NXB Tổng hợp TPHCM vừa ấn hành bộ sách Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ – Vè Nam bộ do Huỳnh Ngọc Trảng và Phạm Thiếu Hương biên soạn. Bộ sách dày 1.800 trang, được chia làm 3 quyển, cho thấy sự công phu của nhóm tác giả, đồng thời đóng góp vào văn học dân gian của cả nước nói chung.

bộ sách Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ - Vè Nam bộ 
bộ sách Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ – Vè Nam bộ 

Dự án sưu tầm – biên soạn bộ Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ – Vè Nam bộ được Quỹ Hoa Sen (thành lập ngày 28-12-2016 theo quyết định của UBND TPHCM), tài trợ, gồm 7 tập và thực hiện trong 3 năm, trong đó có 3 tập đã được xuất bản gồm: Truyện kể dân gian Nam bộ, Ca dao – Dân ca Nam bộ, Vè Nam bộ. Các tập còn lại sẽ được ấn hành trong thời gian tới: Tuồng tích sân khấu và Diễn xướng dân gian Nam bộ, Tục ngữ, Truyện thơ và thơ về lục tỉnh Nam kỳ, Đồng dao và câu đố.

Tập 3 của bộ sách Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ – Vè Nam bộ là sưu tập các bài vè gồm nhiều loại khác nhau vốn đã từng lưu hành ở vùng đất mới phương Nam, được phân thành 5 loại: Quyển 1 gồm Vè kể vật, kể việc và Vè lao động sản xuất và sinh hoạt; Quyển 2 là Vè giáo huấn – phê phán thói hư tật xấu tệ nạn xã hội; Quyển 3 gồm: Vè về thực trạng xã hội phong kiến, thuộc địa, Vè yêu nước chống thực dân đế quốc và Thơ rơi, nói thơ và các biến thể khác của vè.

Có thể thấy, Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ – Vè Nam bộ là một bộ sưu tập có giá trị đặc biệt trong việc cung cấp tư liệu phục vụ tìm hiểu, nghiên cứu. Một mặt, bộ sách góp phần làm phong phú kho tàng văn học dân gian của dân tộc; mặt khác, từ đó, hiểu thêm về các khía cạnh lịch sử – văn hóa – xã hội, đất và người Nam bộ.

Theo các tác giả, trong các thể loại văn học dân gian Nam bộ, vè có một vị trí quan trọng đối với việc phản ánh hiện thực xã hội trong từng thời kỳ lịch sử. Là báo chí truyền miệng, vè phát triển do nhu cầu phản ánh nhạy bén và kịp thời với những sự kiện lớn của địa phương. Do đó chặng đường phát triển của các loại vè Nam bộ luôn luôn gắn chặt với yêu cầu nóng bỏng của từng địa phương trên vùng đất này.

Vè ở Nam bộ không chỉ tồn tại như một thể loại văn học được diễn đọc bằng cách kể vè thông thường mà còn được diễn đạt bằng nhiều điệu nói thơ khác nhau nên từ đó cũng có những biến thể độc đáo. Mặt khác, các loại vè khác nhau cũng được tích hợp vào các hình thức diễn xướng tổng hợp khác như hát sắc bùa, chặp Địa – Nàng của hát bóng rỗi…, kể cả trong các tiết mục diễn của đào kép hát bội…

Hiện tượng này đã làm cho vè có một vai trò tích cực và sinh động riêng trong nghệ thuật diễn xướng Nam bộ. Ngoài ra, chúng ta cũng gặp những thể loại văn học vừa đậm chất tự sự của vè vừa hàm chứa chất tự tình của vãn như Thơ rơi, Nói thơ Bạc Liêu, Sám giảng…

Với ngồn ngộn tư liệu thú vị, bộ sách Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ – Vè Nam bộ cung cấp nhiều kiến thức phong phú, các mảng chuyên đề văn học dân gian giúp người đọc hiểu thêm những đặc trưng và những biến thể văn hóa trong quá trình dịch chuyển, cộng cư và thích nghi của người Việt nơi vùng đất phương Nam.

nguồn: Sài Gòn giải phóng