Tác giả cuốn Bản đồ tâm hồn con người của Jung do nhà xuất bản Open Court của Mỹ ấn hành là Tiến sĩ Murray Stein, Chủ tịch Hội Tâm lí học Phân tích Thế giới nhiệm kỳ 2001 – 2004. Murray Stein sinh năm 1943, học tập và lấy bằng Tiến sĩ ở Trường Đại học Yale và Đại học Chicago rồi học tập tiếp sáu năm ở Viện Jung Zurich, và hiện nay giảng dạy và thực hành tại Viện Jung ở Chicago. Murray Stein đã xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu có giá trị về học thuyết tâm lí của C.G. Jung và cuốn mới nhất là Con đường cá nhân hóa năm 2007. Murray Stein xuất bản cuốn Bản đồ tâm hồn con người của Jung năm 1998 với mục tiêu giới thiệu những nét cơ bản, đặc sắc nhất về học thuyết của nhà tâm lí học phân tích nổi tiếng người Thụy Sĩ C.G. Jung mà ông đã bỏ công nghiên cứu suốt gần 30 năm.
Trong cuốn sách này, ngoài phần Dẫn nhập còn có 9 chương đề cập đến những vấn đề chính của học thuyết tâm lí của Jung. Trong Dẫn nhập, tác giả phác họa những lí do khiến ông viết cuốn sách này, và trình bày một vài yếu tố cơ bản nhất vẽ học thuyết của Jung. Rồi tiếp đến là từng chương chuyên biệt đề cập sâu hơn đến chín vấn đề chính: cái tôi ý thức, các tổ hợp, năng lượng tâm thần, cổ mẫu và bản năng, persona và shadow, anima và animus, Self, cá nhân hóa và cuối cùng là mối quan hệ giữa tâm thần con người và không thời gian.
Trong chương về cái tôi ý thức, những đặc điểm chính của cái tôi được phác họa kèm theo một sự giới thiệu về các loại hình tâm lí phổ quát nhất của con người. Trong chương về các tổ hợp, phát hiện của Jung về vô thức cá nhân được trình bày kĩ càng. Đề cập đến năng lượng tâm thần, tác giả chỉ ra sự gắn bó mật thiết của Jung với vật lí học hiện đại. Cổ mẫu và bản năng giữ vị trí trọng tâm của cuốn sách khi tác giả đề cập đến vô thức tập thể, một đặc điểm đặc sắc rất riêng và đặc biệt trong học thuyết của Jung, khiến nó khác hẳn với các trường phái tâm lí học chiều sâu khác. Với persona và shadow là sự đề cập đến tính hai mặt của con người trong mối quan hệ với thế giới xung quanh. Trong chương về anima và animus với tiêu đề “Đường vào nội tâm sâu thẳm”, tác giả đã giới thiệu hai cổ mẫu quan trọng nhất của con người có tính năng làm biến đổi con người và xuất hiện ý thức. Chương kế tiếp đề cập đến Self (bản ngã), mô tả một trọng tâm thật sự và khó hiểu mà đời sống của con người luôn nỗ lực hướng tới. Cá nhân hóa là một chương mô tả quá trình để đạt tới trong sự phát triển của cá nhân và xã hội. Chương cuối cùng không chỉ như một sự tổng kết mà còn là sự đề cập đến mối liên quan giữa tâm thần con người và không gian với không gian và thời gian theo một mối liên hệ đặc biệt phi nhân quả mà Jung gọi là nguyên lí đồng thời tương ứng, một điều hiếm thấy ở các nhà tâm lí học khác trước và sau ông.
Cuốn sách này của tác giả Murray Stein mang tầm khái quát cao và sâu nhưng lại được viết bằng một văn phong dung dị khiến độc giả thông thường dễ dàng thấu hiểu và tiếp cận học thuyết cao siêu của Jung, và qua đó thể hiện tài năng và trình độ uyên bác của một nhà cựu Chủ tịch Hội tâm lí học phân tích thế giới, tổ chức chính thức duy nhất của các nhà tâm lí học phân tích hiện nay trên toàn cầu. Cuốn sách đã nhận được sự khen ngợi và đón nhận nồng nhiệt của khá nhiều nhà phê bình tên tuổi và các độc giả khác ở Mỹ cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới; và nó thật sự thiết thực, hữu ích, đem lại sự khai mở mới lạ và cần thiết cho bạn đọc về Bản đồ tâm hồn con người vô cùng huyền bí và huyền diệu mà C. G. Jung tài năng, người sáng lập nên ngành Tâm lí học phân tích, đã dày công nghiên cứu và phát hiện.
Tác giả:
Murray Stein, sinh năm 1943, Chủ tịch Hội Phân tích Tâm lí học phân tích thế giới nhiệm kì 2001-2004, từng học tập và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Yale và Viện C.G.Jung ở Chicago. Ông đã thực hành phân tích tâm lí trong hơn hai mươi năm, và hiện nay đang giảng dạy tại Viện C.G.Jung ở Chicago. Một số tác phẩm đã xuất bản của ông là: Practicing Wholeness (1996), Transformation: Emergence of the Sefl (1998), và đặc biệt là Junglian Psychoanalysis (tái bản lần thứ 2 năm 1995). Murray Stein đã xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu có giá trị về học thuyết tâm lí của C.G.Jung và cuốn mới nhất là The Principle of Individuation (2007).
Có thể bạn muốn xem
Cho đời bớt muộn phiền
Tư duy đạo đức
Nữ trạng nguyên duy nhất trong sử Việt
‘Đường Tống truyền kỳ’ và tấm lòng của Lỗ Tấn với cổ thư
Khai mạc triển lãm sách về biển và hải đảo Việt Nam
Quán Ánh Trăng Khuya
Tham gia bình chọn giải sách hay Bookish Best 2021
Triết gia Hy Lạp cổ đại: Cách chúng ta nên sống cuộc đời mình
Hồi ức và thơ trên báo xuân Sài Gòn xưa