Bài thơ “Còn lại những mùa hè” trích từ tập “Trong cõi chiêm bao” của Lê Minh Quốc. Bài thơ gợi về những xao động của mùa hè, tuổi trẻ và nỗi buồn khi đánh mất yêu thương.
Hỡi những cuộc tình buồn như cái chết Đi qua đời tôi một nỗi đau dài Trưa nay gặp một vòm hoa phượng cháy Chợt biết mình đã hết tuổi con trai *** Đã hết thời đứng cổng trường con gái Đợi ai về lẽo đẽo bước theo sau Đã hết thời chờ dương cầm vang vọng Điệu Rumba khắc khoải mối tình đầu *** Tôi không còn là tôi. Tôi trở thành ai đó Những cuộc tình như trưa nắng lao xao Xe thổ mộ ngỡ ngàng quanh chợ huyện Chở tôi về nhưng tôi biết về đâu? *** Tôi biết về đâu khi chính tôi đánh mất Lời của chim lất phất trước sân trường Lời của gió đẩy đưa hoa phượng nở Tôi trở về vấp té bởi mùi hương *** Khi đi đứng giữ mùa hè rực nắng Hoa phượng ơi đỏ rực mỗi một thời Tôi muốn khóc nhưng không còn nước mắt Không còn gì rơi xuống đắng bờ môi...
Lời bình
Nắng đã rực lên đánh thức màu lửa trong chùm phượng vĩ. Tuổi trẻ vẫy vào trời bằng những khát khao và yêu thương cháy bỏng. Có lẽ, ai trong chúng ta cũng từng nuôi trong lồng ngực, thắp nơi đáy mắt một khoảng trời say mê như thế.
Tất cả rồi sẽ đi qua, đi qua! Không còn những buổi chờ nhau, không còn tiếng dương cầm vang vọng, không còn những dặt dìu của mối tình đầu. Ta về đâu, giờ đây, trong ngày phượng thắm?
Tứ thơ gợi từ mùa hè rực nắng nhưng phân tách hai không gian, thời gian và cảm xúc khác biệt. Tôi của ngày xưa và tôi của bây giờ. Sắc đỏ say mê một thời và nỗi buồn khô khát vây quanh trong hiện tại.
Cấu trúc vòng, mở ra hiện tại, khép lại bằng hiện tại của bài thơ gói những đam mê vào trong, gói cả nỗi đau dài vẫn không nguôi trước màu phượng cháy. Ta còn gì trên bờ môi năm tháng?
Nguồn: Lê Minh Quốc/https://zingnews.vn/ta-con-gi-tren-moi-nam-thang-post1216031.html
Có thể bạn muốn xem
7 sự kiện thiên văn ấn tượng nhất trong năm 2018
Món chay bếp nhà
GÓC KHUẤT KỲ LẠ CỦA NHỮNG NHÂN VẬT LỊCH SỬ NỔI TIẾNG THẾ GIỚI
Bí mật của những bí mật
Sbooks lan tỏa sách Việt tại Hội sách Frankfurt 2024
Nói sao cho hết về người con gái Việt Nam
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Không Trở Lại
Phát kiến thời gian của MiM