Theo tôi, “tìm hiểu thói hư tật xấu người Việt” đang là một nhu cầu của xã hội. Rút kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu đàn anh, và cũng là tự lượng sức mình, ngay khi xác định đề tài, tôi sớm đi vào sưu tầm tài liệu, tuyển chọn những khái quát, những nhận xét của lớp người đi trước, là các trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Đây là thời gian đất nước vẫn do người Pháp cai quản; nhưng ý thức dân tộc, nhất là phần tự ý thức về bản thân mình, có dịp nẩy nở hoàn chỉnh hơn bao giờ hết. Tôi nói hoàn chỉnh với nghĩa tinh thần tự phê phán khá rõ.

Các nhà lịch sử khi nhắc đến Nguyễn Trường Tộ, thường chỉ nhắc đến những điều trần của ông, tức là những kế sách của ông trong việc cứu nước. Nhưng theo tôi, ông là người Việt Nam đầu tiên nhìn dân tộc một cách khách quan, xem xét và đánh giá cộng đồng theo những tiêu chuẩn thế giới.

Sau Nguyễn Trường Tộ, từ các nhà nho trong tới các trí thức tây học, tức là từ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Tản Đà, v.v. tới Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên,… người nào cũng có đóng góp vào việc cảnh tỉnh, tức là việc vạch ra những thói hư tật xấu, để đưa cộng đồng bước vào giai đoạn lịch sử hiện đại.

Những phát biểu bao quanh chủ đề thói hư tật xấu, hoặc nói theo một danh từ đang trở nên thời thượng, những cố gắng dựng lại chân dung người Việt xấu xí mà tôi thu thập được trải rộng ra trên đủ mọi phương diện. Sau khi giới thiệu các đoạn này trên báo chí và các mạng, tôi tạm tổng hợp lại và chia thành một số cụm ý kiến như sau:

  1. Ăn ở luộm thuộm, ăn xổi ở thì, vụng nói chuyện, nếp sống buông tuồng tùy tiện, a dua làm bậy, thị hiếu tầm thường, ham cờ bạc. Dễ tin nhảm, lòng tin sơ sài, biến thành mê muội. Quan niệm nông nổi về cuộc sống.
  2. Bảo thủ ngại thay đổi, cam chịu, đầu hàng hoàn cảnh, khiếp nhược trước những giáo điều ngoại nhập, suy đồi thoái hóa, hư vô trống rỗng. Bịp nhau chọe nhau, hay diễn trò, đạo đức giả, nhìn hàng xóm như kẻ thù, với người nước ngoài không thật lòng và đầy nghi kỵ.
  3. Sống rời rạc đèn nhà ai nhà nấy rạng, kém ý thức pháp luật, đặt quyền lợi riêng lên trên cái chung. Tinh tướng khôn vặt “ăn cỗ đi trước lội nước đi sau”, thực dụng vụ lợi vặt vãnh. Không trọng chữ tín. Không có khả năng đặt mình vào địa vị người khác. Quan hệ với thiên nhiên cẩu thả, thiếu tinh thần hướng thượng và óc lãng mạn chân chính .
  4. Đời sống tinh thần nghèo nàn, dễ thỏa mãn, không chuyên chú học hỏi nghiên cứu; học không biết cách, chỉ giỏi học lỏm. Nội dung văn chương học thuật phù phiếm. Bằng lòng với tình trạng tự phát, không đặt trí óc vào công việc.
  5. Tầm nhìn hẹp, không có nhu cầu hoàn thiện, không cái gì đi tới cùng. Tình trạng phi chuẩn kéo dài, không có khả năng tự sàng lọc, không hình thành nổi bộ phận tinh hoa, dìm dập níu kéo nhau trong tình trạng bảo thủ trì trệ.
  6. Sau nữa là sĩ diện, che giấu, dễ dãi với bản thân, không lo tự hoàn thiện mà chỉ sợ người ta biết thói xấu của mình.

Thoạt đầu tôi cũng chỉ nghĩ thử đi tìm một số thói hư tật xấu thông thường, chuyện trong nhà chúng ta bảo nhau ngay được. Đọc kỹ vào những dòng chữ mà các bậc tiền bối đã viết bằng cả tình yêu và tâm huyết, thấy có lẽ phải đặt vấn đề một cách nghiêm chỉnh hơn. Nhiều nhược điểm nêu lên quá nghiêm trọng. Phải chăng đây là những nhận xét tổng quát có liên quan tới trình độ sống, trình độ làm người của dân ta, chính nó là nguyên nhân hạn chế chúng ta trên đường phát triển?! Có một số nhược điểm cản trở nước ta gia nhập vào thế giới hiện đại .

Tuy nhiên chúng ta sẽ bình tâm hơn nếu biết rằng hầu như tất cả các dân tộc trên thế giới đều qua giai đoạn tự nhận thức như thế này. Và họ thường nói về họ hết sức nghiêm khắc. Như với một nước gần với chúng ta là Trung Quốc. Lâu nay chỉ nghe nói đến cuốn Người Trung quốc xấu xí của Bá Dương. Nhưng nên biết là trước đó, dân tộc tính của người Trung Quốc đã được các nhà chính trị, các nhà văn hóa, các trí thức hàng đầu đất nước này đề cập tới. Lương Khải Siêu bảo dân Tàu quen óc nô lệ chỉ biết vì mình, các thói xấu như ngu muội nhút nhát lừa đảo, võ đoán giả dối… không gì là không có. Với Tôn Trung Sơn, người Trung Quốc trình độ kiến thức thấp, xã hội giống như một chậu cát rời. Lâm Ngữ Đường còn nói thẳng là đồng bào của ông xảo quyệt. Hiện nay tài liệu Trung văn có liên quan tới người Trung quốc xấu xí tất nhiều, cả các cuốn sách các bài báo của các tác giả phương Tây cũng được giới thiệu đầy đủ, để người trong nước cùng nghĩ .

Nghĩa là không nên hoảng sợ khi thử tìm cách gọi ra một số phẩm chất tiêu cực. Tất cả đều nên coi là những giả thiết để làm việc, nếu sau khi thảo luận chúng ta thấy rằng một số nhận xét nêu ra là không đúng, ta sẽ phải tìm một công thức khác để diễn đạt, cốt sao nắm bắt chính xác đặc tính dân tộc.

Cái chính là đằng sau mỗi “nhãn hiệu” , người ta phải tìm ra nội dung cụ thể của nó . Ví dụ gần đây qua cuốn sách Việt Nam và Nhật Bản – Giao lưu văn hóa của Vĩnh Sính, tôi được biết là nhiều người Nhật cho là người Việt có mắc căn bệnh dạ lang tự đại. Đây là một ẩn dụ, bắt đầu từ câu chuyện có thật về một nước nhỏ thời Hán, trong giao thiệp với thiên hạ mắc bệnh hoang tưởng, từng tranh luận với các sứ giả quanh chủ đề “nước Dạ Lang so với Trung Quốc bên nào lớn bên nào nhỏ”. Và đấy là dấu hiệu của một tình trạng tư duy ấu trĩ. Thế nhưng trong 17 điểm mà chính Tôn Trung Sơn đã từng khái quát về người Trung quốc thì điểm thứ 9 cũng là dạ lang tự đại (Dẫn theo Bản đồ tính cách người phương Đông, bản Trung văn của Sơn Đông họa báo xuất bản xã, 2005, tr 151) . Vậy thì vấn đề đặt ra với người nghiên cứu là nội dung cụ thể của bệnh tự cao tự đại ở từng nước. Cũng bệnh ấy, nhưng ở ta nó sâu sắc, nặng nề và… buồn cười đến đâu, triển vọng sắp tới có chữa được không.

Với các đặc tính khác cũng phải khảo sát tương tự.

Vương Trí Nhàn
Trích trong cuốn Người Xưa Cảnh Tỉnh

Đăng lại từ Blog Vương Trí Nhàn (vuongtrinhan.blogspot.com)