Nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký vừa cho “ra đời”
cuốn tự truyện Tâm huyết trao đời dù đang phải chạy thận nhân tạo. Đây là tập
cuối của bộ ba hồi ký cuộc đời ông sau hai tác phẩm Tôi đi học và Tôi đi học đại
học.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký ký tặng sách cho độc giả

Trong cuộc sống, có những con người sinh ra đã phải chịu số
phận bất hạnh, tưởng chừng như chỉ sống lay lắt, hoặc không thể tồn tại mà
không có sự giúp đỡ của người khác. Thế nhưng, vẫn có những con người không cam
chịu những thiệt thòi của số phận. Khó khăn tật nguyền càng đè nặng bao nhiêu họ
càng bật dậy mạnh mẽ bấy nhiêu. Không chỉ tìm cho mình một ánh lửa niềm tin để
tồn tại mà họ còn truyền lửa cho nhiều người khác. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là
một con người như thế.
Dùng chân viết nên số phận
Với nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, suốt 70 năm qua
là hành trình của ước mơ, của cố gắng không ngừng nghỉ. Nếu thời niên thiếu thầy
Nguyễn Ngọc Ký đã từng là học sinh giỏi Toán đoạt giải 5 toàn miền Bắc, 2 lần
được Bác Hồ thưởng huy hiệu thì khi trưởng thành, đứng trên bục giảng tiếp tục
giành giải nhất trong hội giảng mùa xuân năm 1983 tỉnh Hà Nam Ninh, có đồ dùng
dạy học đoạt giải toàn quốc; được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú; 3 lần được
gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Khi đã về hưu với bệnh tật chồng chất nhưng thầy Ký vẫn gồng
mình vượt lên tất cả trở thành nhà tư vấn tâm lý gỡ rối cho hàng ngàn người, trở
thành người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ ở hơn 1.500 ngôi trường; là nhà văn
Việt Nam đầu tiên viết bằng chân với 35 đầu sách, 3 lần được nhận giải thưởng
trong các cuộc thi viết cho thiếu nhi toàn quốc, 3 bài thơ được chọn in trong
sách Tiếng Việt cấp Tiểu học.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký giữa vòng tay của các thế hệ học trò 
Mấy chục năm qua, tấm gương vượt khó để học, để sống và vươn
lên của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký từ trang sách giáo khoa, lan tỏa và truyền động
lực cho nhiều thế hệ thanh niên, học sinh Việt Nam. Thầy không chỉ thắp sáng cuộc
đời mình bằng ý chí, bằng nghị lực mà còn thắp sáng cho bao nhiêu thế hệ học
sinh bằng tất cả tâm huyết của mình.
“Rất nhiều bạn khuyết tật ngại nói đến từ mặc cảm. Nếu mặc cảm
theo kiểu tự ti thì ngàn lần đáng trách bởi sẽ rất khó vượt qua những thử thách
của số phận. Cũng có một số người không biết mặc cảm là gì, họ quên cả bản thân
và sống vật vờ qua ngày như cái bóng. Tôi và nhiều người khác đã sống với sự mặc
cảm nhưng luôn biết mình là người khuyết tật cho nên luôn sống với tất cả những
suy nghĩ, những kiếm tìm, khám phá để biết mình là ai, mình còn thiếu điều gì để
bồi đắp. Chính vì vậy mà chúng tôi cứ thế vượt qua những khó khăn, trước những
cái nhìn coi thường của không ít người như những lưỡi dao lam cứa vào tâm hồn
nhạy cảm. Chính những vết thương lòng đó, chúng tôi biến nó trở thành động lực,
khiến mình say sưa với công việc….”, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký tâm sự.
Truyền lửa cùng trang sách
Ở tuổi 70, sau gần 7 năm chạy thận nhân tạo, hạnh phúc lớn nhất
của thầy Nguyễn Ngọc Ký là thấy con cháu hiếu thảo, thành đạt. Và tuy không còn
lên lớp giảng bài, nhưng thầy vẫn miệt mài truyền lửa cho lớp thanh niên bằng
ngòi bút của mình, cùng những trang sách. Cuốn tự truyện Tâm huyết trao đời mà
thầy đã ấp ủ và viết nó suốt mấy chục năm qua giữa vòng tay của gia đình và bè
bạn bốn phương vừa ra hôm nay.
Nhà thơ Lan Hinh – Trần Thị Lan thay mặt đọc thư của Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký trong tác phẩm Tâm huyết trao đời.
“Với tâm huyết cháy bỏng của mình, thông qua mỗi câu chuyện
kể, Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký cũng “trao đời” những bài học kinh
nghiệm sâu sắc, đúc rút từ chính cuộc đời mình – người thầy dạy học, viết văn bằng
đôi chân đầu tiên ở Việt Nam, với tư duy đổi mới về dạy và học, về đào tạo phát
triển toàn diện con người. Đó không chỉ là những chắt lọc mang tính chuyên môn
mà còn là tâm hồn, tình cảm, nhân cách cao đẹp của một nhà giáo chân chính, có
sức lan tỏa tích cực trong xã hội”.
(GS.TS Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam)

Gần 50 câu chuyện trong cuốn tự truyện bao quát khoảng thời
gian từ lúc chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội,
theo lời khuyên của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về quê dạy học, trở thành giáo
viên dạy giỏi của toàn ngành, đến khi là cán bộ xuất sắc của Phòng Giáo dục Quận
Gò Vấp TPHCM và nghỉ hưu năm 2005…
Tâm huyết trao đời khiến bạn đọc thêm ngưỡng mộ một con người
tuy bị tàn tật về thân thể, nhưng mạnh mẽ về trí tuệ, tinh thần, có lòng tha
thiết yêu đời, yêu nghề, kiên cường vượt lên thử thách nghiệt ngã của số phận.
Và hơn hết đã làm nên những điều tuyệt vời mà không phải ai cũng có thể làm được.
Thầy Ký chia sẻ: “Cuộc đời tôi bất hạnh khi liệt đôi tay
nhưng tôi may mắn gặp được những người có tấm lòng cao thượng, những thầy cô, bạn
bè văn chương, các học trò thân yêu và những người phụ nữ nhân hậu… Cuốn sách
này đã được ấp ủ từ rất lâu, từ khi bước lên bục giảng. Nhưng 4 năm nay tôi mới
thật sự hoàn thiện nó, và dành tặng mọi người”.
Tác phẩm Tâm huyết trao đời lấp lánh những giá trị nhân văn
 Tâm huyết trao đời cũng là tập cuối của bộ ba hồi ký cuộc đời
nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký như một bức tranh hoàn chỉnh gửi đến bạn
đọc. Trong tác phẩm, những câu chuyện giản dị được kể một cách chân thật, sinh
động, có sức hấp dẫn và lay động mạnh mẽ. Mỗi chương là một cánh cửa, mở ra
không gian rộng lớn cho bạn đọc hiểu thêm về tâm hồn và triết lý sống của Thầy
– một con người cởi mở, khiêm nhường, giàu yêu thương, đầy khát vọng, nhiệt huyết,
nhiều sáng kiến và quyết tâm…

Nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký sinh ra và lớn lên ở
Hải Hậu, Nam Định. Lên 4 tuổi, không may bị bệnh, liệt cả hai tay, Nguyễn Ngọc
Ký không còn điều kiện để được ăn, học, vui chơi, phát triển như bao đứa trẻ
bình thường khác. Nhưng không đầu hàng số phận, Nguyễn Ngọc Ký đã kiên trì khổ
luyện, tập viết bằng chân, tập làm việc, sinh hoạt bằng chân, thay đôi tay đã bị
tàn phế; được đến trường đi học, phấn đấu trở thành học sinh giỏi rồi anh thi đỗ
đại học, mở cánh cửa vào đời bằng… đôi chân kỳ diệu.

TIỂU TÂN
Nguồn: Sài Gòn giải phóng