“Tân liêu trai” – nhà văn Bình Nguyên Lộc viết dưới bút danh Phong Ngạn – lý giải những hiện tượng tâm linh bằng góc nhìn thực tế.

Sách dài 280 trang, được Phong Ngạn viết như cuộc đối thoại giữa ông và người đọc. Kết cấu mỗi truyện ngắn đơn giản, phần đầu đề cập đến các tình huống, phần thân tạo các câu chuyện kịch tính và cuối truyện là những lý giải theo hướng khoa học.

Bìa sách "Tân liêu trai" của Phong Ngạn, được xuất bản lần đầu năm 1959, Nhà xuất bản Trẻ tái bản hè năm nay. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ
Bìa sách “Tân liêu trai” của Phong Ngạn, được xuất bản lần đầu năm 1959, Nhà xuất bản Trẻ tái bản hè năm nay. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Tân liêu trai khắc họa bức tranh xã hội miền Đông Nam bộ suốt nhiều thập niên đầy biến động. Ở đó có những con người lần đầu đến để khai hoang, mắc bệnh vì chốn rừng thiêng nước độc, những người thành thị vui say với đời qua các bữa tiệc và những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Truyện của Phong Ngạn ngắn gọn, chứa nhiều khoảnh khắc kinh dị. Các tình huống được tạo ra do ảo tưởng cá nhân cũng như những trò nghịch dại, mưu mô xảo trá của con người. Tác giả dùng những chi tiết thân quen, tạo ra đòn bẩy cho nỗi sợ hãi: tứ bề vắng lặng ghê hồn, xa xa có tiếng chó sủa, những tiếng tru từ các ngôi nhà đã bị bỏ hoang, con mèo rên xiết.

Trong không gian đó, những hình tượng như ma nơ canh, ma da, ma giò dài, con ranh, hồn thư, hồ ly tinh, những ngôi nhà xây trên nghĩa trang và các bùa chú… bắt đầu xuất hiện. Ẩn trong những hình tượng đó, tác giả chứng minh thế lực tâm linh không có thật. Đó đều bắt nguồn từ nỗi sợ hãi, trò đùa hay lòng tham của con người. Những hiện tượng ma quái được Phong Ngạn giải thích cặn kẽ, rõ ràng ở mỗi đoạn kết, giúp bạn đọc có cách nhìn thực tế.

Ngoài tự nghĩ ra tình huống, Phong Ngạn lấy cảm hứng từ những tin vặt, câu ca dao, các mẩu chuyện vốn được truyền miệng. Ông viết lại bằng ngôn ngữ giản dị, đậm tính đời thường của người lao động, nhưng cũng gửi gắm nhiều thông điệp.

Trong một số truyện, Phong Ngạn đề cập tới những căn bệnh gây chết lâm sàng. Ông vận dụng kiến thức về những triệu chứng như sưng gân máu, chứng thùy du, bệnh mất trí nhớ, tích nước ở bụng, phong đòn gánh để giải thích cho các hiện tượng “quỷ nhập tràng”, “ác mộng báo ứng”. Tác giả cho bạn đọc thấy nghịch lý trong cuộc sống: người trong ngành khoa học hóa ra lại mê tín dị đoan.

Phong Ngạn (1914-1987) là bút danh của nhà văn Bình Nguyên Lộc (tên thật là Tô Văn Tuấn), dùng cho tập truyện ngắn Tân liêu trai. Ông xuất thân trong một gia đình có mười đời sống tại Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Bình Dương). Không chỉ là nhà văn lớn, ông còn là nhà văn hóa Nam bộ trong giai đoạn 1945-1975, nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ và cổ văn. Ông còn có các bút danh Hồ Văn Huấn, Tôn Dzật Huân, Phóng Ngang, Phóng Dọc, Diên Quỳnh…

Trong sự nghiệp cầm bút, ông viết được khoảng 50 tiểu thuyết, 1.000 truyện ngắn và bốn cuốn sách nghiên cứu. Trong đó có Câu dầmNhốt gióĐò dọcGieo gió gặt bão, Đèn Cần Giờ.

nguồn: Cảnh Quân/https://vnexpress.net/tan-lieu-trai-lay-chuyen-ma-de-noi-con-nguoi-4630147.html