Tài sản công là nguồn lực rất lớn và quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tổng giá trị tài sản công rất lớn, xét trên phạm vi toàn thế giới, ít nhất cũng phải bằng GDP toàn cầu; và trên phạm vi quốc gia, ở hầu hết các nước, tài sản công còn lớn hơn cả nợ công. Tài sản công lớn đến như vậy song phần lớn chính phủ các quốc gia đều không nắm được những thông tin chi tiết để hiểu về quy mô tài sản công của chính mình. Nguyên nhân có thể là do những quốc gia đó không có sổ sách ghi chép toàn diện về tài sản công, thiếu những tiêu chuẩn kế toán có chất lượng hay thậm chí là chẳng bao giờ bận tâm tới việc mô tả những tài sản mà họ sở hữu và giá trị thị trường của chúng.
Phần lớn tài sản công của các quốc gia được quản lý bởi các công chức trong bộ máy nhà nước quan liêu và tồn tại dưới dạng các doanh nghiệp nhà nước khác nhau. Việc quản lý tài sản công không dựa trên quyền lợi cao nhất của người dân, điều vốn không có gì xa lạ đối với các quốc gia, nơi mà chính quyền không phải do người dân bầu ra thì giờ đây cũng không phải là hiện tượng hiếm thấy tại ngay các nước dân chủ. Thậm chí, nhiều tài sản thương mại thuộc sở hữu công vẫn bị che giấu và không có giá trị kinh tế rõ ràng đang có nguy cơ bị cắt xén. Tình trạng này tác động rất tiêu cực tới các chính sách kinh tế, tới tăng trưởng GDP và chế độ dân chủ của rất nhiều quốc gia. Đã đến lúc chính phủ các quốc gia cần phải nhìn nhận một cách có trách nhiệm hơn tới tài sản công của chính quốc gia mình, đặc biệt là phải làm thế nào để có thể quản lý hiệu quả tài sản công.
Nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, cũng như bạn đọc quan tâm đến vấn đề tài sản công và quản lý hiệu quả tài sản công có thêm tài liệu tham khảo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Quản lý hiệu quả tài sản công (The Public Wealth of Nations: How Management of Public Assets Can Boost or Bust Economic Growth) của các tác giả Dag Detter và Stefan Fölster do Nhà xuất bản Palgrave Macmillan ấn hành năm 2015.
Trong cuốn sách Quản lý hiệu quả tài sản công này, các tác giả tập trung phân tích tài sản công mang tính thương mại, đó là những tài sản hoặc những hoạt động tạo ra thu nhập như là các doanh nghiệp nhà nước, bất động sản,… Bằng những luận cứ vô cùng sắc sảo cùng với những ví dụ minh họa cụ thể dựa trên thực tiễn phong phú của rất nhiều quốc gia, các tác giả đã giúp chúng ta hình dung tài sản công thực sự lớn đến mức nào, quản lý tài sản công tác động như thế nào tới tăng trưởng kinh tế, tới tiến trình dân chủ của các quốc gia và làm sao để tài sản công có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước…
Đặc biệt, phần lớn nội dung của Quản lý hiệu quả tài sản công, cùng với sự lồng ghép khéo léo các kinh nghiệm quý báu trong quản lý tài sản công của hai quốc gia Thụy Điển và Singapore, các tác giả đã đưa ra một số biện pháp để quản lý tài sản công có hiệu quả. Các biện pháp đó có thể là tách tài sản công ra khỏi tầm tay của các chính trị gia; quản trị các doanh nghiệp nhà nước chuyên nghiệp hơn, có thể áp dụng cách quản trị giống như đối với các doanh nghiệp tư nhân; kết hợp những phương thức quản trị doanh nghiệp tư nhân tốt với những cơ chế bảo đảm được việc theo đuổi các mục tiêu xã hội của đất nước; hoặc sử dụng những nhà quản trị tài sản chuyên nghiệp, hoạt động chính trị độc lập trong các quỹ của cải quốc gia (NWFs) để tạo điều kiện cho tính minh bạch trong quản lý tài sản công…
Bên cạnh việc chỉ ra những ưu điểm của các biện pháp quản lý tài sản công, các tác giả cũng phân tích về những mặt hạn chế của những biện pháp này một cách khách quan, khoa học trong điều kiện, bối cảnh của quốc gia mà mình nghiên cứu. Các tác giả cũng cho rằng, việc thành lập các quỹ của cải quốc gia để tạo điều kiện cho tính minh bạch trong quản lý tài sản công là biện pháp hiệu quả nhất đối với nhiều quốc gia.
Đây là cuốn sách do các tác giả phương Tây viết, có nhiều nội dung tham khảo hữu ích, song có một số nội dung đề cập trong cuốn sách là quan điểm riêng của các tác giả nghiên cứu trong bối cảnh của các nước phương Tây cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi thêm trong điều kiện cụ thể ở nước ta. Tôn trọng ý kiến của các tác giả và để bạn đọc rộng đường tham khảo, chúng tôi cố gắng giữ tinh thần của nguyên bản và khẳng định những ý kiến đó không phản ánh quan điểm của Nhà xuất bản.
MỤC LỤC
Chương 1: CỦA CẢI CÔNG CÓ THỂ GIÚP GÌ CHO BẠN?
Chương 2: ĐỪNG CẮN BÀN TAY ĐANG CHO MÌNH ĂN: GIÁ PHẢI TRẢ CHO QUẢN LÝ TỒI
Chương 3: QUẢN LÝ YẾU KÉM NHỮNG DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC CÓ THỂ HỦY HOẠI NỀN KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ NHƯ THẾ NÀO?
Chương 4: QUY MÔ VÀ TIỀM NĂNG CỦA TÀI SẢN CÔNG
Chương 5: CÁC CHÍNH TRỊ GIA LÀ NHỮNG NGƯỜI BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG NHÀ TƯ SẢN NỬA MÙA
Chương 6: NHỮNG NỖ LỰC BAN ĐẦU TRONG CẢI CÁCH QUẢN LÝ CỦA CẢI CÔNG
Chương 7: NHỮNG NGƯỜI THỤY ĐIỂN TIÊN PHONG: TỪ QUẢN TRỊ CHỦ ĐỘNG ĐẾN KHÔNG CAN THIỆP
Chương 8: NỀN QUẢN TRỊ CAN THIỆP TRỰC TIẾP NHƯNG VẪN ĐỘC LẬP: MỘT NHÀ CANH TÂN TỪ SINGAPORE
Chương 9: TIỀN TỆ HÓA GIÁ TRỊ THÚC ĐẨY DÂN CHỦ VÀ LỢI NHUẬN
Chương 10: CHUYỂN SANG CÁC QUỸ CỦA CẢI QUỐC GIA
Chương 11: CHIẾN LƯỢC NHẰM TẠO RA GIÁ TRỊ
Chương 12: BÀI HỌC CHO CÁC QUỸ CỦA CẢI QUỐC GIA TƯƠNG LAI
Chương 13: TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU MUỐN LÀM ĐƯỜNG SÁ, NHƯNG CÓ ĐỦ TIỀN KHÔNG?Chương 14: TỪ TÌNH TRẠNG SUY THOÁI ĐẾN VẤN ĐỀ QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG
Tác giả: Dag Detter và Stefan Folster
Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia – Sự thật
Nhà phát hành: Thaihabooks
Có thể bạn muốn xem
Hiểu rõ về sức khỏe và dịch bệnh từ những cuốn sách y học
Lý do sách biến theo người
Blockchain: công nghệ của tương lai
‘Chủ nghĩa khắc kỷ’ – Từ tự chủ đến bình an
Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) nhân kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô – Có xem thường giá trị sáng tạo?
COPYWRITING
Osho – Mặt Trời Tâm Thức
‘Lặng phố’: Những cảm thức đẹp, sâu lắng về Hà Nội
Cuộc phiêu lưu của quả lê khổng lồ