(Về truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy)

* “Không bằng lòng thì thôi/ Nếu em bằng lòng thì ta về ở với nhau một đêm” (Dân ca Mông)

* “…Cơ thể bỏng rát như bị gắp từng cục than hồng bỏ lên” (Đỗ Bích Thúy)

Một nhà văn đến độ nào đó, thường trong những cái viết của họ, như một sự trưởng thành, tự nhiên chụm về một câu hỏi tưởng rất đỗi giản dị này: đâu là ý nghĩa thực của sự sống? Đây là một vấn đề gốc có khả năng thôi thúc những suy tư thực sự. Từ đó mới hy vọng có thể cắt nghĩa và biểu đạt những vấn đề cốt tử của sự sống. Với Đỗ Bích Thúy, xuất hiện khá đều tay kể từ sau chùm truyện ngắn đoạt giải Nhất của Tạp chí VNQĐ 1999, mới đây lại thêm tập truyện Đàn bà đẹp và tập tản văn Đến độ hoa vàng (1), có thể nói rằng: văn của Đỗ Bích Thúy càng ngày càng có sức nặng của những suy tưởng có vẻ như vừa mơ mộng vừa khắc nghiệt đó. Nhờ vậy, chị đã xác lập được một gương mặt độc đáo và một vị trí không thể phủ nhận trong nền văn học đương đại. Vậy là con đường văn chương của chị, tính cho đến nay, cũng đã thấm tháp một quãng…Kiều (nhưng hẳn không trần ai cát bụi như Kiều)!

1. Những kiếp sống không bao giờ chịu tắt

Ai đã từng đọc Thúy, từng bị ám ảnh những cái viết của Thúy, chắc hẳn đồng ý với tôi điều này: nhân vật thống lĩnh trong các tác phẩm của Thúy toàn là đàn bà đa phần thuộc tộc người Mông, và cái không gian cho các nhân vật sinh sống sinh sự trong đó toàn là núi rừng sông suối thổ nhưỡng vùng cao, cụ thể hơn -cao nguyên đá Hà Giang, nơi quê hương tuổi thơ của chị.

Hãy nhìn vào thế giới nhân vật người nữ: đầu tiên là người mẹ – mẹ đẻ và mẹ kế; sau nữa là những người vợ, và rất nhiều những người con gái tuổi mới lớn chẳng mấy chốc lại bước vào cái vòng đời làm vợ, làm mẹ, làm bà…Ngải đắng ở trên núi (1999), cùng lúc có ba nhân vật nữ: nhân vật xưng “tôi” đi xa trở về, bà mẹ vùng cao với những yêu thương, hờn dỗi, và nhân vật chị dâu. Sau này, trong Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, và hàng loạt các truyện tiếp đó (Khách quý, Lặng yên dưới vực sâu, Cạnh bếp có cái muôi gỗ, Trong thung lũng…) đều nhất loạt hiện lên những hình ảnh người đàn bà với nhiều hình nét và cảnh ngộ khác nhau. Khi chuyển đổi vùng hiện thực từ miền núi cao sang phố thị, như một sự ngoan cố của tâm thức, Đỗ Bích Thúy cứ tìm đến thân phận những người đàn bà với nhiều nông nỗi trong bối cảnh hiện đại (Đàn bà đẹp, Trong đám đông có một ánh mắt, Chiếc hộp khảm trai, Sương khói mịt mờ). Có thể đây đó, trong cách tạo dựng của nhà văn, thỉnh thoảng có một vài nhân vật đàn ông chiếm chỗ, định trở thành nhân vật chính của truyện (Mèo đen, Tráng A Khành), nhưng chẳng mấy chốc, lại có một/ hơn một nhân vật đàn bà nhẩy vào can thiệp, đoạt quyền vai chính. Vậy là cuối cùng, các nhân vật người nữ, tưởng là vai phụ, bỗng nhiên có mặt ở giữa trung tâm của câu chuyện, khiến khi tác phẩm khép lại, người đọc nhớ họ hơn là nhớ cái đám nhân vật đàn ông vốn ban đầu là nhân vật chính kia.

Thế giới nhân vật nữ của Đỗ Bích Thúy xoay quanh một số motif vừa quen vừa lạ: người bỏ nhà đi theo khát vọng đổi đời, người sớm lấy chồng đành chấp nhận một đời sống vô danh thầm lặng, người có chồng vẫn đa mang bên đời tình yêu một thuở, người làm lẽ mà vẫn hết lòng với nhà chồng, người vợ góa thủ tiết và nổi loạn, người thiếu nữ đa đoan ái tình và lầm lỡ. Có một điểm làm nên mẫu số chung cho thế giới nhân vật đàn bà trong văn của Thúy: họ đều là những con người lặng thầm mà quyết liệt. Lặng thầm trong đi lại, cử chỉ, điệu bộ, hoạt động, nói năng, thậm chí rơi vào trạng thái mỏi mòn, nhưng trong thẳm sâu là một tính khí quyết liệt, dứt khoát đến ương bướng, bất chấp. Mẹ Mao được gọi là mẹ già, tuy không còn trẻ nữa, nhưng trước một đời sống riêng tư có vẻ đi ngang về tắt của ông chồng với mẹ Hoa, bà đã lần trở về với người yêu cũ trong phiên chợ tình. Và tiếng đàn môi dìu dặt đêm sương hôm đó, đứa bé gái mới lớn tưởng của bạn trai mình, hóa ra không phải. Đó là tiếng của một mối tình ngày xưa tuyệt vọng. Đó là tiếng của lòng yêu tưởng đã tắt nay lại hồi sinh. Một kết thúc thật đẹp và buồn… Tôi muốn nói thêm về trường hợp nhân vật Súa (Lặng yên dưới vực sâu). Đó là một tình yêu lặng thầm mà dữ dội. Súa đã ăn ở nhà chồng, đã có con với chồng, đã quy thuận và có vẻ như dằn lòng chấp nhận một đời sống trọn bề với chồng… Nhưng không, một mặt do tình yêu dai dẳng, to lớn của Giàng Sếnh Vừ không ngừng công phá, mặt khác, do cái khát vọng mãnh liệt được sống với tình yêu thực của mình trong lòng Súa chưa bao giờ chết hẳn, thế là họ hẹn hò để được gặp nhau. Sau đó, tai họa bất ngờ ập đến: chồng Súa tự tử do nhận ra trong cuộc tình tay ba này, anh ta thực sự là kẻ thất bại. Ghê gớm quá. Súa như một cái bếp trong nhà người Mông trên núi cao. Cứ tưởng cái bếp ấy chỉ còn tro lạnh. Không ngờ, trong đó ủ một hòn than rực đỏ. Đến khi gặp gió của tình yêu, của khát vọng sống, hòn than đỏ lập tức bùng lên thành đám cháy. Cái chất đàn bà Mông là vậy đấy. Thế giới nhân vật của Thúy là vậy đấy. Không có ngoại lệ! Tất cả họ đều đẹp, một vẻ đẹp khiêu khích, bất trắc. Tất cả họ hiện thân cho Cái Đẹp mỏi mòn, cái đẹp đang trong quá trình bị tàn hủy, bị giằng xé giữa vượt thoát và cam phận.

Cắt nghĩa về kiểu nhân vật này, có thể có nhiều lý do, nhưng tôi muốn tìm về lý do dân tộc học. Như chúng ta biết, đồng bào người Mông bao đời nay sống trên núi cao, giữa một không gian thiên nhiên vô cùng diễm tình và khắc nghiệt. Lao động kiếm sống của họ, cái ăn cái uống của họ cũng vô cùng cực khổ. Ở vùng cực Bắc cao nguyên đá: canh tác chỉ có cây ngô, thức ăn thức uống chỉ có mèn mén, rượu và rau cải. Họ có một đời sống sản xuất và sinh hoạt gắn bó mật thiết với thiên nhiên, phụ thuộc vào thiên nhiên. Quan hệ cộng đồng đang còn khá sơ khai, đơn giản. Họ chưa bị các nghi thức, chuẩn mực và thiết chế xã hội hiện đại chi phối. Nhờ vậy, họ đề cao tình nghĩa con người, theo đuổi chất sống hồn nhiên thuần phác. Họ bảo toàn được nhiều phẩm tính đầu nguồn trong sạch và mạnh mẽ  – gọi chung là khí chất vùng cao. Về những phẩm tính ấy, có lẽ người dân tộc Mông là tiêu biểu nhất. Đỗ Bích Thúy ăn ở nhiều năm với vùng đất đó, những năm tháng tuổi thơ thanh sạch nhất được tắm mình trong đó, nên như một sự thuận theo tự nhiên, Thúy yêu những con người trong lành mà quyết liệt ấy. Như một vô thức, những mảnh đời phụ nữ vùng cao “Như bông anh túc, rực rỡ mà héo úa” đầy ngang trái ấy đã ngự trị trong hồn văn này.

Có một điểm đáng chú ý là:  không chỉ thế giới nhân vật là người Mông, mà hầu hết các nhân vật của Đỗ Bích Thúy đều bị ám thị bởi phẩm tính Mông. Sau này có đôi lần Thúy viết về người thuộc dân tộc khác, và viết cả về người Kinh phố thị, mà hẳn phố thị Hà Nội kia, ấy thế mà những gì đẹp đẽ nhất của phẩm tính Mông vẫn tìm cách vận vào. Đó là sức mạnh của tình yêu to lớn và quyết liệt. Nhân vật người đàn bà bán chè và ông bố trong truyện Sương khói mịt mờ (2) là một ví dụ. Có ai ngờ người đàn ông nghiện chè cả đời chỉ chuyên nhất uống một thứ trà của người bán chè ấy. Hóa ra cái nguyên do không thuộc ở chất lượng chè, mà ở người bán chè: giữa họ, ngày xưa đã có một mối tình. Hay cái ý thức sở hữu người chồng/vợ đến khốn khổ của các nhân vật trong Đàn bà đẹp, Trong đám đông có một ánh mắt chẳng phải là cái chất quyết liệt đến ương ngạnh của phẩm tính Mông đó sao! Tuy các nhân vật không phải người Mông mà những vẻ đẹp sáng chói của phẩm tính Mông vẫn quán xuyến và chi phối. Đó chính là những phẩm tính mang tầm phổ quát của giống người. Khi nói: vừa dân tộc tính vừa nhân loại tính là vì vậy.

Ở trên, tôi đã nói về thế giới nhân vật trong văn của Thúy. Nhưng không chỉ có vậy. Cái sức sống mạnh mẽ quyết liệt ở những con người đó dường như được truyền rót từ thiên nhiên hoa cỏ núi rừng. Đỗ Bích Thúy dựng lên một vùng đất hiểm trở, dữ dội, nơi chung sống của những đối cực khốc liệt nhất trong hai mùa: mùa đông, mùa xuân (hai mùa còn lại hầu như rất mờ nhạt trong văn của Thúy). Nào đèo cao vực sâu, nào gió rét và sương muối, nào đá sắc gai cào…Ấy thế mà giữa một nơi tưởng như hủy diệt sự sống ấy vẫn ngời lên những vạt rừng hoa tam giác mạch, vẫn bời bời những dải rừng ngải đắng xanh non. Và đây: bên một kiếp đàn bà sắp tắt, bỗng “Mưa bắt đầu rơi lây phây, hình như có tiếng bông mận nở ra lách tách” (Tráng A Khành). Có phải đó là sự sống của thiên nhiên bất tử. Trong thế giới biểu đạt của Thúy, con người và tạo vật không bao giờ chịu khuất phục trước cái chết; hay nói công bằng: nếu như đâu đó có kết thúc bằng một cái chết, cũng chính là lúc một sự sống mới được khởi ra. Sự sống ngời lên bất tử. Đó chính là cảm quan trong lành, khỏe khoắn và rất đỗi nhân văn tỏa ra từ mỗi trang viết của nữ nhà văn này.

2. Đàn bà, rừng núi và tiếng hát

Các truyện ngắn thành công nhất của Đỗ Bích Thúy không chỉ nhờ vào câu chuyện được kể, mà còn chủ yếu nhờ vào cái không khí truyện khi đan bện quánh đặc, khi bảng lảng mơ hồ. Kinh nghiệm mỹ học truyện ngắn cho hay: trong không ít trường hợp, truyện ngắn thành công chủ yếu ăn nhờ vào cái không khí nghệ thuật phả ra từ mỗi truyện. Nhiều nhà văn đặc biệt tài ba ở chỗ này. Những truyện ngắn thành công nhất của Thúy đều có được cái cám dỗ ấy.

Không khí truyện, nói theo thuật ngữ nghiên cứu văn học còn được gọi là hoàn cảnh nghệ thuật của truyện. Nó không phải là hoàn cảnh xã hội như chủ nghĩa hiện thực quan niệm. Nó là một môi trường nghệ thuật để cho nhân vật tồn tại. Nó là một hình thức nghệ thuật tạo nghĩa và mang nghĩa. Nó được làm nên bởi tất cả các yếu tố nghệ thuật của tác phẩm: từ không gian môi trường, không gian sinh hoạt, nhân vật, ngôn ngữ, chi tiết…Dĩ nhiên vai trò của mỗi yếu tố để tạo lập hoàn cảnh nghệ thuật trong mỗi tác phẩm và ở mỗi nhà văn lại khác nhau. Với Đỗ Bích Thúy, để tạo nên cái không khí nghệ thuật rất riêng, có thể chủ động, có thể vô thức, nhà văn đã bị hút vào một thế giới của đàn bà, rừng núi và tiếng hát.

Hết thảy, các nhân vật đàn bà của Thúy đều đẹp và quyến rũ, và tất cả đều dầm mình trong tình yêu như một tội đồ bất khả… thoát.

Trong chùm ba truyện ngắn Đỗ Bích Thúy đoạt giải VNQĐ ngày nào có một truyện nói về cảm xúc tình yêu thầm lặng mà cháy bỏng của người chị dâu góa chồng (Sau những mùa trăng). Sau này, chuyện tình yêu muôn vẻ có mặt với mật độ khá dầy trong các tác phẩm của Thúy. Tình yêu vốn là một cái gì đó thiêng liêng và mê đắm, nhưng cũng thật bất trắc, đa đoan. Tính khí và phẩm giá của con người hiện lên không nơi nào rõ hơn trong chốn tình yêu. Tình yêu chính là thứ giấy quỳ hiện lên bản chất người.

Đối với người Mông, tình yêu bao giờ cũng được đẩy lên trạng thái tột cùng: khi yêu nhau là tột cùng say mê, tột cùng chung thủy; khi mất nhau là tột cùng đau đớn; khi không yêu nhau mà về ở với nhau là tột cùng của ghẻ lạnh, thậm chí thù hận…

Nhưng cũng lại có một điểm khá đặc biệt: do tập tục tộc người chi phối, nhất là tục bắt/cướp vợ, nên xảy ra khá nhiều trường hợp các cô gái bị bắt về làm vợ cái người mà mình không có lòng yêu. Vì thế mới dẫn đến một cuộc sống chung chạ trong một cách thế tồn tại vừa chấp nhận vừa rũ bỏ. Chấp nhận ăn ở với nhà chồng, “làm ma” nhà chồng. Nhưng trong tâm tưởng, nhiều khi do bị kích hoạt bởi ngoại cảnh, tâm hồn lại thổn thức nhớ về, và khi được dịp lại tìm về người tình cũ. Truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy toàn là những kiếp phận đa đoan, bất ưng trong tình yêu. Nhân vật chị dâu trong Sau những mùa trăng phải bóp nghẹt cái khát vọng yêu đương trước tiếng sáo của một người trai trẻ. Súa (Lặng yên dưới vực sâu) điển hình cho mẫu người khổ nạn trong con đường tình ái. Yêu người này mà bị người kia cướp về làm vợ. Làm vợ người ta mà vẫn không thôi nhớ người yêu, trong khi đó vẫn phải làm bổn phận. Nhiều lúc lòng từ tâm mẫu tính dội lên mách bảo về một khả năng tha thứ, đem cho nhưng bị bức tường của lòng tự trọng ngăn trở…Cứ thế, Súa là một nhân vật đầy giông bão.

Trong truyện của Đỗ Bích Thúy, nhân vật thuộc bất cứ thế hệ nào cũng bị lâm vào một thứ bùa mê của tình yêu. Trẻ có tình yêu của người trẻ. Già có tình yêu của tuổi già. Nói về nhân vật mẹ già (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá), những tưởng đời bà như thế là xong phận. Ai dè, sau cái lần bà xuống chợ, bắt đầu cựa quậy một nỗi nhớ, nỗi đợi chờ. Tình yêu, trong trường hợp này hiện lên như một lực sống mầu nhiệm khiến cho nhân vật như được hồi sinh và tha thiết sống. Nhìn sang nhân vật Lanh (Trong thung lũng) lại thấy tình yêu như một phản đề. Do dốc lòng yêu hết, không gìn giữ, không toan tính, cuối cùng mới biết bị lừa. Người con gái đang mang trong mình giọt máu của tình yêu này đã nhảy xuống sông tự vẫn. Bản tính và thiên lương trong vắt của cô không chịu để mình bị vấy bẩn bởi sự lừa lọc dối trá. Hay nhân vật Nhí (Lặng yên dưới vực sâu) cũng vậy. Một cô bé câm, nhưng đặc biệt tinh tế và mẫn cảm. Cô bé đem lòng yêu một người đàn ông cô độc bằng một tình yêu thiên thần, không mảy may vụ lợi. Cuối cùng người đàn ông ấy chết. Tình yêu mà Nhí có được đã cho cô một tư thế làm người giống như bao cô gái lành lặn khác. Trước kia, do quá đề cao chức năng bên ngoài nghệ thuật, tình yêu của nhân vật Mỵ trong Vợ chồng A Phủ phải thực hiện nhiệm vụ kết án giai cấp thống trị. Đến bây giờ, Đỗ Bích Thúy biểu đạt tình yêu như chính tình yêu, nghĩa là trong tình yêu, người đang yêu được sống tận độ trong tư cách Con Người.

Mỗi khi diễn tả tình yêu, Thúy thường hay sử dụng tiếng hát/ tiếng sáo như một phương thức bộc lộ. Tiếng hát này trước hết hiện lên như một đặc trưng văn hóa sống động. Sau nữa, nó như hương hoa góp vào làm nên một không khí ái tình lãng mạn chan hòa. Việc đưa tiếng hát vào truyện viết về vùng cao đã có nhiều tác giả từng làm. Trước cách mạng có Lan Khai. Sau cách mạng có Tô Hoài và nhiều người khác. Đỗ Bích Thúy đi lại cách làm này ở khá nhiều truyện, nhưng quan trọng là trong mỗi truyện, tiếng hát lại mang những sắc thái khác nhau. Tiếng hát gọi bạn tình của con trai con gái bản Vần Chải (Sau những mùa trăng). Tiếng sáo nhớ nhung khắc khoải trong gió bấc đầu mùa của Giàng Sếnh Vừ dành cho Súa: “Khi buổi sớm tinh mơ đôi ta cầm tay nhau dạo bên bờ bến nước, e rằng con chim dìa cơu ung dung bay qua uống phải, sẽ rung động 98 trái tim…”. Và rồi sau đó, tiếng sáo đau đớn, hy vọng của Vừ nhiều lần cất lên vời vợi chờ đợi Súa (Lặng yên dưới vực sâu)…Dĩ nhiên tiếng hát của người vùng cao mang nhiều ý nghĩa tùy vào từng trường hợp. Nhưng trong tình yêu, nhất thiết tiếng hát/ tiếng sáo được cất lên thay cho những lời vụng dại, thay cho nỗi lòng ứ nghẹn đắm say. Nó có vai trò thiết tạo một không gian tình ái, và quan trọng hơn, thiết tạo một thông điệp yêu đương. Để có được điều này, Đỗ Bích Thúy hẳn đã được sống cùng với những tập tục như vậy, và chắc chắn còn là kết quả của một nỗ lực tiếp cận văn hóa.

Lại nữa, nữ nhà văn này thường biểu đạt không gian núi rừng bằng tất cả tổng lực những gì mà các giác quan thu nhận được. Có khi là hương thơm, mùi vị của tạo vật và con người: mùi của một loài hoa, mùi của lá mục trong rừng, mùi của chuồng bò, mùi của tấm chăn lâu ngày không giặt, mùi của mái tóc người yêu, kể cả mùi mồ hôi người mình yêu dấu…  Mùi được nhận biết bằng khứu giác của con người, trước hết được hiểu như một thực tại. Nhưng nhiều khi mùi còn là một ám ảnh của tiềm thức, là hiện hình của vô thức. Ngải đắng trong tâm tưởng nhân vật “tôi” hiện lên như một ký ức không thể tẩy xóa: “Chính cái thứ hương cay cay, ngòn ngọt, nhằng nhặng đắng đã theo riết tôi, đã níu tôi với cả quãng đời thơ ấu bình yên. Có vậy mà từ lúc nào bước chân về bản tôi nghĩ mãi không ra mình thấy thiếu thứ gì mà cứ chông chênh, trống trải” (Ngải đắng ở trên núi). Ở chỗ khác, ngòi bút này lại chú tâm miêu tả những tiếng động đầy ám ảnh: tiếng cá quẫy vào kỳ đẻ trứng, tiếng bước chân của con bò, tiếng dao bập “phầm phập” xuống thớt, tiếng lịch kịch từ căn buồng vọng lại, tiếng mở then cửa trong đêm, tiếng của chân ngựa đang rời xa…Đó là những hương vị và âm thanh rất đặc trưng của đời sống tạo vật và con người vùng cao. Tất cả chúng góp phần tạo dựng nên một bầu sinh quyển vùng cao ám vào từng con chữ trong văn của Thúy.

Sau này, khi bước vào thực tại đô thị với những truyện ngắn như được khoác bộ cánh mới, Đỗ Bích Thúy vẫn không thôi quan tâm tạo dựng không khí truyện. Trong Sương khói mịt mờ, một khung cảnh âm u mù mờ nặng phần tối nhẹ phần sáng như nuốt chửng bà cụ bán chè được đặc tả rất kỹ. Tưởng như thời gian ngưng đọng, sự sống dừng lại, hoài niệm chầm chậm hiện về. Khung cảnh sau cùng: người đàn bà hình dung ra người cha của mình  “run run cầm ấm trà nóng, đưa lên miệng, khói bay mờ mịt hư ảo” càng làm cho câu chuyện bảng lảng một không khí hoài niệm, cổ kính, lớp bụi thời gian. Nhờ cái không khí ám gợi ấy mà câu chuyện có được một sinh khí, một sức sống. Tạo dựng không khí truyện được coi là một năng lực không phải ai cũng có, và ở cùng một tác giả, không phải truyện nào cũng có được. Đỗ Bích Thúy cũng vậy. Ngoài sự tự ý thức, hình như còn là một thứ giời cho…

3. Chuyển dịch và nội lực

Khi một nhà văn đã tạo dựng được những kiểu thức (motif) cho dù có sống động và hấp dẫn bằng mấy cũng là lúc bắt đầu chứa chấp một nguy cơ: trở thành khuôn mẫu. Mà khuôn mẫu chính là chỗ dừng lại của nghệ thuật. Đỗ Bích Thúy đã ý thức được điều này. Chả thế mà mấy năm gần đây chị siêng năng mở rộng vùng đề tài, thể nghiệm và làm mới lối viết. Khi được hỏi lý do xuất hiện một số truyện viết về đời sống đô thị rất khác so với phần lớn truyện viết về miền núi lâu nay, Đỗ Bích Thúy tâm sự rằng: “Không thể (cho bạn đọc -VG) ăn một đặc sản ngày này qua ngày khác”, và: “Tôi viết cái gì cũng rất cẩn thận, đặc biệt khi viết về Hà Nội với những vỉa tầng văn hoá khổng lồ của nó, tôi mới chỉ cảm nhận, chứ chưa thể hiểu thật cặn kẽ, và tôi thường phải nhờ bạn viết, nhờ người đi trước, người hiểu Hà Nội góp ý để không bị sa vào kiểu viết lớt phớt” (3). Đó là một thái độ lao động đáng trọng. Trong những cái viết về đời sống đô thị hôm nay, truyện của Thúy thấy lấp ló mấy chủ đề: đời sống thường nhật của những đôi vợ chồng trẻ, những mẫu người tiêu biểu cho một thế hệ Hà Nội xưa, nói theo cách của nhà văn Nguyễn Khải- những “hạt bụi vàng của Hà Nội” (Một người Hà Nội). Mới thế thôi. Chưa có nhiều để khái quát một điều gì. Nhưng bằng vào những gì tác giả đã công bố, mạch truyện đi vào lớp người xưa với những hoài niệm về phẩm giá và văn hóa của đất kinh thành có vẻ thích hợp hơn với ngòi bút Đỗ Bích Thúy. Trong mấy truyện viết về đô thị kể trên, Sương khói mịt mờ được coi là trội nhất, và thực sự chinh phục bạn đọc. Văn của Thúy không phải hướng vào những cái sẽ là, cũng không hẳn là thế mạnh với những cái đang là. Văn Thúy phần nhiều thích hợp với những cái đã là, những cái đã là lấp lánh ánh sáng của chiều sâu văn hóa và nhân bản. Như vậy, việc chuyển đổi vùng hiện thực như là di chuyển đề tài chưa chắc đã có thể thay đổi vùng thẩm mỹ. Cái mà bạn đọc chờ đợi ở Đỗ Bích Thúy chính là khả năng thay đổi vùng thẩm mỹ nghệ thuật. Nếu cảm hứng mỹ học trước đây của Đỗ Bích Thúy thường hướng về  cái đẹp mỏi mòn, thì nay có vẻ như đang hướng về cái đẹp hoài niệm hoặc cái đẹp của sự yên bình (?)…

Vậy một câu hỏi đặt ra: những bước tiếp theo của Thúy sẽ là như thế nào? Không ai có thể trả lời thay được bằng chính câu trả lời của tác giả.  Chỉ biết rằng hiện Thúy đang cùng lúc “chơi” tản văn, truyện thiếu nhi, truyện ngắn và tiểu thuyết. Chị đang tự vượt thoát chính mình. Có thể một tiểu thuyết lớn về một miền núi cao đang vật vã đổi thay, vật vã sống mới được hoài thai, gói ghém tất cả những gì anh hoa nhất của cả một đời người cầm bút. Có thể một đời sống phố thị từ cái nhìn của một kẻ ngoài lề lại sáng tỏ một minh triết ẩn tàng nào đó…Chỉ biết rằng, phía trước đối với Thúy đang là một thử thách lớn. Để vượt qua, chắc hẳn phải cần một nỗ lực tự chủ tích hợp tri thức và văn hóa.

Trong một khung cảnh văn hóa – xã hội nhiều âu lo hôm nay, không có một người cầm bút nào được miễn trừ trách nhiệm. Có điều, mỗi người biểu đạt trách nhiệm mỗi khác. Với một uy tín văn chương như Đỗ Bích Thúy, người đọc được quyền trông đợi vào một thứ văn học dấn thân hơn nữa trong tư thế của một nghệ sĩ – trí thức thực thụ.

Mặc lòng, với những gì đang thấy, mượn cách nói của GS Hoàng Ngọc Hiến để nói rằng Đỗ Bích Thúy thực sự đã có được những áng văn “sang giá” và “sáng giá”.

Mùng Một tháng Bẩy, 2013

_____________________________

(1) Cả hai tác phẩm do NXB Văn học (phối hợp với Công ty Liên Việt) xuất bản tháng 6-2013.

(2) Tên truyện Sương khói mịt mờ (mặc dầu truyện viết về đô thị) tất yếu dẫn đến khả năng liên tưởng về một khung cảnh miền núi xa khuất, bảng lảng, nhòe mờ, không xác thực. Đó chính là sự lên tiếng của vô thức mà chính tác giả cũng không ngờ tới.

(3) Trong bài Đỗ Bích Thúy:“Không thể có món ăn vừa miệng mọi thực khách”, VN Trẻ số 25, ra ngày 22- 6- 2013.

Nguồn: vanvn.net