Quả thật, xứ biển quê tôi ngày trước mọc rất nhiều rau đắng biển, trên bờ, dưới ruộng, mé ao gì đều có thể có loại rau này. Dù đào đấp thế nào, nó cũng mọc lên một cách khỏe mạnh ngoài ý muốn của người làm nông.

Rau đắng biển dĩ nhiên có nhiều ở những vùng đất phèn, nước mặn gần biển, nhất là những đầm lầy. Ngoài ra, nó còn hay mọc ở những nơi có tán lá cây rậm rạp mát mẻ trong vườn nhà. Thường là những loại đất thịt pha cát rất thích hợp cho sự phát triển của rau đắng biển.

Miệt đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều loại rau này, khi cần nó chúng ta không khó tìm thấy nó.

Quê biển - Rau đắng biển

Chưa bao giờ tôi thấy ai đó trồng loại rau này vì nó cực kỳ dễ mọc và khi đã mọc rồi rất khó diệt nó. Rau đắng biển thường mọc lên từ hột già từ mùa trước rơi rụng xuống đất.

Nhà tôi đã từng làm hai mẫu ruộng biền nên đôi lúc rất khổ sở với các loại rau cỏ nước mặn mà một trong số đó là rau đắng biển.

Khi mưa xuống xả bớt phèn chua ra sông và khi đã gieo mạ hơn một tháng, nhà tôi có máy cày liền cho cày hết mấy đám ruộng biền vừa góp phần xả phèn vừa làm cỏ cho sạch để kịp cấy mạ. Gặp phải mấy vuông ruộng đất hơi cao mọc toàn rau đắng, với cỏ nước mặn, cỏ cú. Mặc dù chúng tôi cố gắng quơ sạch cỏ bị cày xới lên bờ, nhưng những đoạn rau đắng biển bị đứt khúc rơi rớt không thể nào vớt lên hết được.

Mạ được cấy xuống ruộng trong khi nước vẫn cón ánh màu phèn vàng quạch. Nhờ mưa vẫn tiếp tục nên phèn được xả ra sông, lúa có thể bắt rễ lên xanh tốt. Tuy vậy cũng có năm ít mưa, lúa bị hơi phèn từ đất hắt làm lúa chết rất nhiều, phải dăm lại rất hao mạ, có khi phải đi xin nhà nào còn mạ.

Vậy mà rau đắng biển vẫn sống bất kể mưa nắng. Chúng tôi khổ sở vì những đoạn rau đắng còn sót lại khi cấy mạ. Đến khi mạ cấy lên xanh tốt, chúng tôi phải lội xuống ruộng để nhổ sạch đám rau đắng ngoan cố đó xong mới bón phân cho lúa được.

Nói vậy mọi người mới hình dung được là rau đắng biển sống khỏe thế nào.

Khi gió chướng bắt đầu về, trời gần như dứt mưa, rau đắng biển bắt đầu già cọng, trổ nhiều bông và kết hạt, khi già rụng xuống cho mùa sau lại mọc lên.

Trong rau đắng biển có chất saponin rất tốt cho tuần hoàn não, chống oxy hóa các tế bào não, dĩ nhiên có lợi trước tiên cho những người cao máu hay cao tuổi. Chẳng phải là người ta hay mua những loại thuốc hoạt huyết, giúp cho tuần hoàn máu não, vậy thì tại sao chúng ta không tìm hiểu cách sử dụng rau đắng như thế nào để giúp ích cho bộ não của mình, cũng là tự bảo vệ sức khỏe thông qua việc ăn uống, khỏi lo tác dụng phụ của thuốc.

Vào bữa ăn hàng ngày, chúng ta có thể ăn sống, nên kèm thêm rau càng cua hay các loại rau thơm cho bớt đắng lại dễ ăn hoặc làm gỏi rau đắng sống với tôm thịt. Nếu không thích ăn sống, dòn, hãy chần sơ qua nước sôi cho đỡ đắng.

Quê biển - Rau đắng biển

Nếu ai thích ăn cháo thì có thể nấu cháo cá lóc rau đắng biển như rau đắng đất vậy. Ngoài ra còn có thể luộc hoặc xào hay nấu canh đều dễ ăn nếu biết cách chế biến.

Nếu ai đã từng ăn qua loại rau này, đúng như tên gọi, rất đắng. Do có vị đắng như vậy nên nó có tính mát, thanh nhiệt, tiêu độc, và được xem là tiêu biểu trong bốn vị cần thiết cho cơ thể con người: đắng, chua, chát, cay. Khi ăn chung với các loại rau khác, cần điều chỉnh liều lượng các vị trong bữa ăn của mình.

Tôi hay mua rau đắng biển kèm rau càng cua cho nhà ăn, cộng thêm nước chấm mà tôi thường cho thêm gừng, nếu gừng ngâm chua càng dễ ăn.

Rau đắng dễ kiếm ở các chợ, thường từ quê mang lên nên không sợ thiếu. Nếu để chọn lựa giữa uống thuốc đắng và ăn loại rau thừa vị đắng này, tôi sẽ chọn ăn rau, vì hồi nhỏ tôi bị sốt rét mỗi lần uống cả bụm thuốc nên giờ sợ thuốc lắm rồi. Đối với tôi, ăn dễ hơn dù đắng chua chát cay gì cũng được, miễn là thấy khỏe người thôi.

Người ta dùng các loại rau củ sạch để điều chế các loại thực phẩm chức năng cho con người. Vậy, tại sao chúng ta lại không thèm quan tâm đến rau củ mà chỉ quan tâm đến thuốc thôi?

Đăng lại từ Facebook Kieu Duong