Không có biển giới thiệu đầy đủ, hướng dẫn viên tùy tiện đưa thông tin sai… nhiều du khách khi tìm đến phim trường “Chuyện của Pao” tại xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã không hề biết đến sự tồn tại của tác phẩm văn học vốn là khởi nguồn của bộ phim đình đám này. 

Phim trường “Chuyện của Pao” thành điểm du lịch hút khách nhưng không có thông tin về tác giả truyện ngắn được chuyển thể.

Sức sống từ tác phẩm văn học

Người yêu điện ảnh hẳn còn nhớ giải thưởng Cánh diều vàng năm 2006 của Hội Điện ảnh Việt Nam, vinh danh bộ phim “Chuyện của Pao” ở bốn hạng mục: Phim truyện nhựa xuất sắc (đạo diễn Ngô Quang Hải), diễn viên chính xuất sắc (Đỗ Thị Hải Yến), nữ diễn viên phụ xuất sắc (Nguyễn Như Quỳnh), quay phim xuất sắc (Trần Hùng – Cordelia Beresford).

Không thể không nhắc đến truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” (giải nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1998 – 1999) của nhà văn Đỗ Bích Thúy vì bộ phim “Chuyện của Pao” đã được chuyển thể từ tác phẩm này. “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” được nhà văn sáng tác dựa trên những số phận có thật, trong đó người bạn thuở ấu thơ tên Thương chính là nguyên mẫu của nhân vật May (trong tác phẩm văn học), Pao (trong phim “Chuyện của Pao”). Chính nhà văn Đỗ Bích Thúy, một người con của quê hương Hà Giang, đã đưa đạo diễn Ngô Quang Hải lên gặp Thương, cũng như tìm hiểu sâu hơn về văn hóa của một vùng đất và tìm kiếm bối cảnh cho bộ phim.

Sau khi khởi chiếu và giành được thành công lớn, bộ phim “Chuyện của Pao” đã đón nhận sự yêu mến nồng nhiệt của công chúng. Trong một số chương trình giao lưu với đoàn làm phim khi đó, có sự xuất hiện và được đoàn làm phim giới thiệu trân trọng của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Poster giới thiệu phim luôn xuất hiện dòng chữ “Một bộ phim của đạo diễn Ngô Quang Hải. Dựa theo truyện ngắn “Tiếng đàn môi bên bờ rào đá” của Đỗ Bích Thúy”. Mặc dù tên truyện ngắn bị sai, chữ “sau” nhầm thành chữ “bên”, song phần nào thể tất được bởi tác phẩm văn học đã được đoàn làm phim đề cao.

Nhà văn bị lãng quên?

Dư âm “Chuyện của Pao” không dừng lại ở đó. Bộ phim không chỉ gây xúc động cho người xem ở nội dung sâu lắng về thân phận con người nơi vùng núi cao mà còn mê hoặc bởi những cảnh phim thấm đẫm chất thơ về những bức tường rào đá, cánh đồng hoa cải, ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc cùng những cảnh sinh hoạt mang đặc trưng vùng cao. Nhiều người đã không quản đường sá xa xôi, lặn lội tìm đến nơi mà bộ phim chọn bối cảnh. Đó là làng văn hóa Lũng Cẩm, xã Sủng Là. Ngôi nhà của Pao trong phim là nhà của ông Mua Súa Páo – một người thuộc tầng lớp quý tộc xưa trong làng.

Trước nhu cầu ngày càng gia tăng của du khách thập phương, chính quyền địa phương đã quy hoạch phim trường “Chuyện của Pao” thành một địa điểm du lịch hấp dẫn. Nhờ có sự sắp xếp, tổ chức bài bản nên những năm qua, du khách đến với Hà Giang ngoài những điểm đến truyền thống nổi tiếng như cột cờ Lũng Cú, cao nguyên đá, phố cổ Đồng Văn… thì xã Sủng Là cũng nhanh chóng là một địa chỉ ấn tượng khó bỏ qua. Ngôi nhà của ông Mua Súa Páo được gắn các biển giới thiệu, chỉ dẫn bằng tiếng Việt và tiếng Anh, cùng hình ảnh một số cảnh quay trong phim… 

Tuy nhiên có mặt tại đây trong dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch 2021, dù đã cố gắng tìm kiếm nhưng chúng tôi không tìm thấy một dòng thông tin nào cho biết phim “Chuyện của Pao” được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Du khách chỉ biết đây là nơi thực hiện các cảnh quay quan trọng trong phim. Cũng trong sáng 1-1, khi đứng cùng một đoàn du khách từ phương Nam tới, tôi quá ngạc nhiên khi nghe một hướng dẫn viên giới thiệu “Chuyện của Pao” được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Tô Hoài! Đã có bao nhiêu đoàn khách đến đây say sưa check-in “nhà của Pao” mà không hề biết đến tác giả tác phẩm văn học? Ngay sau đó tôi đã trao đổi với hướng dẫn viên cũng như đã giới thiệu anh ta với nhà văn Đỗ Bích Thúy đang đi cùng đoàn để sửa thông tin giới thiệu cho du khách.

Nhìn vào sự phát triển của du lịch tại Sủng Là hôm nay có thể khẳng định rằng có sự đóng góp không nhỏ của nhà văn Đỗ Bích Thúy, người viết truyện ngắn mà nếu không có nó thì có thể khẳng định, sẽ không có bộ phim “Chuyện của Pao”. Có những thời điểm con đường vào xã quá tải vì lượng du khách khắp nơi đổ về. Chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực quảng bá văn hóa, phát triển du lịch. Nhưng việc bỏ quên tên nhà văn tác giả của truyện ngắn nổi tiếng ngay tại điểm du lịch có liên quan quả là điều đáng tiếc, cần sớm được sửa và rút kinh nghiệm.

Phong Điệp – Báo thời nay