Mỗi người trong chúng ta đều là một cỗ máy thời gian.

Chúng ta có khả năng ghi nhớ quá khứ, nhận thức được khoảnh khắc hiện tại – ngay bây giờ! – và hướng suy nghĩ về tương lai.

Điều này giúp chúng ta nhìn nhận cuộc sống như một cuộc hành trình.

Hãy tận hưởng thời gian.

Bạn có thấy lời gợi ý này thật ngu ngốc không?

Dĩ nhiên, nó thật phi lý.

Nhìn chung, chúng ta coi thời gian là một loại hàng hóa (và thật đáng buồn, loại hàng hóa này không bao giờ có đủ), hoặc là một kẻ chuyên đi bắt nạt (thời gian đang tạo áp lực), hoặc một người tình thiếu chung thủy (đúng lúc bạn cần đến nhất thì nó chạy mất hút).

Chúng ta kiếm thời gian, sử dụng thời gian, tiết kiệm thời gian, nhưng có khi nào thấy mình có dư dả chút thời gian, chúng ta lại tìm cách làm sao để giết thời gian.

Thời gian cũng là một chiếc hộp mà chúng ta cố gắng nhồi nhét vào càng nhiều sự kiện và hoạt động càng tốt, rồi còn gắn thêm cho nó một danh sách gồm vô số các việc cần làm 24/7 dài dằng dặc.

Chúng ta đang quá mải mê với cuộc chạy đua cùng thời gian, hối hả lao vào thực hiện công việc, nên ý tưởng rằng thời gian là thứ đáng tận hưởng – một khái niệm rộng mở, tác động đến mọi giác quan – khiến chúng ta cảm thấy tội lỗi.

Nhưng chẳng lẽ chúng ta không nên tận hưởng thời gian sao?

Suy cho cùng, nó là một chất liệu tạo nên cuộc sống, và xét từ góc độ lý thuyết, ngày nay chúng ta đang sở hữu trong tay nhiều thời gian hơn bao giờ hết.

Những tiến bộ về y học và dinh dưỡng đã giúp chúng ta có tuổi thọ cao hơn bất kỳ thế hệ nào của loài người trong lịch sử, và công nghệ đã làm biến đổi cấu trúc cũng như những khả năng của đời sống thường nhật.

Mỗi khoảnh khắc đều hứa hẹn sự bừng nở của những điều kỳ diệu khi các rào cản về không gian-thời gian lần lượt ngã xuống trước một chiếc điện thoại thông minh đầy pin.

Khi được trang bị một trong những cỗ máy thời gian bỏ túi như thế để có thể truyền tải tức thời những suy nghĩ, mong muốn, cũng như tiền mặt, bạn sẽ thực hiện được vô số nhiệm vụ phức tạp, gần như ngay lập tức, vào bất kỳ khi nào và bất kỳ nơi đâu tùy ý.

Tình bạn, tình dục, tin tức, những khám phá về ẩm thực, những dự án hợp tác về âm nhạc, những tiến bộ về khoa học, những cộng đồng người hâm mộ, và những đế chế kinh doanh mọc lên như nấm với tốc độ chóng mặt trên thiên đường mạng Internet.

Thậm chí còn hơn thế, bạn có thể tham dự vào một bữa tiệc mà không cần phải ra khỏi giường, chứ chưa nói đến chuyện ra khỏi nhà.

Mối quan hệ của bạn với thời gian đã và đang được biến đổi.

Nhưng đây lại chính là lý do vì sao việc tận hưởng thời gian trở nên khó khăn đến thế.

Một cách khác để nhìn vào tác động của những sự thay đổi nhanh chóng đang diễn ra với trải nghiệm cuộc sống thường nhật là chúng ta đang bị bao vây.

Những khoảng chú ý, những mong muốn, và giờ làm việc của chúng ta đang bị dội bom, phá vỡ và uốn thành những dạng hình không tưởng bởi những yếu tố gây phân tâm, những cơ hội, và nghĩa vụ đi kèm với việc sống trong một dòng thác cuồn cuộn của những sự lựa chọn.

Và tốc độ của sự thay đổi khiến chúng ta thiếu sự chuẩn bị cần thiết để có thể hiểu và làm dịu bớt những tác động ảnh hưởng tới chúng ta.

Vì sao danh sách những việc cần làm của bạn cứ kéo dài mãi như vậy, dù bạn đã chăm chỉ cắt tỉa và rút ngắn nó?

Tệ hơn nữa, càng có thêm sự lựa chọn, bạn sẽ càng có thêm sự tiếc nuối, vì với mỗi việc mà bạn quyết định không làm lại kéo theo một cảm giác day dứt, một nỗi sợ rằng biết đâu bạn vừa bỏ lỡ điều gì đó.

Có thể bạn cảm thấy mình được giải phóng khỏi những ràng buộc của quá khứ. Nhưng sự tự do cũng sẽ trở thành gánh nặng nếu bạn đang bị quá tải.

Ranh giới giữa công việc và nhà riêng, giữa nơi công cộng và chốn riêng tư, đang dần bị công nghệ truyền thông đục bỏ, vì vậy việc bảo vệ thời gian riêng của bản thân bạn cũng trở thành một thách thức đòi hỏi nhiều thời gian.

Với tôi, thời gian không phải kẻ thù.

Nó là phát kiến vĩ đại nhất của nhân loại.

Nhưng xét ở cấp độ thực tế thường nhật, nó là hai điều:

  • là chiều kích có thể đo lường của sự sống
  • là một thiết bị tổ chức, có thể ví công dụng của nó như một chiếc la bàn.
  • chiếc la bàn này giúp bạn xác định được phương hướng: để qua đó bạn có thể định hướng cho mình, phối hợp cùng những người khác, và vẽ nên tương lai cho bản thân.

Mỗi người trong chúng ta đều là một cỗ máy thời gian.

Trong số tất cả các loài động vật trên Trái đất này, duy chỉ có loài người là có khả năng ghi nhớ quá khứ, nhận thức được khoảnh khắc hiện tại – ngay bây giờ! – và chúng ta cũng có thể hướng suy nghĩ về tương lai.

Điều này giúp chúng ta nhìn nhận cuộc sống như một cuộc hành trình, có định hướng và đích đến, cho phép chúng ta trở thành một điều gì đó lớn lao hơn nhiều chứ không chỉ đơn thuần là tổng số của những hoạt động hằng ngày.

Khi chúng ta nghĩ về việc mình là ai, thì chúng ta là tất cả số thời gian trong cuộc sống của mình.

Đây chính là món quà tuyệt nhất của thời gian dành cho chúng ta.

Nó cũng đồng thời giải thích vì sao việc tận hưởng thời gian lại không phải là câu hỏi giản đơn về việc làm sao để gia tăng hiệu suất công việc, hay tìm kiếm những cách thức giúp chúng ta trốn chạy khỏi những áp lực của thời gian.

Vì vậy, đừng trở thành đầy tớ của thời gian.

Hãy để nó làm người bạn đồng hành cùng bạn trên hành trình một chiều đi qua cuộc đời này.

Tác giả: Catherine Blyth
Dịch giả: Khánh Trang
NXB: Công Thương

MỤC LỤC:

SỐNG TRONG MỘT THẾ GIỚI VỘI VÀNG

  1. Nhanh hơn, giàu có hơn, và ít thời gian hơn
  2. Tôi không có thời gian
  3. Áp lực về thời gian khiến tâm trí thu hẹp ra sao
  4. Triệu chứng mệt mỏi với xã hội 24/7

Bộ công cụ

Tham khảo

THỜI GIAN LÀM THAY ĐỔI TỐC ĐỘ NHƯ THẾ NÀO

  1. Sự biến dạng thời gian
  2. Ai kiểm soát tốc độ của bạn?
  3. Báo tin nhắn!
  4. Chậm lại và đi muộn

Bộ công cụ

Tham khảo

VÌ SAO TẬN HƯỞNG THỜI GIAN LẠI KHÓ ĐẾN VẬY?

  1. Có thể tận hưởng thời gian không?
  2. Tính toán sai và sự trì hoãn
  3. Vì sao tất cả mọi người đều nhìn nhận thời gian khác nhau
  4. Sống ở chế độ tự động

Bộ công cụ

Tham khảo

ĐỪNG ĐUỔI THEO THỜI GIAN NỮA  

  1. Chim sơn ca và cú
  2. Đừng tung hứng nữa và chuyển sang chế độ đơn nhiệm
  3. Thời hạn không nhất thiết là điều đáng sợ
  4. Tạo đà đẩy

Bộ công cụ

Tham khảo

TẠO BỘ TRUYỀN ĐỘNG MỚI CHO CỖ MÁY THỜI GIAN CỦA BẠN

  1. Dừng lại để làm được nhiều hơn
  2. Vì sao sự hài lòng lại khiến bạn làm việc chăm chỉ hơn
  3. Bây giờ tất cả đều ổn
  4. Tương lai hoàn hảo

Bộ công cụ

Tham khảo

Lời bạt

TRÍCH ĐOẠN SÁCH:

NHANH HƠN, GIÀU CÓ HƠN, VÀ ÍT THỜI GIAN HƠN

Vào thập niên 1990, nhà xã hội học Robert Levine quay trở về Mỹ sau kỳ nghỉ sabbatical (Kỳ nghỉ phép vẫn được hưởng lương, thường dành cho giảng viên đại học, thông thường là kéo dài một năm sau bảy năm làm việc) ở Brazil với quyết tâm đối xử với thời gian theo cách khác. Thay vì lại rơi vào nhịp sống quay cuồng với lịch trình dày đặc trước kia, ông sẽ học theo những người bạn Nam Mỹ mới quen trong dịp nghỉ vừa rồi. Trước khi cam kết với điều gì, ông sẽ tự hỏi liệu ông có thực sự mong muốn làm việc đó hay không.

Thói quen mới dần hình thành. Dù nhật ký vẫn dày đặc lịch trình, nhưng như thể có phép lạ, ông cảm thấy mình được tự do hơn. Nhờ biết chú tâm đến những lựa chọn về thời gian, ông đã có thể chủ động điều tiết tốc độ cho mình. Thấy thú vị trước trải nghiệm mới mẻ này, vào năm 1999, Levine thực hiện một nghiên cứu về tốc độ cuộc sống ở các thành phố và thị trấn trên 31 quốc gia. Ông phát hiện ra tốc độ đi bộ là một chỉ dấu tương đối đáng tin cậy không chỉ cho tốc độ cuộc sống của người dân địa phương, mà còn cho biết thông tin về nền kinh tế, quy mô dân số, và khí hậu ở vùng đó. Vùng nào giàu có hơn, khí hậu lạnh hơn, và dân cư đông hơn thì tốc độ đi của người dân nhanh hơn. Ví dụ, London là một đại thành phố giàu có, cũng là nơi người dân có tốc độ đi nhanh nhất thế giới. Các phân tích sâu hơn cho thấy sự thay đổi kinh tế nhanh chóng, ô tô, công nghệ liên lạc, và văn hóa chủ nghĩa cá nhân – tất cả đều là những yếu tố cấu thành nên một xã hội có tốc độ nhanh hơn, được hưởng ít sự nhàn nhã thư thái hơn.

Có thể bạn cho rằng làm việc chăm chỉ hơn, đẩy nhanh tốc độ hơn, sẽ giúp bạn giải phóng một chút thời gian dư thừa để làm những việc mình thích. Nhưng điều ngược lại mới đúng: Càng cảm thấy mình giàu có, bạn sẽ càng khó tự thưởng cho mình những giờ phút nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe. Vì sao?

Ở đây có sự đóng góp của các nhân tố bên ngoài. Yêu cầu của công việc càng gia tăng khi mức lương tăng. Hơn nữa, lương tăng cùng thời gian làm quá giờ nhiều khiến bạn khó có thể nghĩ đến chuyện dành những giờ mà bạn có thể làm việc để hưởng lương cho những hoạt động có vẻ vô bổ và không được trả lương. Điều này góp phần lý giải vì sao tình trạng căng thẳng và các bệnh về tim mạch lại chiếm tỉ lệ cao nhất ở các quốc gia giàu có. Vậy bạn có thể làm gì để tránh được cái bẫy vội vàng này?

ĐỊNH GIÁ LẠI THỜI GIAN CỦA BẠN

Rất khó cưỡng lại được lực hút của thế giới xung quanh chúng ta và trèo ra khỏi vòng quay luẩn quẩn bất tận của cuộc sống. Và bạn rất dễ đánh giá thấp giá trị của những giờ không được trả thù lao. Nhưng thời gian không phải tiền bạc đâu. Thời gian là chính cuộc sống của bạn đấy. Bạn sẽ dư dả thời gian – và đạt hiệu quả cao nhất – khi bạn định nghĩa lại những gì là khẩn cấp và cần thiết, và ngừng việc bám đuổi theo từng nhịp tích tắc của chiếc đồng hồ.

Điều đáng ngạc nhiên nằm ở chỗ, trạng thái tốt đẹp chủ quan – cảm giác rằng bạn đang hạnh phúc – lại đạt mức cao nhất ở những quốc gia có nhịp sống nhanh. Nói cách khác, con người cảm thấy hạnh phúc hơn khi theo đuổi một lối sống có hại cho họ: tình trạng căng thẳng không thể kiểm soát, không thể dự đoán – mối căng thẳng của một cuộc sống mà giờ giấc của bạn dường như không phải do bạn kiểm soát.

Vì sao những giờ căng thẳng lại có vẻ dễ chịu như vậy? Chà, tốc độ là thứ cứu vãn cho sự nhàm chán, nó mang lại niềm vui – cho đến khi bạn phát ốm. Để phát triển, và tận dụng được thời gian hiệu quả hơn, bạn phải chấp nhận một thực tế rằng mọi người đều rất kém trong việc đánh giá xem thú vui nào mang đến niềm hạnh phúc trong chốc lát nhưng để lại những mối hại lâu dài – và từ đó biết cách sắp xếp các mối ưu tiên sao cho tốt hơn.