Hết đợt Quân đoàn 4 tải gạo bằng sức người ra tận chốt giáp biên giới Thái Lan cho Sư đoàn 339, Trung đoàn 2 chúng tôi hành quân cơ giới ra ga thị xã Pursat, chờ tàu hỏa về căn cứ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Tân Dậu 1981.
Ra khỏi thâm sơn cùng cốc đầy mìn và kí sinh trùng sốt rét, tôi vui mừng gặp lại không khí rộn ràng phố thị. Trung đoàn trú đêm ngay trong sân ga. Mới xa hơn một tháng nhưng Pursat đã bắt đầu đông vui trở lại với những chuyến tàu qua. Thềm bê tông, mái ngói đỏ ấm nắng chiều. Tiếng lính đồng hương đồng khói nhận nhau ríu rít. Khói thuốc lá Thái Lan Samit thơm lừng.
Đêm chờ tàu nao nức, như chờ đợi người quen lâu ngày gặp. Nhớ chiến dịch truy quét địch dọc đường sắt những năm trước. Nhớ ga Kamreang, Tưng Thngay chiều mưa hoang lạnh kẹp giữa núi, chập chờn bóng địch như bóng ma. Nhớ những đêm mùa khô hút sâu bầu trời sáng sao vằng vặc. Khoảng rừng dầu thưa kiệt nước, đổi màu cây chỉ sau một vài đêm thốc gió. Những đêm sáng sao trời thường lạnh. Càng lạnh khi áp tai lên thanh đường ray hun hút giữa rừng, rình nghe tiếng động những đêm đi phục. Kim loại truyền âm nhanh hơn bầu khí quyển. Đôi thanh ray xám ngoét vạch nhịp giữa không gian vắng, trở nên mỏng mảnh như một cặp dây đàn u u, ngân mãi nốt nhớ không tên.
Nhưng bây giờ đã là những sân ga khác, ga vui đời thường đang trở lại dù trên tường vẫn găm đầy vết đạn đại liên từ trận tấn công năm ngoái. Đoàn tàu xuôi từ Battambang về sáng hăm tám tết, và có lẽ đây là chuyến tàu mùa xuân vui nhất. Quân Khmer Đỏ thỉnh thoảng vẫn phục kích nhưng tàu vẫn chạy đều. Trên thế giới chẳng có đoàn tàu hỏa nào kì lạ như những đoàn tàu thời chiến ngược xuôi Battambang – Phnom Penh năm ấy. Đầu tiên, đẩy trước đầu máy diesel là một toa sàn xếp đầy gỗ. Toa này sẽ thí mạng nếu lính Pol Pot chôn mìn phục kích đánh tàu. Toa bệ kế tiếp là khẩu DKZ 75mm thò nòng ra khỏi các bao cát xếp quanh như công sự nổi di động. Đầu máy xếp sau hai toa này, rồi mới đến các toa mui chở khách, chở hàng. Xếp cuối cùng sau đoàn tàu là toa bệ giá khẩu 12.7mm. Một đoàn thiết giáp hỏa xa cải tiến.
Trừ đại đội hộ tống của Sư 7 theo bảo vệ, trên các toa thường, sắc dân sắc lính lẫn nhau, chuyện trò rôm rả. Những kiện vải oxpho, vải kate chất ngất bên những trái đạn chống tăng B40, B41 lăn lóc. Xà bông Camay, Lux thơm phức chen lẫn giữa chồng băng đại liên Kalinov vàng chóe. Các thùng thuốc lá thơm Samit, Gold City 85 xếp cạnh chùm đạn cối 60 li chưa lắp liều. Hàng hóa đời thường, vũ khí quân dụng chen vai thích cánh trên những toa tàu, một bức tranh đặc biệt sinh động hiếm có. Giá kể trên toa có thêm những cành đào, mai nữa, thực sự sẽ là khung cảnh lãng mạn không thể có trong bất kì thước phim chiến tranh nào.
Dù bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào, những chuyến tàu tết bao giờ cũng thật vui vẻ. Hơn tháng nằm rừng biên giới dày đặc mìn cài, nay trở về hậu cứ, chúng tôi sướng như chim sổ lồng. Tàu về ga trung đoàn bộ mới khoảng 10h sáng, vừa gặp chuyến từ thủ đô Phnom Penh ngược lên. Tiêu chuẩn tết các đơn vị tiền phương được Quân đoàn 4 gửi theo tàu này. Sân ga xép giữa vùng rừng núi vui như hội. Quân nhu trung đoàn chia gạo nếp, thuốc lá, nhu yếu phẩm cho các đơn vị trong tiếng heo kêu nhức óc. Đây là đàn heo sống của UBND thành phố Hồ Chí Minh gửi sang ủng hộ sư đoàn.
Tôi tạt vào Đại đội thông tin 20 gọi nhờ điện thoại về đơn vị, thông báo quân tải gạo cùng hàng tết đã về. Qua nhà dân mua can rượu xong, chúng tôi lên đường về căn cứ ngay. Anh em ở nhà đi lĩnh hàng tết ngoài trung đoàn bộ cũng nhập bọn. Lúc chúng tôi ra đi, núi rừng vẫn còn xanh ngắt. Khi trở về, mùa khô đã thay áo mới, trải cho thảm rừng tấm áo vàng lộng lẫy, xếp lớp bằng những tấm lá dầu khô rụng. Đường đất cũng vàng mịn êm ái đế giày. Đường hậu phương không mìn, cứ vô tư sục bước. Quân trông cứ ở nhà thấy đội hình lớn về vui mừng khôn tả. Đã hơn tháng nay họ lo cảnh giới ban ngày, co cụm gác xách ban đêm. Căn cứ tiểu đoàn còn khoảng vài chục người ốm yếu, phải lo đảm nhiệm giữ chốt với phạm vi rộng cả cây số vuông sát hành lang hoạt động của địch nên không khỏi những lúc thấy lạnh lưng hở sườn.
Tôi đưa cặp thủ pháo Mĩ vỏ giấy loại sáu lạng thó được trong chuyến tải đạn cuối cùng cho anh Nhương. Cả trung đội rồng rắn theo nhau ra gốc cây táo rừng cổ thụ trùm bóng râm bên bờ suối. Trái thủ pháo nổ ục, tung cột nước trắng xóa. Từ trong các hủm sâu rễ cây táo ngập nước, một dòng suối khác vàng hươm màu đồng tuôn ra. Đó là đàn cá bò bị sức ép, con nào con nấy lớn như cườm tay người lớn. Loại cá này nấu canh chua lá giang cùng măng le ăn quên sầu xa xứ.
Lính vừa hò hét vừa vớt cá. Lính Đại đội 4 hỏa lực bờ bên cũng nhào xuống vớt hôi. Cả tháng rúc trong rừng biên Thái cạnh con lạch nguồn ri rỉ nước, đám lính thồ nhọc mệt và hôi hám chúng tôi chỉ được “tắm cục bộ” từng phần thân thể, hôm nay vừa được tắm tẩy trần xả láng, vừa bơi vẫy vùng bắt cá. Chiều cuối năm con suối lớn vui như hội. Chúng tôi khiêng về hơn hai tạ cá, đổ đầy sân trung đội thông tin. Thằng Vỹ lấy xẻng xúc chia đều cho các bộ phận tiểu đoàn bộ, từng nồi quân dụng cá ngập lên tận miệng vung.
Những ngày cuối năm không gió lạnh mưa phùn, chẳng đào hoa thắm đỏ. Không gian chói chang nắng gió giữa mùa khô đất bạn, nhưng không khí tết quê hương đã về rạo rực giữa lòng những người lính xa nhà. Rừng quanh căn cứ phum Kbal Ta hean cuối năm bỗng dưng cháy lớn. Mùa khô năm nào, rừng khộp cũng xảy ra cháy rừng. Nó khởi nguồn bất kể đâu, vì bất cứ lí do gì. Thậm chí có thể từ những thân tre khô, thân cỏ gianh ma sát cọ quẹt vào nhau rồi phóng lửa tĩnh điện trong những cơn gió thốc.
Được gió khô tiếp sức, lửa dựng lên bức thành khói mịt mù. Tàn lửa cuộn tung trời, bay trên đỉnh rừng theo hướng gió như bờm một con ngựa bất kham, chạy ù ù về triền núi Reang Khvai. Thân le khô nổ lốp bốp như súng liên thanh dọc theo con suối. Lửa trèo đến lưng chừng núi thành dải sáng rực như thành phố buổi lên đèn. Lửa núi đêm soi sáng rõ như ban ngày, nhìn tỏ mặt người. Thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng mìn nổ ùng oàng trong núi do bị lửa nung. Anh Nhương với thằng Vỹ đi săn đêm về muộn, thảy vào lán bếp gần chục con thỏ xám, càu nhàu bảo rừng cháy làm thú to nó sợ. Tuy nhiên thực phẩm tết có thịt thỏ, thịt heo và nồi cá kho to tướng là xôm quá xôm.
Chiều ba mươi tết. Chúng tôi làm vệ sinh doanh trại chuẩn bị đón xuân. Một chiếc cổng chào được dựng cạnh sân bóng chuyền, cột vuông đan bọc bằng lá thốt nốt xanh thắm, như cổng các nhà có đám cưới ở miền tây. Những công việc bận rộn, những trang trí vui mắt đều nhắc tên nỗi nhớ quê hương. Chẳng cần đủ thịt mỡ dưa hành, tràng pháo đỏ, bánh chưng xanh, chỉ nghe tiếng gió chướng lộng trên cao kia là như thấy tết đang về. Những trận gió mùa đông bắc thổi tràn qua nước Việt, mang hơi lạnh đến giữa cơn nắng khô rực rỡ. Loài gió chung tình luôn về đúng hẹn, ruổi theo bước hành quân người lính xa quê, vuốt ve cổ áo trận như an ủi. Chiều tất niên rừng vắng lặng và yên tĩnh nhưng lòng người thấy xôn xao lạ lùng. Nhìn nắng heo hắt ngoài trảng xa, nghe thằng Phụng bập bùng guitar câu hát bâng khuâng chiều ba mươi, tóc em xanh màu trời, bỗng thèm sao được nghe giọng dân ca, câu vọng cổ quê nhà.
Thằng Quan giắt dao găm khoác súng, rủ tôi mò vào rừng kiếm cành mai. Nỗi nhớ nhà khiến người nó bứt rứt sao đó, muốn yên mà chẳng được. Thì đành chồm dậy khỏi võng xách súng theo nó cho quên. Những lần cùng đi bắn cá suối trên ngã ba suối Đại đội 1, thằng Quan đã chỉ cho tôi mấy cây mai rừng mọc cạnh khu ụ mối. Tôi thờ ơ, thấy nó chẳng khác nhiều những loài cây cằn không tên vẫn mọc trong rừng khộp. Một loài cây thân trơn mốc trắng, lá giống lá mưng nhưng thuôn nhỏ hơn và nhẵn bóng, rụng gần hết trong mùa khô.
Cây mai chiều nay trở lại bỗng thay đổi diệu kì, dường mùa xuân đã đụng vào cây đũa thần. Từ những đầu cành, lá non đỏ thắm xòe ra từng búp bóng mướt đầy sinh khí. Giữa các mắt lá rụng, nụ mai tuôn lung linh, treo đầy ngọc bích bóng ngời. Lác đác những bông nở sớm, khảm đầy vàng phấn lên chân những con ong mật. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, trong khoé mắt thằng Quan thoáng cả những ngấn nước. Tết đầu tiên lính mới xa nhà ai chẳng thế. Thấy hoa mai là nó đã gặp mùa xuân quê hương nơi xứ người. Nếu gặp một cây đào Nhật Tân bung hoa giữa khu rừng vắng nơi đây, hẳn tôi cũng không thể kìm nén được lòng xúc động.
Chúng tôi trở về, cắm cành mai rừng vào ống đạn DK 82, buộc néo các góc cho khỏi lật. Đến nửa chiều, tất cả mọi việc chuẩn bị xong. Chẳng còn gì làm, ai nấy tự nhiên thuỗn mặt. Không khí chùng xuống. Anh Nhương hắng giọng, hết đi ra lại đi vào rồi đuổi lính trung đội ra suối tắm tất niên.
Tôi ngồi cời đốt nốt những đống cỏ anh em rẫy vun vào ban sáng. Cỏ khô đượm lửa cháy rừng rực. Khói mịt mờ trong chiều tắt nắng, toả mùi thơm ngòn ngọt. Lũ chim én từ đâu lao đến, quần thảo đớp những con bọ bay loạn xạ trong đám cháy. Một đàn chim cu ghì xanh biếc bay về từ phía núi, đậu trên cây xoài mút cổ thụ đầu sân bóng chuyền. Giống chim này giống hệt bồ câu, chỉ có điều lông xanh màu lục biếc.
Đất lành chim đậu. Phải chăng chim về sẽ mang tới cho năm mới những điều lành. Tôi ôm súng ngồi ngắm chúng, lòng yên tĩnh và đầy hi vọng hòa bình.
tác giả: Trung Sỹ
nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/van-xuoi/tet-chien-truong-tren-dat-chua-thap_12962.html
Có thể bạn muốn xem
Chuyến tàu nhật thực
Sách truyền cảm hứng bảo vệ môi trường
Bão lửa U23 – Thường Châu tuyết trắng
Yoga cười – Những bài tập cười hàng ngày để có sức khoẻ và hạnh phúc dài lâu
Be kind – Hãy có lòng tốt
Thiên nhiên nuôi dưỡng lòng tốt, hạnh phúc và sức sáng tạo như thế nào?
Những cuốn sách gấp lại thấy mùa hè
Apa Kapa! Chào xứ vạn đảo
“Becoming”, hồi ký của cựu Đệ nhất Phu nhân nước Mỹ Michelle Obama sẽ xuất bản tại Việt Nam