Trong cuộc sống hiện đại, người ta dành phần lớn thời gian cho mạng xã hội, trên máy tính hoặc chỉ ở trong nhà. Trong khi nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy rằng thiên nhiên có thể giúp cho cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn, cơ thể khoẻ mạnh và não bộ sáng tạo hơn.
Theo David Strayer, một nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Utah: “Suốt một thế kỷ qua các nhà văn từ Thoreau tới John Muir đã đưa ra những trải nghiệm sâu sắc của bản thân khi sống trong thiên nhiên” và giờ đây các nhà khoa học đang bắt đầu tìm thấy bằng chứng rằng thiên nhiên có tác động sâu sắc đến bộ não và hành vi của chúng ta, giúp con người giảm lo âu, ưu tư, căng thẳng và tăng khả năng tập trung, sáng tạo, cũng như khả năng kết nối với người khác.
Những phát hiện này còn góp phần kêu gọi chúng ta giữ gìn không gian thiên nhiên – cả nơi đô thị lẫn thiên nhiên hoang dã và nên dành nhiều thời gian sống trong tự nhiên để có cuộc sống khoẻ mạnh, hạnh phúc và sáng tạo hơn.
1. Thiên nhiên giúp giảm căng thẳng
Bất kỳ hoạt động thể chất nào như đi bộ hoặc chạy bộ đều giúp giảm căng thẳng và nếu bạn hoà mình trong thiên nhiên thì càng tăng thêm hiệu quả đó.
Trong một thử nghiệm được tiến hành ở Nhật Bản, những người tham gia được chia làm hai nhóm: một nhóm đi bộ trong rừng và một nhóm đi trong một trung tâm đô thị (có chiều dài và độ khó bằng nhau), họ được đo nhịp tim, biến đổi nhịp tim và huyết áp. Sau đó họ trả lời một bảng câu hỏi về tâm trạng, mức độ căng thẳng, và các kiểm tra tâm lý khác.
Kết quả cho thấy những người đi bộ trong rừng có nhịp tim thấp hơn đáng kể và mức độ thay đổi nhịp tim cao hơn (cho thấy họ thư giãn hơn và ít căng thẳng hơn, tâm trạng tốt hơn và ít lo âu hơn những người đi bộ trong thành thị). Các nghiên cứu kết luận thiên nhiên làm giảm căng thẳng, giúp tăng hiệu quả hơn cho việc tập thể dục.
Kết quả tương tự trong những nghiên cứu khác ở Phần Lan và của Đại học Texas A&M ở Mỹ đó là một cách đơn giản hơn, bạn chỉ cần nhìn ngắm cảnh thiên nhiên qua cửa sổ thôi, hoặc xem những đoạn video về danh lam, thắng cảnh cũng đem lại hiệu quả giảm stress, làm dịu đi căng thẳng.
2. Thiên nhiên làm cho bạn hạnh phúc hơn và ít lo nghĩ hơn
Trong một nghiên cứu năm 2015, Gregory Bratman thuộc Đại học Stanford và các đồng nghiệp đã ngẫu nhiên chỉ định 2 nhóm gồm 60 người tham gia đi bộ 50 phút trong cánh rừng sồi tự nhiên và trong đô thị (đi dọc các làn đường). Trước và sau khi đi bộ, những người tham gia được đánh giá về trạng thái cảm xúc và nhận thức (ví dụ như thực hiện một nhiệm vụ đòi hỏi trí nhớ ngắn hạn). Kết quả cho thấy những người nhóm đi bộ trong rừng tỏ ra ít lo lắng (họ ít tập trung chú ý vào mặt tiêu cực của bản thân nên cũng ít bị ảnh hưởng tiêu cực), có cảm xúc tích cực hơn so với người đi bộ trong đô thị. Đồng thời, họ đạt hiệu quả cao hơn nhóm kia trong bài test trí nhớ.
Tiếp tục mở rộng nghiên cứu này cho những vấn đề khởi phát bệnh trầm cảm, khi kết hợp với công nghệ fMRI Bratman cũng có kết quả tương tự về tác dụng tích cực của thiên nhiên. Rõ ràng là thiên nhiên giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Bên cạnh đó các kết quả thực nghiệm này rất có ích cho nhà quy hoạch đô thị đưa ra chính sách đúng đắn hơn bằng cách tạo ra các dịch vụ hệ sinh thái, thiết kế đô thị gắn liền với tự nhiên, thiên nhiên nhằm nâng cao sức khoẻ tinh thần, tâm lý của người dân đô thị.
3. Thiên nhiên giúp hồi phục trí não và tăng sự sáng tạo
“Khi bạn sử dụng điện thoại di động để nói chuyện, nhắn tin, chụp ảnh, hoặc bất cứ điều gì khác bạn có thể làm với điện thoại di động, bạn đang làm cạn kiệt nguồn năng lực nhận thức của vỏ não trước”, Strayer thuộc Đại học Utah kết luận như vậy trong một nghiên cứu năm 2012 của ông. Những công nghệ tạo ra trong các thiết bị di động ngày nay với mục đích lôi kéo sự tập trung chú ý của con người quá mức khiến cho não bộ bị mệt mỏi, bởi theo tự nhiên nó được tạo ra không phải để tiếp nhận những thông tin đó, từ đó triệt tiêu sự sáng tạo.
May thay thiên nhiên đóng vai trò quan trong trong liệu pháp phục hồi lại những tổn thương của não bộ trở lại trạng thái khoẻ mạnh, bình thường.
Nếu bạn liên tục sử dụng các thiết bị đi động hoặc cứ ở phía trước màn hình, bạn đang bỏ lỡ một điều gì đó thật sự đẹp đẽ: Một thế giới thực!
Trong một nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi Peter Aspinall tại Đại học Heriot-Watt, Edinburgh và cộng sự, người ta sử dụng kỹ thuật EEG (đo điện não đồ di động) để kiểm tra mức độ kích động (1), gắn kết (2) và thiền định (3) của những người tham gia khi cho họ đi qua một không gian xanh đô thị. Mức (1) giảm xuống, mức (2) và (3) tăng lên đã khẳng định có sự phục hồi mức độ tập trung và trạng thái cởi mở của não bộ.
Strayer đã tiếp nối các nghiên cứu về tác động công nghệ di động và thiên nhiên tới suy nghĩ sáng tạo như thế nào, trong đó những người vừa đi bộ trong vườn cây, vừa sử dụng điện thoại di động có chỉ số tập trung và trí nhớ kém hơn, thiếu giải pháp sáng tạo hơn những người không sử dụng. Kết quả lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của thiên nhiên đối với năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề của con người.
4. Thiên nhiên có thể khiến bạn thêm tử tế và rộng lượng
Trong một loạt các thí nghiệm được công bố vào năm 2014, Juyoung Lee, giám đốc GGSC Dacher Keltner, và các nhà nghiên cứu khác tại Đại học California, Berkeley, đã nghiên cứu tác động tiềm tàng của tự nhiên lên sự rộng lượng, lòng tin và giúp đỡ người khác. Những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ đó?
Các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia ngắm những cảnh thiên nhiên đẹp và xấu (mức độ thẩm mỹ được đánh giá độc lập) và sau đó quan sát xem những người tham gia có hành động như thế nào khi chơi hai trò chơi nhằm đo sự hào phóng và lòng tin tưởng. Sau khi được tiếp xúc với những cảnh thiên nhiên càng tươi đẹp thì những người tham gia càng có những hành động hào phóng hơn và đáng tin trong trò chơi hơn là những người nhìn thấy những cảnh ít đẹp hơn, và hiệu ứng gia tăng tương ứng theo cảm xúc tích cực.
Trong một phần khác của nghiên cứu, các nhà nghiên cứu yêu cầu mọi người điền vào một bản khảo sát về cảm xúc của họ trong khi ngồi ở một cái bàn có sắp đặt những cây cảnh đẹp và xấu. Sau đó, những người tham gia được thông báo rằng cuộc thử nghiệm đã kết thúc và họ có thể trở về, nhưng nếu họ muốn họ có thể tình nguyện xếp hạc giấy cho một chương trình cứu trợ tại Nhật Bản. Số lượng hạc giấy do họ xếp được sử dụng như một thước đo về “tính vì cộng đồng” hay lòng thiện nguyện của họ.
Kết quả cho thấy sự hiện diện của những cây cảnh đẹp làm tăng đáng kể số lượng hạc giấy của những người tham gia, và một lần nữa hiệu quả này đến do cảm xúc tích cực được gợi lên từ vẻ đẹp tự nhiên. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên làm tăng cảm xúc tích cực (một cảm hứng cảm thấy có điều gì khác ý nghĩa hơn chính bản thân họ) – nên đã dẫn đến hành động thiện nguyện.
Điều này thấy rõ nét hơn trong một thí nghiệm được tiến hành bởi Paul Piff và cộng sự của Đại học California, Irvine. Trong đó những người tham gia nhìn chăm chú lên một cụm cây xanh trên cao trong một phút, sau đó họ được quan sát và đánh giá là đã có những cách ứng xử đạo đức hơn và hành động hữu ích vì người khác hơn nhóm người nhìn nhiều vào một toà nhà cao tầng.
5. Thiên nhiên làm tăng thêm sức sống
Rõ ràng là khi ở ngoài thiên nhiên bạn sẽ có thêm năng lượng, cảm giác hạnh phúc hơn, giảm bớt những căng thẳng, khó khăn hằng ngày của cuộc sống, mở ra cánh cửa cho sự sáng tạo, và thúc đẩy lòng tử tế với người khác.
Có ai biết được rằng ta có thể thật sự “trốn khỏi” cuộc sống hằng ngày nếu dành ít nhất 3 ngày sống hoàn toàn trong thiên nhiên. Nhưng cũng không ai dám chắc về hiệu quả xả bỏ stress và phục hồi khả năng tập trung khi so sánh thiên nhiên và các liệu pháp khác như ngủ hoặc ngồi thiền. Thế nên cả Strayer và Bratman đều cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về những tác động này trước khi chúng ta đi đến bất kỳ kết luận cuối cùng nào.
Dù vậy, các cuộc nghiên cứu cũng đã chỉ ra những lợi ích của thiên nhiên giúp cải thiện sức khoẻ tinh thần và tâm lý của chúng ta. Thú vị hơn nữa, thiên nhiên là nguồn tài nguyên miễn phí, chỉ cần đi ra khỏi cửa là bạn đã dễ dàng tiếp xúc với thiên nhiên rồi. Thật vậy một nhà văn, triết gia người Mỹ Henry David Thoreau cũng từng nói: “Có những khoảnh khắc khi mà mọi lo lắng và mất mát đã qua lắng xuống trong sự thảnh thơi và yên bình vô biên của thiên nhiên” và “để được chấp nhận vào tổ ấm của thiên nhiên không tốn gì cả. Không ai bị từ chổi, chỉ có người tự từ chối mình. Bạn chỉ phải kéo rèm cửa sổ”.
Điều chúng ta cần làm nữa qua các nghiên cứu này đó là phải bảo tồn không gian thiên nhiên hoang dã hoặc ít nhất là ngay tại công viên đô thị sống của chúng ta.
Theo MindFul
Hân Hữu
Nguồn: trithucvn
Có thể bạn muốn xem
Định luật Y học
Kinh Dịch: Là phúc hay là họa đều do bản thân mình
Thứ trời cho trong thơ Xuân Diệu
Tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ nguyên ban đầu không phải màu xanh
Cháo trong bữa ăn người Việt xưa
Sách Tết 2021: Giao hòa xưa và nay
“Eight”: Những cách để chiến thắng trí thông minh nhân tạo
Sách của giáo sư da màu giành Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ
Bộ tiểu thuyết về văn học thiếu nhi được trao giải thưởng Hội Nhà văn 2017