Vườn xưa dạo bước là cuốn sách thứ ba mà hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đông Triều và Phan Mạnh Hùng đứng tên đồng tác giả, sau Tìm trong di sản văn hóa phương Nam (Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2016) và Theo dấu người xưa (Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2017). “Di sản”, “người xưa”, “vườn xưa” – những từ khóa đó tự nó đã nói lên chủ đề và khuynh hướng của tác phẩm.

Trong lời tựa hai tập sách trước, Phó Giáo sư Đoàn Lê Giang và Nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh đã giới thiệu trân trọng và đầy đủ về hai đồng nghiệp trẻ này. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nói thêm: Nguyễn Đông Triều và Phan Mạnh Hùng là sự kết hợp tiêu biểu của một thế hệ nghiên cứu mới, cùng được đào tạo căn bản trong một môi trường giáo dục có uy tín, say mê và chuyên tâm với nghề nghiệp, có năng lực vận dụng phương pháp và thao tác khoa học một cách hiệu quả. Nguyễn Đông Triều sinh trưởng ở miền Nam, chuyên về văn học Hán Nôm. Phan Mạnh Hùng quê gốc miền Trung, đi học ở Sài Gòn, thiên về văn học Quốc ngữ cận đại và hiện đại. Sự kết hợp này không chỉ thể hiện ở những bài viết chung trong cả ba cuốn sách mà còn ở sự bổ sung về tư liệu và kiến văn để khảo sát và bình giá những hiện tượng văn học, văn hóa đa dạng trên vùng đất phía Nam của Tổ quốc.

  Thoạt nhìn, nhan đề “Vườn xưa dạo bước” dễ gây liên tưởng đến hình ảnh hai ông đồ trẻ chắp tay thư thả thưởng ngoạn hoa trái vườn văn, ngắm nghía và bình tán. Kỳ thực, “dạo bước” như Nguyễn Đông Triều và Phan Mạnh Hùng là một kỳ công. Phải hiểu sâu về văn bản học Hán Nôm mới lý giải và đánh giá một cách thuyết phục bài Tự huấn minh của Cao Hữu Dực, những dị bản và bản dịch đầy đủ bài văn tế Nguyễn Bỉnh Khiêm… Phải dấn bước trên những chặng đường xa và tỉ mỉ ghi chép, tra cứu, đối chiếu mới cắt nghĩa chuẩn xác nội dung những câu đối, văn bia ở Châu Đốc, Sa Đéc, Phan Thiết, Quảng Ngãi… Phải kỹ lưỡng sưu tầm, phân tích và khái quát mới rút ra được những đặc điểm của thơ du ký và tiểu thuyết lịch sử ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX.

  Những bài viết của Nguyễn Đông Triều  Phan Mạnh Hùng, một mặt, gợi lên niềm lo âu và băn khoăn về nguy cơ xuống cấp của những di sản văn hóa như đình, chùa, miếu và tình trạng quên lãng công tích của Tổ tiên nơi các thế hệ hậu sinh; mặt khác, lại gieo trồng niềm tin rằng không có gì bị mất dấu trong cuộc đời này, và bên cạnh sự thờ ơ, lãnh đạm của những kẻ vô cảm, vẫn còn những nỗ lực đầy tâm huyết để lưu danh những đấng bậc đã lập đức, lập ngôn và lập công, như bài văn bia ở cổ đình Đức Thắng ghi lại: “Có được mở mang, ắt có người gây dựng. Làm lợi cho dân, cùng vui cùng hưởng. Máu đổ còn tươi, chẳng sợ cường quyền. Biển dâu thay đổi, phong vận còn nguyên. Bọn ta tiếp nối, uống nước nhớ nguồn. Việc đây vì nghĩa, còn mãi chẳng quên. Khắc vào bia đá, muôn đời truyền luôn”.

  Đọc cuốn sách này, không chỉ người dân địa phương mà những ai chưa có dịp tham quan di tích cũng có thể hình dung cảnh quan và lịch sử của một vùng đất: “Ngùi ngùi nhớ lại: xã ta đương khi hồng hoang mới mở, phong khí vừa chia, đất đai um tùm, cỏ cây rậm rạp, núi sông còn im vắng, dân chúng ít lại qua. Đến lúc các bậc hiền triết xưa lựa chọn địa thế tiện nghi, kêu gọi nhân dân quần tụ, bói chỗ ở dựng nhà, định xóm làng lập ấp, người người hưởng phước địa cửu thiên trường, phần lớn là nhờ vào lúc ấy.” (Bài tưởng niệm ở Trung Nghĩa từ, tức đình Châu Phú, Châu Đốc, An Giang). Những vùng đất như vậy góp phần hun đúc nhân cách và chí khí của những người con ưu tú đã để lại tấm gương sáng cho đời về công lao mở cõi, dựng nước và giữ nước.

  Tuy kín đáo, trong cuốn sách này vẫn có một đường dây liên lạc mật thiết giữa quá khứ và hiện tại, giữa kinh nghiệm của lịch sử và nhiệm vụ của ngày hôm nay. Người đời sau ai cũng có thể suy ngẫm về lịch sử, nhưng không phải ai cũng có thẩm quyền phán xét lịch sử nếu không thực sự am hiểu bối cảnh xã hội và chủ đích của con người. Và điều quan trọng nhất cũng không hẳn là phán xét mà là rút ra bài học cần thiết để không lặp lại những bi kịch của lịch sử. Điều đó, chẳng hạn, có liên quan đến chi tiết hành xử vội vàng và bất công của Lê Văn Duyệt đối với người dân trong tranh chấp đất đai, nỗi oan khuất không thể giải bằng thuốc độc của Phan Thanh Giản, tâm trạng “lỗi thế” đầy giằng xé của Nguyễn Khuyến và Tú Xương, nỗi trăn trở của Phan Bội Châu về sứ mạng giáo dục…

 Và như vậy, phía sau những dòng chữ, cuộc “dạo bước vườn xưa” cùng với Nguyễn Đông Triều và Phan Mạnh Hùng đem lại cho người đọc không chỉ sự chiêm nghiệm về quá khứ mà còn là thu hoạch bổ ích để đi tới những chọn lựa ứng xử phù hợp trong hiện tại và tương lai.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Tác giả: Phan Mạnh Hùng – Nguyễn Đông Triều
Nhà xuất bản: NXB Tổng hợp Tp.HCM
Công ty phát hành: NXB Tổng hợp Tp.HCM