Bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” mạ nhũ vàng, bìa bọc da dê, nặng 12 kg là một trong những tác phẩm chế tác thủ công đẹp.

Hoạt động diễn ra từ ngày 25 đến 28/1, tại nhà sách Cá Chép (đường Võ Văn Tần, quận 3), trưng bày 30 ấn bản sách đẹp, là phiên bản giới hạn, được chế tác thủ công với kỹ thuật cao do công ty Đông A phát hành trong ba năm qua.

Nổi bật là bản dịch tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư do các sử thần thời Lê Sơ (1428-1527) và Lê Trung Hưng (1533-1789) biên soạn.

Bộ sách được phát hành năm 2020, chế tác trong một năm, có kích thước 25×30 cm, trọng lượng 12 kg chưa tính hộp. Bìa có lõi ba lớp bằng carton và gỗ MDF, bọc bằng da dê màu vàng nguồn gốc từ Pháp. Các góc cạnh sách có mạ nhũ vàng với hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Hộp sách đầy đủ gồm hai quyển, giấy chứng nhận, dấu sở hữu, hướng dẫn sử dụng và hai tấm sơn mài dùng để đỡ bụng sách.

Phần ruột sách cũng được mạ nhũ vàng tạo nên nét sang trọng cho tác phẩm. Tờ gác thủy ấn hoạ phía sau bìa sách được làm thủ công với đường nét hoa văn tinh xảo.

Thủy ấn họa là phương pháp thiết kế hoa văn trên bề mặt nước tạo ra các tác phẩm có họa tiết tương tự đá hoa cương bằng các loại thuốc nhuộm, dung dịch lỏng hay màu nước với cọ vẽ.

Tác phẩm sau đó được in lên bề mặt của chất liệu thấm nước như giấy, vải và hong khô. Những sản phẩm in từ kỹ thuật này thường được dùng làm mặt giấy viết thư pháp, bìa sách và các trang giấy hoa cương trong các quyển sách. Mỗi bản in đều là những chế tác độc nhất, không lặp lại.

Kỹ thuật thủy ấn có nguồn gốc từ Trung Quốc, thời nhà Đường thế kỷ thứ 9 đã có tài liệu ghi chép về kỹ thuật này. Sau đó, nghề nhuộm giấy này được truyền sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ…

Tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trong Phụng cũng được chế tác thủ công cầu kỳ trong gần hai năm mới hoàn thành. Ấn phẩm này được in lại theo bản in lần đầu năm 1938 của nhà xuất bản Lê Cường và bổ sung tranh minh họa của Thành Phong.

Bìa sách làm bằng da bò, gáy để trần và khâu tay. Hơn 300 trang ruột sách làm từ giấy dó sản xuất tại tỉnh Bắc Ninh. Theo đơn vị sản xuất, sách chế tác lâu do loại giấy này nhiều lông, phải xử lý kỹ trước khi in.

Giấy dó làm từ vỏ những cây dó theo quy trình thủ công, được dùng cho vẽ tranh dân gian Việt Nam, nhất là dòng tranh Đông Hồ. Giấy thường dùng lưu giữ các tài liệu do có độ bền cao.

Nghệ thuật dessin của Nguyễn Đình Đăng vừa được giải thưởng Sách Quốc gia năm 2023. Bản giới hạn tác phẩm được trưng bày có bìa làm bằng da bò màu xanh vàng của Italy. Nội dung sách tổng hợp và hệ thống hóa các kiến thức về nghệ thuật và chất liệu vẽ dessin.

Sách Tết Giáp Thìn 2024 là hợp tuyển văn, thơ, nhạc, họa chủ đề xuân của nhiều tác giả, do Hồ Anh Thái tuyển chọn. Sách in 500 bản bìa cứng, đi kèm hộp đựng tranh sơn mài.

Sách Việt Nam văn hóa sử cương của học giả Đào Duy Anh, một trong những công trình chuyên khảo tổng quát sớm nhất về lịch sử, văn hoá Việt Nam được in lại. Bản giới hạn trưng bày với bìa màu xanh làm bằng da dê của Anh. Trên bìa trang trí bằng các tag đồng, hoa văn nổi bật với biểu tượng chim lạc.

Cuốn hợp tuyển hai tác phẩm Gió lạnh đầu mùa và Hà Nội băm sáu phố phường của nhà văn Thạch Lam được trưng bày. Bìa sách làm bằng da dê màu vàng nghệ từ Pháp, bên trong in tranh của họa sĩ Đào Hải Phong.

Nhiều tác phẩm nước ngoài như Hoàng tử bé, Ngụ ngôn La Fontaine, Nghìn lẻ một đêm, Thái Bình Thiên Quốc diễn nghĩa… được trưng bày. Nổi bật là bộ năm cuốn sách về La Mã viết về lịch sử, thơ văn, kịch… của đế quốc cổ đại từng tồn tại ở châu Âu.

Bộ sách Ngụ ngôn La Fontaine, có bìa cũng bằng chất liệu da dê từ nước ngoài, là tuyển tập 240 truyện thơ cùng 600 tranh minh họa khắc gỗ của họa sĩ người Pháp Gustave Doré.

Cuốn tiểu thuyết Hoàng tử bé của của Antoine de Saint-Exupéry với phần bìa bằng da bò, ép ba màu nhũ vàng, xanh ngọc và đỏ.

Một vài ấn bản cũng được trưng bày tại Lễ hội đường sách Tết Giáp Thìn 2024 trên đường Lê Lợi, quận 1 từ ngày 7 đến 14/2 (tức 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết).

nguồn:https://vnexpress.net/trung-bay-30-cuon-sach-thu-cong-dep-4705881.html