Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2023), nhiều đơn vị xuất bản tổ chức tọa đàm, giới thiệu những ấn phẩm về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác.

Tọa đàm ra mắt sách Nhật ký trong tù - nhà thơ Quách Tấn phỏng dịch
Tọa đàm ra mắt sách Nhật ký trong tù – nhà thơ Quách Tấn phỏng dịch

Ra mắt bản phỏng dịch mới Nhật ký trong tù

Ngày 18-5, Nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức tọa đàm ra mắt cuốn Nhật ký trong tù – bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn. Bạn đọc được nghe những chia sẻ thú vị, câu chuyện xúc động từ các vị diễn giả về ngọn nguồn, nguyên do thi sĩ Quách Tấn dịch Nhật ký trong tù, để rồi với sự ủng hộ của gia đình nhà thơ, sự giúp đỡ của nhà sử học Dương Trung Quốc, tác phẩm Nhật ký trong tù một lần nữa đến với bạn đọc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, một trong những người được tiếp cận với bản thảo cuốn sách này từ sớm, kể rằng, nhà thơ Quách Tấn được một người bạn gửi cho tập thơ chữ Hán của Bác Hồ. “Tôi cảm Cụ Hồ là một nhà thơ nên tôi đọc kỹ phần dịch ra Quốc ngữ do các bậc túc nho ngoài Bắc dịch, thấy có nhiều điều hay nhưng cũng có điều chưa thật ưng ý. Với cái thú của người vốn thích dịch thơ Đường nên tôi ngồi dịch lại”, nhà thơ Quách Tấn chia sẻ với nhà sử học Dương Trung Quốc trong lần gặp mặt năm 1978.

Nhận định về bản dịch này, PGS-TS Lê Văn Toan, nhà nghiên cứu Hán học, cũng đánh giá rất cao tính sáng tạo trong bản chuyển ngữ của nhà thơ Quách Tấn. Những trang thơ được dịch và thể hiện theo lối mới lạ, độc đáo trong ấn phẩm cho chúng ta hiểu và trân trọng hơn về tài năng dịch thuật, đặc biệt là về tình cảm của thi sĩ Quách Tấn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vốn được biết đến là một dịch giả thơ Đường hàng đầu của nước ta, tuy nhiên, trong bản dịch này, ông đã phá cách, chuyển một số bài sang những thể thơ truyền thống khác của Việt Nam như lục bát. Có lẽ đây cũng là một lý do Quách Tấn đã khiêm tốn để là “phỏng dịch”.

Đặc biệt với ấn bản này, bạn đọc sẽ được “chiêm ngưỡng” những bài thơ của Bác với phần chép tay chữ Hán đẹp như một bức tranh của nghệ sĩ thư pháp Trần Thúc Lâm.

Đa dạng về thể loại và nội dung

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thiếu nhi một tình cảm đặc biệt. Tuy nhiên, chưa có nhiều cuốn sách viết về đề tài này và Những thiếu nhi bên Bác ngày ấy (NXB Kim Đồng) là cuốn sách hiếm hoi như vậy. Trong cuốn sách nhỏ này, tác giả Kiều Mai Sơn đã ghi lại 6 câu chuyện thú vị về những em bé vinh dự được chụp ảnh chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn tại thế.

“Tôi đã hỏi chuyện, ghi chép lại câu chuyện của những thiếu nhi được chụp ảnh bên Bác Hồ trong chiến khu Việt Bắc. Cũng có nhân vật quá nhỏ để nhận thức được có cuộc gặp với Bác, mà phải qua cha mẹ kể lại. Còn những tấm ảnh tiêu biểu khác đã quá quen thuộc với công chúng nhưng do những lý do khách quan lẫn chủ quan chúng tôi chưa gặp gỡ được nhân vật, chưa có đủ tư liệu để xác minh nên mong muốn sau này có điều kiện để bổ sung cho cuốn sách được phong phú thêm”, tác giả Kiều Mai Sơn chia sẻ.

Kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1996, sau 27 năm, cuốn sách Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật) của GS-TS Trình Quang Phú tiếp tục đến với bạn đọc trong dịp này. Lần xuất bản thứ 22 này, sách có nhiều bổ sung và chỉnh sửa so với các lần xuất bản trước. Ngoài việc sắp xếp lại thứ tự các bài viết ở từng phần cho phù hợp hơn, tác giả còn bổ sung 5 bài viết, trong đó đặc biệt có bài Bông Huệ thơm viết về người bạn của Bác Hồ (bà Lê Thị Huệ) ở Sài Gòn trước lúc Người ra đi tìm đường cứu nước.

Bắt đầu thực hiện từ năm 1999, sau hơn 20 năm, không kể bộ sách điện tử và bản đồ, Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh của NXB Trẻ đã có hơn 50 đầu sách giấy được ra mắt bạn đọc. Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ tiếp tục bổ sung vào tủ sách nhiều ấn phẩm mới như: Hồ Chí Minh bàn về quân sự; Hồ Chí Minh với ý chí tự lực, tự cường và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Thư riêng của Bác Hồ; Khắc sâu lời Bác; Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch – Bốn tháng sang Pháp; Bác Hồ với văn hóa phương Đông…

nguồn: SGGP