GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói sách không thể thiếu trong học tập, nghiên cứu, dù chatbot đang phát triển mạnh.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh: Bảo Ngọc.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh: Bảo Ngọc.

Không thể phủ nhận rằng các chatbot hiện nay sử dụng nền tảng Ngôn ngữ lớn đang tạo ra một cuộc chạy đua giữa các công ty công nghệ từ lớn đến nhỏ. Đối với sinh viên, chatbot là công cụ hữu hiệu hỗ trợ việc tìm kiếm kiến thức, lập trình hay chuẩn bị cho buổi thuyết trình. Thậm chí, chatbot có thể được coi như một công cụ tìm kiếm thông tin cho phép họ dễ dàng tiếp cận một văn bản có tính tổng hợp bởi trí tuệ nhân tạo.

Trước bối cảnh trên, thông tin từ sách và việc đọc sách có vai trò như nào đối đội ngũ trí thức nói chung và đối tượng sinh viên nói riêng. Quan trọng hơn, làm sao để xây dựng văn hóa đọc cho đội ngũ trí thức. Tri thức đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) về vấn đề này.

Chìa khóa tri thức mở ra thế giới 4.0

– Công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão giúp con người có thông tin, tri thức từ nhiều nguồn. Vậy sách có những vai trò gì đối với đội ngũ trí thức trong bối cảnh hiện nay?

– Sách có vai trò quan trọng trong cuộc sống mọi người dân bình thường. Đọc sách giúp chúng ta bổ sung kiến thức phục vụ cho công việc, cung cấp tri thức nền, tạo dựng phông văn hóa cho mỗi người và cuối cùng là một công cụ giải trí ưa thích của nhiều người.

Nhiều khi không có ranh giới rõ rệt giữa ba vai trò, hay nói cách khác một cuốn sách có thể phục vụ cho cả ba mục đích nói trên.

Đối với đội ngũ trí thức, những người đóng vai trò đầu tàu trong sự phát triển của khoa học – công nghệ và nhiều lĩnh vực khác, sách càng đặc biệt quan trọng.

Trong thời đại phát triển như hiện nay, nếu không đọc sách, một người trí thức nhiều khả năng sẽ sớm trở nên một con người lạc hậu, hạn hẹp tầm nhìn và nhàm chán.

– Kể từ đầu năm nay, nhiều trường đại học trên thế giới phải đối mặt với làn sóng AI (trí tuệ nhân tạo), Chatbot, được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Sinh viên trên thế giới nói chung và cả Việt Nam đã sử dụng công nghệ này để tìm kiếm thông tin cũng như tạo lập văn bản. Trước tình hình như vậy, việc đọc sách cần phải được lan tỏa và thôi thúc như nào?

– Các công cụ AI ngày càng phát triển và hữu hiệu, trợ giúp cho công việc và học tập. Tuy nhiên, nếu chỉ hoàn toàn dựa vào AI, không có kiến thức nền và sự hiểu biết chung, con người sẽ trở thành một bộ máy cơ học tầm thường.

Vì thế, sinh viên có thể sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ nhưng vẫn cần đọc và học để có kiến thức thực sự và biết cách sử dụng AI một cách hiệu quả nhất.

– Có ý kiến cho rằng công nghệ giúp người trẻ tiếp cận thông tin tốt hơn nhưng các thông tin đó không chất lượng như sách. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

– Công nghệ có ưu thế là giúp tìm kiếm thông tin nhanh và ngày càng đầy đủ. Ngày nay, chất lượng thông tin do công nghệ cung cấp ngày càng tốt hơn. Sách ngoài thông tin còn cung cấp quan điểm và thể hiện góc nhìn của tác giả. Quan điểm của cá nhân tôi là rất nên tận dụng công nghệ, nhưng không nên lạm dụng quá công nghệ trong công việc và cuộc sống.

Tri thức cần phải được bồi đắp thường xuyên

– Trong quá trình phát triển ý thức đọc sách, ông nghĩ rằng việc tập trung vào đọc sách ở các lĩnh vực chuyên sâu có quan trọng ra sao?

– Việc đọc sách ở các lĩnh vực chuyên sâu rất cần thiết cho công việc của các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên. Tri thức phải được thường xuyên bổ sung, cập nhật.

– Vậy để duy trì và phát triển thói quen đọc sách dưới áp lực công việc và cuộc sống hiện đại, đội ngũ trí thức trẻ cần phải làm gì?

– Ngày nay có quá nhiều hoạt động bị chi phối bởi công nghệ, khiến chúng ta trở nên “lười” hơn, chỉ muốn đọc những thông tin nhanh, không cần suy nghĩ, tưởng tượng quá nhiều.

Việc đọc sách phụ thuộc thói quen và sở thích của từng cá nhân. Một trí thức trẻ ngoài các cuốn sách chuyên môn nên cố gắng đọc thêm một vài cuốn sách khác và phân bố thời gian cho việc này, ví dụ tận dụng những khoảng thời gian trống như khi ngồi uống cà phê, trước khi đi ngủ, chờ đợi khi di chuyển hay trong quá trình di chuyển (thay cho việc tiêu thụ nội dung giải trí nhanh trên mạng xã hội).

– Theo ông, cần phải tạo ra môi trường như thế nào để thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường, cơ quan làm việc?

– Trước hết là cần tuyên truyền về lợi ích của việc đọc sách, sau đó tạo những không gian và cơ hội cho việc đọc, ví dụ xây dựng giá sách hay tủ sách giấy ở các không gian chung của cơ quan, app đọc và mượn sách (như ở Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm).

Trân trọng cảm ơn ông!

GS.TSKH Vũ Hoàng Linh là cựu học sinh khối chuyên Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Phổ thông Trung học chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 1998, ông học đại học và làm nghiên cứu sinh, bảo vệ tiến sĩ chuyên ngành Toán ứng dụng (Toán học Tính toán) tại Đại học Tổng hợp Budapest, Hungary. Năm 2007-2008, ông giữ chức vụ Phó trưởng Khoa Toán – Cơ – Tin học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2020 đến nay, Giáo sư giữ chức vụ Hiệu trưởng tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tháng 8/2023, GS.TSKH Vũ Hoàng Linh được bầu làm chủ tịch Hội Toán học Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028.

Nguồn:https://znews.vn/thong-tin-tu-chatbot-cung-cap-khong-the-thay-the-duoc-sach-post1447940.html