Nhân kỷ niệm 30 năm ra đời, báo Nhân dân cuối tuần vừa giới thiệu đến bạn đọc hai tuyển tập văn chương gồm: 30 năm thơ và 30 năm truyện. Điều thú vị ở hai tuyển tập này chính là đã kết nối được cả quá khứ với hiện tại, thế hệ những nhà văn thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rồi những người trẻ đang góp phần làm nên sắc diện của nền văn chương đương đại.

Tuyển tập “30 năm thơ” với 150 bài được đăng trải đều suốt 30 năm trên ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần, đã thật sự phản ánh được một giai đoạn phát triển lớn mạnh của thi ca nước nhà. Nhiều tên tuổi lớn xuất hiện trong tuyển tập là các nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Giang Nam, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Hoàng Nhuận Cầm…

Bạn đọc cầm trên tay tuyển tập dễ dàng nhận ra sự đa giọng điệu từ mỗi bài thơ của tác giả. Có thể nói, cảm thức và ký ức chiến tranh của một thời gian lao mà anh dũng đã hiện lên trong Lá rừng của Lê Thành Nghị, Màu hoa chuối đỏ của Giang Nam, Đi qua cơn giông của Anh Ngọc, Khát vọng Trường Sơn của Nguyễn Hữu Quý…

Các chủ đề về tình yêu, quê hương đất nước, thế sự, cảm hứng mùa xuân và hoa cũng góp mặt, làm nên sự đa dạng các gương mặt thơ. Đặc biệt, khá nhiều nhà thơ tài hoa chắc tay với mảng thơ tình đã xuất hiện trong tuyển tập như Mai Văn Phấn, Trương Nam Hương, Đặng Thị Thanh Hương, Ngô Liêm Khoan, Nguyễn Thành Tuấn…

Thơ của những cây bút trẻ ngày nay rất đổi mới, câu từ ngân lên tâm thức của thời đại, với âm hưởng được kết tinh từ đời sống chuyển biến mau lẹ. Họ tiếp nhận kiến thức, chịu đọc các xu hướng đổi mới thơ ca trên thế giới. Họ chịu tìm hiểu các nền văn minh, suy tưởng, học hỏi người đi trước, không ngừng đào sâu trong vỉa quặng đời sống tinh thần bằng nỗ lực không mệt mỏi để chắt lọc ngôn từ. Họ đang mở ra những con đường sáng tạo thơ mới.

Trong khi đó, tuyển tập 30 năm truyện ngắn chỉ chọn lựa 30 truyện từ những tên tuổi qua nhiều thế hệ như như nhà văn Ma Văn Kháng, Võ Thị Xuân Hà, Ngô Văn Phú, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Hoàng Công Danh… Ma Văn Kháng là nhà văn viết kỹ càng, dụng công, nhiều chi tiết đắt nhưng cũng hết sức dí dỏm. Mèo con tinh nghịch là một trong nhiều truyện ngắn có yếu tố giễu nhại, quan sát tinh tế của lão nhà văn.

Còn với Giả sơn, Khuất Quang Thụy đã đưa ra một thực trạng xã hội của những người hợp thời theo kiểu “quý nhân đãi kẻ khù khờ”. Các chi tiết trong truyện được ông sử dụng rất đắc địa. Điều cuối cùng Khuất Quang Thụy muốn nói với độc giả rằng, con người nhiều khi tự phá đi cái núi non chung, cái thiên nhiên chung để rồi lại tự xây cho mình những hòn non bộ giả. Truyện ngắn Ba người ở xóm Voi Đi của Trần Hồng Long nói về ba con người với ba số phận khác nhau, nhưng cùng chung một nỗi hoang mang bất hạnh, thế nhưng phía sau đó vẫn gợi lên khát vọng của tình yêu cuộc sống.

Ở thế hệ viết trẻ cũng mang đến cho tuyển tập một phong vị riêng trong thưởng thức văn chương. Đinh Phương trung thành với lối viết “sương mù”, không có cốt truyện và anh đã phủ lên truyện Mưa trong thành phố những ám ảnh của kiếp người trong đô thị.

Bông Ngọc lan phủ chúa của Nguyệt Chu lại rợn ngợp xúc cảm, như men xuân bồng bềnh, như vẻ đẹp của bông hoa muốn giấu mình đi nhưng hương sắc cứ phô ra, rõ nét. Sân rêu của Hoàng Công Danh đầy tình người, với sức gợi của một truyện ngắn nhỏ nhưng xinh xắn, để lại nhiều dấu ấn cho người đọc về lối ứng xử giữa hai anh em ruột thịt.

QUỲNH YÊN/SGGPO