Tháng 7 năm nay, tôi được hân hạnh giảng một số bài tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Học viện đề nghị tôi nói chuyện về luật, không phải luật chỉ cho người học luật, mà cốt là để đối chiếu văn hóa của Tây phương với tư tưởng Phật giáo. Đề nghị đó quả là khó khăn: Phật giáo, khác với các tôn giáo khác, và khác với Khổng giáo, không lấy Nhà nước làm đối tượng triết lý, do đó không có triết lý về luật. Làm sao so sánh?
Thế nhưng Phật giáo có động gì đến xã hội chăng? Làm sao không! Con người sống ở đâu nếu không phải ở trong môi trường thiên nhiên của nó, nghĩa là giữa xã hội, nghĩa là với những con người khác? Hơn thế nữa, con người làm sao sống được nếu không có nước, có ánh sáng, có mặt trời, có con chim nó hót, có cây thông nó reo? Xã hội, trong quan niệm Phật giáo, không phải chỉ giới hạn trong tương quan giữa người với người: đó là quan hệ liên đới sâu thẳm giữa tất cả sự sống với tất cả sự sống. Tương quan là ý niệm căn bản trong Phật giáo. Mà luật là gì trước hết, nếu không phải là quan hệ hỗ tương?
Đơn giản như vậy thôi, nhưng chính ý nghĩa đơn giản đó đã làm điểm tựa để tôi vẽ nó ra bố cục của 6 bài nói chuyện một cách nhất quán.
Tôi nói chuyện trước khoảng 150 thính giả có trình độ năm đầu của Đại học hoặc cao hơn. Luật là kiến thức quá mới mẻ đối với họ, nhưng Phật giáo thì họ đã học nhiều. Điều này buộc tôi vừa không thể đi sâu vào luật, vừa không nên rườm rà về Phật giáo. Vấn đề của tôi là tìm phương pháp để làm nổi bật tính đặc thù của đôi bên trong cái nhìn đối chiếu. Nói cách khác, tôi chỉ mới nhập đề.
Do đó, tôi ngần ngại khi bạn bè tỏ ý muốn in lại các bài giảng của tôi ở nước ngoài. Tôi chỉ mới bới đất, chưa trồng hoa. Và bới đất để trồng hoa còn tùy đất sét hay đất cát. Tôi đã nói như thế, trong lớp học như thế, giữa môi trường như thế. Ra ngoài môi trường đó, biết ai thưởng thức được ai?
Tôi vượt qua ngần ngại vì nhiều lẽ. Trước hết, bạn bè ở bên ngoài cũng nên biết những việc làm ở bên trong. Khiêm tốn, nghèo nàn, Học viện Huế âm thầm, lặng lẽ đóng góp chung thủy của mình vào tương lai văn hóa dân tộc. Ở ngoài khó hiểu hết những khó khăn ở bên trong. Nhưng hãy biết từ những khó khăn đó mà đánh giá những việc làm nhỏ mọn như việc ở xa về làm vài bài giảng. Tưởng như không có gì cả. Vậy mà ý nghĩa đậm đà vô biên. Có những việc không làm được và những việc làm được. Đừng lấy những việc không làm được mà buồn. Hãy lấy những việc làm được mà vui. Đó là lý do khiến tôi không muốn sửa đổi quyển sách cho hợp với điều kiện ở ngoài nước. Tôi muốn trình bày trung thực với bạn bè việc tôi làm, lời tôi nói, không thêm không bớt. Hoa hèn cỏ mọn như vậy đó, nhưng tôi chưa có nỗi vui nào lớn hơn trong cuộc đời giảng dạy của tôi.
Còn một lẽ nữa khiến tôi đồng ý với việc xuất bản này: Tôi muốn kêu gọi bạn bè gởi cảm tình về Học viện, và có lẽ không lời kêu gọi nào chân thành hơn cuốn sách nhỏ này. Ai về Huế hãy ghé thăm Học viện: đơn sơ một dãy nhà giữa gió. Thiếu tất cả. Trừ tấm lòng chung thủy cứ trơ gan cùng tuế nguyệt. Không ai in sách để kiếm tiền! Nhưng bao nhiêu đồng tiền góp được với sách này, bấy nhiêu sẽ gởi về cho ngôi nhà giữa gió đó.
Tháng 12 năm 1999
CAO HUY THUẦN
***
“Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và Ta” là nhan đề tập bài của Đạo hữu Cao Huy Thuần, Giáo sư Tiến sĩ Đại học Amiens (Pháp) giảng cho Tăng Ni sinh năm thứ III của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Huế. Đây là một cái nhìn mới mẻ, sinh động về sự sống từ góc độ Triết học Luật trong liên hệ với tư tưởng Phật giáo.
Sau khi định nghĩa khái quát về Luật, về Giới luật, tác giả đào sâu đến nguồn gốc của Luật: Luật đến từ thần linh, từ Thượng đế, từ con người, từ mỗi người; cuối cùng, rất quan trọng và rất hiện thực, Luật đến từ thiên nhiên, từ sự sống. Bằng kiến thức và tư duy sâu sắc về Triết học Luật và Phật giáo, tác giả đã nêu lên cả một tổng thể hữu vi duyên khởi, tức sự sống, tổng hòa của những tương quan chặt chẽ, bình đẳng và vô ngã trong đó Luật sinh khởi, vận hành. Qua sự trình bày của tác giả, người đọc dễ cảm nhận được rằng trong ý nghĩa duyên khởi, công chính, công bằng, bình đẳng, hòa hợp, trật tự, quyền lợi… vốn bao hàm trong Luật phải được áp dụng chan hòa, vô tư, đồng đều cho cả cỏ cây, hoa lá, rong rêu, cụm mây, làn gió… chứ không phải chỉ riêng cho con người và cho những gì con người muốn bảo vệ vì lợi ích của mình. Và cái nền tảng, cái sức nuôi dưỡng cho sự thể hiện và hoạt động của sự sống phải là sự đồng cảm, chia sẻ trách nhiệm, hay nói khác đi là Tình thương, là lòng Đại từ bi vậy. Trong ý nghĩa này, phải chăng người ta có thể bảo rằng Luật của sự sống là lòng Đại từ bi?
Đạo hữu Cao Huy Thuần là một chuyên gia về Luật, một nhà nghiên cứu Phật học, một nhà văn, nhà báo và là một con người gắn bó với quê hương, với Phật giáo Việt Nam trong nhiều chục năm qua. Vì đồng tình với đạo hữu trong việc đề nghị một cái nhìn mới về sự sống, về thái độ mới đối với thiên nhiên và xã hội trong tinh thần cộng đồng bình đẳng với mọi hữu thể; vì trân quý tấm thịnh tình của đạo hữu dành cho dân tộc và Phật giáo Việt Nam, nên nhân dịp đạo hữu về thăm quê chúng tôi ngỏ ý mời giảng cho Tăng Ni sinh về Triết lý Luật và Tư tưởng Phật giáo, đồng thời xin xuất bản, phổ biến tập bài giảng này và đã được đạo hữu đồng ý.
Xin cảm ơn đạo hữu và trân trọng giới thiệu cùng chư độc giả.
Từ Đàm, Huế, Mùa An cư PL.2544
HT. THÍCH THIỆN SIÊU
Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Huế.
Có thể bạn muốn xem
Tiệm sách chỉ bán một thể loại sách
Sống 24 Giờ 1 Ngày – A. Bennett
CHỮ VÀ NGHỆ THUẬT CHỮ TRONG THIẾT KẾ TRUYỀN THÔNG HIỆN ĐẠI
THƯƠNG HIỆU – THANH DANH – TÊN TUỔI
Hành Trình Vươn Tới Đỉnh Cao Của Bà Trùm Nội Y
9 lời khuyên cho một doanh nghiệp startup.
PHÁP TƯỢNG ĐỨC PHẬT ĐẢN SINH (THÍCH CA SƠ SINH) – Tìm hiểu tư thế chỉ tay của Pháp tượng Đức Phật đản sinh
Nhật ký của một gã bán sách
Tìm hiểu phong tục tập quán nước Việt qua cuốn sách hơn 100 năm tuổi