Lần đầu tiên, hơn 30 tác phẩm nổi tiếng một thời xuất hiện trong bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”. Bộ sách được hoàn thành sau 16 năm.
Kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam và Hội sách quốc gia trực tuyến đầu tiên được tổ chức, NXB Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” và CLB “Trái tim người lính” xuất bản bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”.
Bộ sách do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên, gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang, khổ 16×24 cm.
Trong “Lời thưa” với bạn đọc, thay mặt nhóm sưu tầm, biên soạn, thực hiện bộ sách, nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ ông được Hội đồng Quản lý Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” giao trách nhiệm chính việc tổ chức sưu tầm và biên soạn bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”. Sau 16 năm (2004-2020), ông cùng các cộng sự hoàn thành công trình tâm huyết này.
Ông Hưng cho biết những trang nhật ký được sưu tầm in trong bộ sách hầu hết có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, “trẻ” nhất cũng đã 45 năm.
Bản gốc của chúng hầu hết là những trang giấy đã bạc màu, nét mực nhòe, mờ vì thời gian, mưa nắng. Hầu hết được lưu giữ trong các bảo tàng có uy tín ở Việt Nam và cả ở nước ngoài.
Một điều đặc biệt là 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ở chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về.
Thân nhân của các tác giả đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho nhóm sưu tầm, biên soạn sách sổ tay nhật ký (bản chính hoặc sao), cùng những di ảnh, di bút của người đã khuất.
Nhà văn Đặng Vương Hưng cũng thông tin đây là lần đầu tiên, những tác phẩm Nhật ký thời chiến Việt Nam hay nhất, nổi tiếng một thời, đứng chung trong một bộ sách, với hơn 30 tác phẩm của hơn 30 tác giả.
Không chỉ có 2 cuốn nhật ký lừng danh là Mãi mãi tuổi 20 và Nhật ký Đặng Thùy Trâm, những cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường khác cũng xuất hiện như: Gửi lại mai sau của tác giả Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ Công an Nhân dân Vũ trang Nguyễn Minh Sơn); Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý.
Một số tác phẩm khác là Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong; Nhật ký Vượt Trường Sơn của Phạm Quang Nghị; Những ngày trong vòng vây của Trần Mai Hạnh; bộ ba Nhật ký Bê trọc của Phạm Việt Long và Nhật ký đi B của Triệu Bôn…
Qua những trang nhật ký sinh động, cụ thể từng ngày, tháng của các chiến sĩ, bạn đọc có thể hình dung cuộc sống, chiến đấu vô cùng ác liệt, thiếu thốn ở chiến trường trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Họ là những người con của Tổ quốc trong những ngày đạn bom và máu lửa, với những nỗi niềm chung vì hòa bình, hạnh phúc của nhân dân, đất nước, và cả những nỗi niềm riêng tư của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cảnh.
Cũng qua bộ sách, người đọc có thể hình dung phần nào cảnh sống, sinh hoạt của những người dân khu Bốn – vùng tuyến lửa – nói riêng và miền Bắc nói chung trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ…
Nhưng, bao trùm và xuyên suốt vẫn là tấm lòng yêu thương, nỗi nhớ mong tha thiết của người lính đối với gia đình, Tổ quốc; vẫn là ước vọng hòa bình và đoàn tụ.
Trung tướng, tiến sĩ khoa học quân sự, Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Chủ tịch Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”, đánh giá đây là công trình có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc.
“Có thể xem bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam như một tượng đài Di sản phi vật thể, mà các Anh hùng – Liệt sĩ, các cựu chiến binh đã để lại dấu ấn của tâm hồn mình cho thế hệ sau”, trung tướng Hưởng nói.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính.
Họ viết những trang nhật ký này ngay tại chiến trường, viết những gì họ muốn nói nhất, khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương.
“Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề, tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Được ấn hành hoàn toàn bằng kinh phí xã hội hoá, bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam ra mắt lần đầu được in với số lượng 500 bản, chủ yếu làm quà tặng tri ân của các cựu chiến binh Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” nhân kỷ niệm 15 năm ngày truyền thống của quỹ (16/8/2005-16/8/2020).
Tuy không nhằm mục đích kinh doanh, với tinh thần xã hội hóa, 250 bộ (mỗi bộ gồm 4 tập, mỗi tập hơn 1.000 trang) sẽ được phát hành bằng hình thức online và gửi đến nhà theo yêu cầu cầu của bạn đọc.
theo Zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Linh tử – Giao tiếp với đứa con định mệnh
Thềm cũ đã xanh rêu
Nghệ Thuật Tư Duy Ngược Dòng
Chàng trai 9x mê “xê dịch” với mong muốn xây 100 thư viện cho trẻ em nghèo
Bài giảng cuối cùng
Người Ba-na Ở Kon Tum
Facebook cập nhật tính năng like cảm xúc mới
Con trai của Gấu
Làm thế nào để chiến thắng đại dịch?