“Nhìn lại nền văn học Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, từ khi đất nước còn chìm trong lửa đạn chiến tranh, Hoài Vũ có một vị thế riêng biệt, đặc biệt là thi ca. Tay bút của ông luôn bám sát chiến trường Nam Bộ, kịp thời cho ra đời những bài thơ, truyện ngắn, bút ký nóng hổi hơi thở cuộc sống. Những trang viết của Hoài Vũ luôn trào dâng cảm xúc, thấm đẫm tinh thần yêu nước và nhân văn, với một diễn ngôn giản dị mà cuốn hút, dễ đi vào lòng người và neo lại bền lâu”. – Nhà thơ Phan Hoàng

 “Vừa là nhà thơ, nhà văn, nhà dịch thuật, nhưng có lẽ chính thơ đã làm nên tên tuổi Hoài Vũ trong lòng bạn đọc, đặc biệt là những bài thơ được phổ nhạc. Đó là các bài Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông, em cuối sông, Chia tay hoàng hôn, Đi trong hương tràm… chỉ cần nhắc đến tên bài là ai cũng có thể hát lên đôi câu mình thuộc. Ông có độ sâu lắng trong góc nhìn, sự chắt lọc trong mỗi con chữ, nhưng có lẽ chính cái rộng mở, phóng khoáng của Nam Bộ đã làm cho thơ ông vượt thoát, ngân vang như những tiếng nhạc lòng”. – Nhà thơ Mai Bá Ấn (Quảng Ngãi)

“Trong văn chương, người ta thường coi hình ảnh con đường và dòng sông là biểu tượng sinh mệnh của lịch sử và tình yêu. Sông Vàm Cỏ Đông của Long An đã đi vào thi ca thời nhân dân chống giặc ngoại xâm. Hoài Vũ là một tác giả tiêu biểu của những vần thơ đẹp về dòng sông quê yêu thương ấy.

Với Hoài Vũ hay nhiều nghệ sĩ khác, nỗi đau khổ dường như là mảnh đất màu mỡ hình thành những kiệt tác của kẻ tài hoa. Thảm cảnh từ chiến tranh, nỗi khắc khoải khổ đau trong xa cách hay nhung nhớ đợi chờ, đã giúp cho nhà thơ Hoài Vũ sở hữu những vần thơ tuyệt bút lưu lại mai sau. – Nhà văn Nguyễn Thanh (Cần Thơ)