Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật (Hội VH – NT) TPHCM vừa tổ chức chương trình giao lưu ra mắt sách “Tiếp bước mùa thu rồi ngày hăm ba”, giới thiệu 4 tác phẩm của 4 nữ nhà văn là hội viên Hội Nhà văn TPHCM, gồm: Cha tôi – Nhà thơ Nguyễn Bính, Sài Gòn thở chậm hít sâu, Dòng biên viễn, Phù sa châu thổ.
Nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH – NT TPHCM, cho biết, hàng năm liên hiệp đều tổ chức trại sáng tác quy mô vừa và lớn dành cho các loại hình VH – NT. Đặc biệt, kỷ niệm 75 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23-11-1945 – 23-11-2021), tròn 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, 45 năm thành phố mang tên Bác, Liên hiệp các Hội VH – NT TPHCM đã tổ chức Trại sáng tác VH – NT chủ đề “Tiếp bước mùa thu rồi ngày hăm ba”. Bốn tác phẩm vừa được ra mắt chính là kết quả của trại viết sau gần một năm nỗ lực thực hiện, vượt qua những mùa giãn cách xã hội.
Cha tôi – Nhà thơ Nguyễn Bính là tập ký chân dung do nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu (con gái nhà thơ Nguyễn Bính) chấp bút. Qua đời ở tuổi 48, đến nay thi sĩ tài hoa Nguyễn Bính đã đi xa 56 năm. Đó là khoảng thời gian không ngắn, nhưng dường như hình bóng của người cha thân yêu vẫn luôn còn đó. Bởi thế, với tình yêu vô bờ bến, dù mới lên hai đã phải xa lìa người cha thân yêu, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu vẫn cho ra đời ấn phẩm Cha tôi – Nhà thơ Nguyễn Bính.
Là một trong những người đầu tiên đọc Cha tôi – Nhà thơ Nguyễn Bính, PGS-TS Võ Văn Nhơn cho rằng, sách không chỉ để thỏa mãn tò mò cho những người mến mộ nhà thơ muốn biết về cuộc đời chìm nổi của ông, những giai thoại xung quanh nhà thơ tài hoa, những bóng hồng trong đời ông; không chỉ giúp cho độc giả yêu mến nhà thơ hiểu sâu hơn về đời và thơ của thi sĩ của đồng quê. Theo ông, tác phẩm còn là tài liệu quý cho những người viết văn học sử, những ai quan tâm nghiên cứu về Nguyễn Bính.
Thuộc thế hệ con của những cán bộ miền Nam tập kết, với nhà văn Hoài Hương, 46 năm làm công dân TPHCM là niềm tự hào không gì so sánh. Chị bày tỏ tình yêu với thành phố bằng những trang văn nho nhỏ thông qua những tác phẩm như Tùy bút xanh, Lãng du tình, Sài Gòn 7.000 đêm & Thương… rồi nhớ… Tập truyện ngắn Phù sa châu thổ là một mạch tiếp nối ấy. Sách gồm 12 truyện ngắn và 5 tạp văn với bối cảnh khá đa dạng.
Theo PGS-TS Võ Văn Nhơn, truyện của Hoài Hương giàu tính thời sự, từ chuyện môi trường sinh thái đến cơn hồng thủy của đại dịch Covid-19 vẫn còn đang nóng bỏng, đặc biệt là những câu chuyện của tuổi trẻ năng động trong thời đại thông tin, thể hiện ở những nhân vật chính trẻ trung, sôi nổi.
“Đọc truyện ngắn Hoài Hương, thấy một sự lạc quan không hề nhỏ của nhà văn về tương lai của thành phố chúng ta, một sự tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của đất nước, đặc biệt là niềm tin ở thế hệ trẻ”, ông nói thêm.
Sau hai tập tản văn Sài Gòn thềm xưa nắng rụng và Đêm nay con có mơ không ít nhiều tạo được thiện cảm nơi người đọc về những bài viết dung dị, mang đến những điều đẹp đẽ ẩn hiện trong cuộc sống thường nhật, nhà văn Trương Gia Hòa tiếp tục gửi đến bạn đọc tập tản văn thứ ba Sài Gòn thở chậm hít sâu với 39 bài tản văn được thể hiện bằng giọng văn duyên dáng, hóm hỉnh và sâu sắc. Đây cũng chính là cách chị thể hiện tình yêu của mình dành cho con người, cuộc sống ở thành phố thân thương sau hơn 30 năm sống và làm việc nơi đây.
Nhận định về Sài Gòn thở chậm hít sâu, PGS.TS Bùi Thanh Truyền bày tỏ: “Chị đã trao cho người đọc năng lực, hạnh phúc được thấu cảm và tin yêu qua từng chút thời gian được sống để nhận thức rằng: Làm người đâu có khó; sống cũng dễ dàng thôi, nếu chúng ta không đánh mất niềm tin và hy vọng dù trong bất cứ cảnh ngộ, nỗi đời nào. Loại vitamin niềm tin này sẽ luôn cần thiết, hiệu quả đối với độc giả”.
Từng gây chú ý khi đoạt Giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ 2006-2007, lần này, nữ nhà văn thuộc thế hệ 7X Hồ Thị Ngọc Hoài có bước tiến đáng kể với Dòng biên viễn, một tiểu thuyết lịch sử viết về Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Chọn một nhân vật lớn, không kém phần phức tạp để thể hiện, lại chọn thời điểm ông bị bệnh, trước lúc từ giã cõi đời để bày tỏ tâm tư, thế sự có thể xem là một sự bứt phá, táo bạo và dũng cảm của nữ nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài.
“Tác giả cũng bộc lộ rõ tính chất nữ tính hóa trong bút pháp. Đó là những hành động, biểu cảm, những suy ngẫm, liên tưởng, triết lý… thường tình, cảm tính, tế nhị, chu đáo của Nguyễn Hữu Cảnh; những đoạn miêu tả, trữ tình đều xuất phát từ điểm nhìn, giọng điệu của người kể chuyện, dẫu gián cách hay nhập vào nhân vật đều có một tông chủ đạo là đằm thắm, thiết tha, gợi thương gợi nhớ cho người đọc”, PGS.TS Bùi Thanh Truyền nhận xét.
HỒ SƠN
Có thể bạn muốn xem
Đẩy mạnh kinh tế công nghệ của ngành xuất bản
Đình chỉ phát hành tiểu thuyết “Mối chúa”
‘Ngựa thồ văn hóa’ và câu chuyện quảng bá văn chương Việt ra thế giới
Hoa không nở ở nơi đã gieo hạt
The Tatami Galaxy – Truyền kỳ phòng bốn chiếu rưỡi
Lan tỏa văn hóa đọc tới học sinh
Xem lại những thông báo bị lỡ trên Android
NHÀ THƠ TRUY PHONG VỚI BÀI THƠ CHẤN ĐỘNG THI ĐÀN NĂM 1956
Người đến từ Mariupol