theo đối tượng đã được ghi nhận trong chương trình nghiên cứu. Nhà nghiên cứu cần phải được chuẩn bị ở mức độ kỹ lưỡng về kỹ năng và chuyên môn, việc ghi chép cũng cần thực hiện có hệ thống theo chương trình được chuẩn bị từ trước để tạo điều kiện tốt nhất cho xử lý thông tin sau này. Nguồn thông tin trong phỏng vấn không chỉ đơn thuần là những câu trả lời phản ánh ý thức, quan điểm của khách thể, mà còn bao gồm cả các yếu tố khác như hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ thân thể của người trả lời mà người phỏng vấn quan sát được trong suốt quá trình tiếp xúc.

Trong nghiên cứu khoa học, căn cứ vào mức độ chuẩn bị cũng như đặc tính của thông tin thu được mà phương pháp phỏng vấn được chia thành nhiều loại khác nhau: phỏng vấn sâu, phỏng vấn bán tiêu chuẩn (bán cấu trúc), phỏng vấn tiêu chuẩn (cấu trúc); phỏng vấn trực diện và phỏng vấn qua điện thoại(1). Nói như vậy để thấy rằng, phỏng vấn trong nghiên cứu khoa học cũng có nhiều hình thức khác nhau. Bài viết này chỉ đi sâu vào một loại phỏng vấn – phỏng vấn sâu áp dụng trong các nghiên cứu nhân học.
Phỏng vấn sâu là dạng phỏng vấn chỉ áp dụng trong những trường hợp nhà nghiên cứu ít nhiều đã xác định được sơ bộ vấn đề nghiên cứu và những thông tin cần thu thập cho đề tài. Mục tiêu của phỏng vấn sâu không phải để hiểu một cách đại diện, khái quát về tổng thể mà giúp hiểu sâu, hiểu kỹ về một vấn đề nhất định. Vì vậy, trong phỏng vấn sâu, người phỏng vấn hoàn toàn tự do trong cách dẫn dắt cuộc phỏng vấn cũng như trong cách xếp đặt trình tự các câu hỏi, thậm chí cả cách thức đặt các câu hỏi nhằm thu thập được thông tin mong muốn.
Phỏng vấn sâu thường áp dụng cho những tìm hiểu về nguyên nhân của một hành động hay một loạt hành động nào đó gắn với những trường hợp cụ thể. Như vậy, trước khi tiến hành phỏng vấn, việc xác định được đối tượng phỏng vấn là vô cùng quan trọng. Họ phải là những trường hợp tiêu biểu, có tính đại diện và đảm bảo thông tin mà họ cung cấp hoàn toàn phục vụ được cho nghiên cứu của nhà nghiên cứu. Chính xác hơn, họ phải là những người liên quan nhiều đến mục tiêu nghiên cứu và đảm bảo thông tin thu được từ những khách thể này hoàn toàn có thể thỏa mãn cho những câu hỏi nghiên cứu mà nhà nghiên cứu đặt ra. Do vậy, việc xác định tiêu chí nghiên cứu trường hợp đóng vai trò hết sức quan trọng. Việc xác định tiêu chí nghiên cứu trường hợp không phải ngay từ lúc bắt đầu xác định vấn đề nghiên cứu đã có thể hình dung và thiết kế chính xác, mà là kết quả của việc tìm hiểu về đối tượng nghiên cứu và sau một quá trình điền dã thực tế.
Cụ thể, trong nghiên cứu riêng, sau khi đi điền dã thực tế ở khu vực châu thổ Bắc Bộ và địa bàn đô thị Hà Nội, chúng tôi nhận thấy có hai loại điện thờ thường xuyên tổ chức các nghi lễ lên đồng: Một là, điện công (điện thờ Mẫu, ban Đức Ông tại các di tích lịch sử văn hóa công cộng như chùa, đền, phủ. Ở đó, Đồng Thầy đồng thời là thủ nhang ở đền, phủ hoặc là sư trụ trì chùa). Hai là, điện tư gia (điện thờ tại nhà riêng của người có căn đồng. Ở đây, chủ điện cũng là chủ gia đình). Những điện này đều có những bản hội riêng của mỗi Đồng Thầy.
Từ thực tế này, chúng tôi đã đưa ra tiêu chí chọn đối tượng phỏng vấn như sau:
Nhóm 1: Đồng Thầy

Tiêu chí thứ nhất: Họ phải là chủ điện tư và một số là quản lý điện công; là những người đã làm Đồng lâu năm, có tần suất lên đồng nhiều trong số các đệ tử của tín ngưỡng Tứ Phủ; có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết sâu về nghi lễ lên đồng.

Tiêu chí thứ 2: Họ phải đại diện cho hai địa phương là Hà Nội (nơi có tỷ lệ người lên đồng nhiều nhất) và Nam Định (cái nôi của nghi lễ lên đồng – với tư cách quê gốc của 2 vị thánh nổi tiếng linh thiêng là Thánh Trần và Thánh Mẫu).

Tiêu chí thứ 3: Họ phải đại diện cho hai hoàn cảnh: “trình” đồng từ thuở bé (do được cho là có căn đồng); trình đồng và trở thành Đồng Thầy khi đã lớn tuổi.

Tiêu chí thứ 4: Họ đại diện cho hai hình thức nghề nghiệp: nghề
buôn bán (được coi là gắn rất chặt với tín ngưỡng này) và nghề khác.

Tiêu chí thứ 5: Họ phải đại diện cho hai giới: Đồng nữ và Đồng nam. Nhóm 2: Đồng lính, con nhang đệ tử, cung văn, người làm mã
Đối tượng này là thành viên chính thức của các bản hội nêu trên. Họ cũng là những người thường xuyên đến lễ bái hay tham dự nghi lễ, thậm chí trực tiếp tổ chức lên đồng tại điện thờ của Đồng Thầy.

Sau khi chọn được hai nhóm đối tượng chính, chúng tôi tập trung phỏng vấn sâu Đồng Thầy và các thành viên trong bản hội của họ.
Việc đưa ra được những tiêu chí đúng sẽ giúp nhà nghiên cứu xác định khách thể nghiên cứu trên thực địa hoặc trong quá trình giao tiếp tại thực địa. Điều quan trọng nhất của công việc này là các thông tin thu về sẽ có tính đại diện và tính chính xác cao. Sau khi xác định được tiêu chí nghiên cứu trường hợp, nhà nghiên cứu mới bắt tay vào điền dã và thực hiện phỏng vấn nhân học. Trên thực tế, trong phỏng vấn sâu nhiều khi còn phát sinh những vấn đề mà nhà nghiên cứu chưa hình dung ra hết. Vì vậy, trước khi tiến hành phỏng vấn, nhà nghiên cứu cần phải tuân thủ một số yêu cầu về thiết bị, tâm lý, kỹ thuật ghi chép.

Yêu cầu về thiết bị: Chuẩn bị đầy đủ máy ghi âm, máy chụp ảnh, máy quay phim và các giấy tờ cần thiết khác.

Yêu cầu về công tác chuẩn bị: Trước khi xuống địa bàn, nhà nghiên cứu cần chuẩn bị các nội dung cần phỏng vấn. Những nội dung này phải đảm bảo bám sát mục tiêu nghiên cứu.

Yêu cầu về công việc ghi chép: Ghi chép trong phỏng vấn sâu phải hết sức nghiêm túc, càng chi tiết càng tốt. Có 3 loại ghi chép trong phỏng vấn sâu nhân học, gồm:

Ghi chép trước khi phỏng vấn: ghi chép về không gian, thời gian, bối cảnh, tình huống, thái độ của người trả lời trước khi xảy ra cuộc phỏng vấn.

Ghi chép trong khi phỏng vấn: ghi chép trung thành với cách sử dụng từ ngữ, hành vi của người trả lời, không ghi tóm tắt, không ghi theo cách hiểu chủ quan của người phỏng vấn; hạn chế tối đa việc cắt bớt hoặc ghi khái quát câu trả lời. Cách ghi chép này sẽ tránh được tình trạng thông tin bị dịch chuyển bởi ý đồ chủ quan của người được phỏng vấn. Trong trường hợp có máy ghi âm thì việc ghi tóm tắt có thể được chấp nhận, nhưng nhà nghiên cứu cũng cần lưu ý vì máy ghi âm chỉ ghi lại được tiếng nói, còn các cử chỉ, hành vi thì không thể, trong khi những ngôn ngữ này lại chiếm tới 75% thông tin(2). Vì vậy, người phỏng vấn phải ghi chép đầy đủ các cử chỉ, điệu bộ và cách thể hiện cảm xúc khi nói của người trả lời phỏng vấn để tiện cho việc phân tích thông tin sau này.

Ghi chép sau mỗi cuộc phỏng vấn, còn được gọi là “nhật ký thực địa”: Sau mỗi ngày làm việc, người nghiên cứu phải ghi chép lại đầy đủ lịch trình làm việc ở thực địa, những nhận xét ban đầu về ngày làm việc, những ý tưởng nảy sinh trong ngày làm việc, những nhận định ban đầu về hiện tượng vừa phỏng vấn. Đặc biệt, nhà nghiên cứu phải xem xét lại tất cả những thông tin đã thu được trong ngày, phát hiện vấn đề mới phát sinh, vấn đề gì chưa thỏa đáng để đưa vào nội dung phỏng vấn ngày hôm sau, hoặc kiểm tra lại trong buổi phỏng vấn lần sau, hay kiểm tra lại ở những khách thể khác có liên quan. Trong phỏng vấn nghiên cứu trường hợp, kỹ thuật này được gọi là kỹ thuật trở đi, trở lại (kiểm tra lại thông tin). Do yêu cầu này trong nghiên cứu trường hợp, nên việc phỏng vấn sâu phải áp dụng với một khách thể nhiều lần.

Việc thực hiện mỗi cuộc phỏng vấn sâu nên đi theo vấn đề chứ không nên máy móc hỏi tất cả các câu hỏi với đối tượng được nghiên cứu. Cách đặt câu hỏi trong phỏng vấn sâu cũng đòi hỏi trình độ kỹ thuật nhất định. Để cho đối tượng tự do thể hiện quan điểm, người hỏi không nên ngắt lời trừ phi người được phỏng vấn đề cập đến những thông tin quá xa mục tiêu nghiên cứu. Câu hỏi để người trả trình bày được nhiều nhất, thoải mái nhất phải là những câu hỏi mở. Cách phỏng vấn này còn được gọi là phỏng vấn tự do.
Trong phỏng vấn sâu, sự tác động giữa người hỏi và người trả lời ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả cuộc phỏng vấn. Điều này đòi hỏi người phỏng vấn phải có những kỹ năng nghề nghiệp nhất định. Để có được những thông tin khách quan, người phỏng vấn không nên hỏi những câu gợi ý, mớm lời. Tuy nhiên, khi gặp phải những vấn đề nhạy cảm khiến người trả lời lo ngại, ví dụ như thu nhập, tình dục, bí quyết làm ăn… thì người phỏng vấn không nên nóng vội thu thập thông tin, mà cần kiên nhẫn chờ đợi thời cơ, hoặc có thể mở rộng chủ đề phỏng vấn sang hướng khác. Khi khách thể mất cảnh giác, người phỏng vấn có thể đột ngột trở lại vấn đề đã bị từ chối. Trong nhiều tình huống, người phỏng vấn có thể dùng cách hỏi kiểm chứng những nội dung xung quanh vấn đề đó để tự rút ra những điều mình cần.

Chẳng hạn, khi chúng tôi muốn biết thông tin về nghề làm vàng mã phục vụ nghi lễ lên đồng, thông thường người trả lời lảng tránh do lo sợ bị thu thuế thu nhập, thuế kinh doanh cao, nhiều người sẽ lao vào nghề của họ,… Trong trường hợp này, chúng tôi phải hỏi các vấn đề liên quan gián tiếp như một đàn mã lễ gồm những thứ gì, mất bao nhiêu loại giấy bồi, mỗi loại giấy bao nhiêu tiền, đan cốt mã hết bao nhiêu, nếu mua sẵn cốt mã thì giá bao nhiêu, tốn bao nhiêu hồ, bao nhiêu giấy, những vật liệu này mua ở đâu,v.v… Một số người được phỏng vấn trả lời rõ giá, song có trường hợp chỉ nói địa chỉ mua và nhà nghiên cứu phải đến tận nơi đó để kiểm chứng về giá. Khi biết đích xác chi phí của từng nguyên liệu, nhà nghiên cứu có thể tự định giá, phần kiểm chứng sẽ dành hỏi người thường xuyên đặt mua mã lễ. Với cách này, chúng tôi đã tính ra được số tiền lời của một bộ đàn mã mà những hộ làm vàng mã thu được. Đối chiếu với ngày công lao động hoàn tất một bộ mã, chúng tôi có thể biết được ngày công của một thợ thủ công làm nghề này.

Ở trường hợp khác, khi tìm hiểu về chỉ số hạnh phúc của các con nhang đệ tử, nhưng người trả lời không cho biết hoặc cố tình giấu sự khủng hoảng trong đời sống hôn nhân của họ, chúng tôi phải hỏi vòng qua những vấn đề liên quan như sự chăm sóc của gia đình chồng, thái độ của chồng đối với họ. Dần dà, họ tự nhiên bộc lộ những đau khổ do nhà chồng và người chồng mang lại. Chỉ một câu hỏi đột ngột “Chồng em có bao giờ ngoại tình không?”, và “Đó có phải là một trong những lý do khiến em đến với nghi lễ lên đồng không?” đã khiến người được hỏi mất cảnh giác và thừa nhận cuộc sống gia đình không hạnh phúc, dù chỉ là “cái gật đầu” trong tình trạng “nước mắt tràn mi”. Những thủ pháp này giúp cho người nghiên cứu hiểu được bản chất của một hành vi cụ thể.

Trong phỏng vấn sâu, số lượng câu hỏi không nên nhiều, mà nên giới hạn câu hỏi với từng đối tượng cụ thể. Trong một số trường hợp có thể sử dụng câu hỏi chéo để kiểm tra độ chính xác của thông tin. Cụ thể, với vấn đề cách thức thực hiện nghi lễ lên đồng, chúng tôi chỉ tập trung hỏi các Đồng Thầy (Đồng cựu). Với các vấn đề như cảm giác khi lên đồng, số tiền phải chuẩn bị cho lễ trình đồng, các quy định sau khi nhập đồng…, chúng tôi lại phỏng vấn các Đồng lính (Đồng mới). Thông tin về các “giá đồng”, những “giá” hay giáng, những “giá” mới xuất hiện, chúng tôi vừa kiểm chứng qua các đồng, vừa phải phỏng vấn ở các cung văn (người hát phục vụ buổi lễ). Như vậy, cùng một hiện tượng nhưng người phỏng vấn phải ưu tiên vấn đề cụ thể với những trường hợp cụ thể để có thể lấy được nhiều thông tin có độ chính xác cao.

Trong phỏng vấn sâu nhân học thì độ chính xác của thông tin phụ thuộc vào mối quan hệ được thiết lập giữa người phỏng vấn và đối tượng được phỏng vấn. Thông tin chỉ chính xác khi khoảng cách giữa khách thể và chủ thể gần như không còn. Điều đó đặt ra yêu cầu người phỏng vấn phải lấy được lòng tin từ người được phỏng vấn. Người phỏng vấn phải tạo ra được sự đồng cảm, thâm nhập được vào cộng đồng đối tượng nghiên cứu. Muốn vậy, phương pháp câu chuyện cuộc đời (life story) là một trong những phương pháp hữu dụng nhất. Bên cạnh những kỹ thuật thâm nhập cộng đồng như sự đồng cảm, gây dựng niềm tin…, người nghiên cứu cũng phải tỏ ra khờ khạo về vấn đề đang nghiên cứu. Điều này giúp cho người được phỏng vấn trả lời thoải mái bộc bạch mà không cần giấu giếm thông tin.

Trong nghiên cứu nhân học, kỹ thuật quan sát tham dự và sự trải nghiệm đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Muốn thực hiện được mục tiêu đề ra bắt buộc nhà nghiên cứu phải thâm nhập và hòa đồng với cộng đồng khách thể nghiên cứu. Tiêu chí 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng hoạt động) phải được thực hiện một cách triệt để. Khi đó nhà nghiên cứu sẽ có nhiều điều kiện để chứng kiến và trải nghiệm cuộc sống của khách thể nghiên cứu. Tuy nhiên, trong nghiên cứu về tôn giáo, việc quan sát tham dự và trải nghiệm dễ khiến người nghiên cứu bị tác động bởi niềm tin tôn giáo của khách thể nghiên cứu do cơ chế lây lan (cơ chế lây lan tâm lý). Tình trạng này rất dễ khiến nhà nghiên cứu bị hút vào đời sống tôn giáo và nhìn nhận các hiện tượng theo cách nhìn của tín đồ tôn giáo mà quên mất vị trí khách quan khi phân tích thông tin. Để hạn chế được tình trạng này đòi hỏi nhà nghiên cứu phải hết sức vững vàng, tỉnh táo và có những kỹ năng để tránh bị cuốn theo khách thể mà xa rời nhiệm vụ nghiên cứu.

Điểm mấu chốt cuối cùng đối với phỏng vấn sâu là yêu cầu cao về nghiệp vụ của người phỏng vấn. Người phỏng vấn một mặt phải có sự hiểu biết khá rộng về các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực đang nghiên cứu. Mặc khác, họ cũng phải là người có kinh nghiệm phỏng vấn, nắm vững các kỹ năng giao tiếp để có thể vừa chủ động vừa bị động khi tiếp nhận thông tin và dẫn dắt cuộc thảo luận theo chủ đề cần thiết mà không làm ảnh hưởng đến cuộc tiếp xúc, không làm mất lòng người được phỏng vấn. Do vậy, so với những phương pháp khác, phỏng vấn sâu là phương pháp tốn kém khá nhiều thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, trong những nghiên cứu đòi hỏi phải làm rõ bản chất vấn đề, nguyên nhân của hành động, đây lại là phương pháp thích hợp nhất và hiệu quả cao nhất. Nó không chỉ giúp nhà nghiên cứu thâm nhập được vào cộng đồng khách thể nghiên cứu, hiểu biết và phản ảnh được bản chất vấn đề, mà còn thực sự là những nghiên cứu từ bên trong (cách nhìn của người trong cuộc). Sử dụng phương pháp này cũng đòi hỏi tố chất nhân văn của mục đích nghiên cứu và đạo đức nghề nghiệp, cũng như cách bộc lộ danh
tính của cá nhân nhà nghiên cứu nữa./.

CHÚ THÍCH

  1. Xem Phạm Văn Quyết, Nguyễn Quý Thanh (2001), Phương pháp nghiên cứu xã hội học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Allan Pease (2001), Ngôn ngữ của cơ thể, Nxb. Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội
    & Nhân văn, Khoa Nhân học (2008), Nhân học đại cương, Nxb. Đại học
    Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Laurel Kendall tuyển chọn (2007), Những phương pháp tiếp cận nhân học về tôn giáo nghi lễ và ma thuật. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa kỳ – Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
  3. Allan Pease (2001), Ngôn ngữ của cơ thể, Nxb. Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.
  4. Phạm Văn Quyết, Nguyễn Quý Thanh (2001), Phương pháp nghiên cứu xã hội học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
  5. Paul Thompson (1988), The Voice of the past Oral History, Oxford
    University, New York.

IN – DEPTH INTERVIEW METHODS OF ANTHROPOLOGICAL RESEARCH
(Some experiences from Lên đồng case study in the
Vietnam Northern Delta)

The in – depth interview of anthropological research is one important study methods of social sciences and humanities, including religious study. Especially it has clarified the nature of the matter, as well as the purpose of action. This article shares some experiences that using in – depth interview methods of anthropology for Lên đồng case study in the Vietnam Northern Delta.
Key words: in – depth interview methods, Anthropology, Lên đồng, the Vietnam Northern Delta.