Tác phẩm đề cập đến các vấn đề thuộc văn hóa cổ truyền. Trong đó nhiều nội dung, khái niệm đến nay không còn phổ biến, ít dùng hoặc đã thay đổi, biến nghĩa theo thời gian.

Tác phẩm "Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam" do NNC Hữu Ngọc chủ biên. Ảnh: Đình Ba.
Tác phẩm “Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam” do NNC Hữu Ngọc chủ biên. Ảnh: Đình Ba.

“Vè. Thể loại tự sự dân gian bằng văn vần, phát triển từ TK XVIII đến nay. Và thiên về phản ánh những sự việc đương thời, ca ngợi gương tốt, đả kích thói xấu (phần này nhiều hơn)”.

“Hòn Trống Mái. Ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Hai khối đá lớn, nằm chồng lên nhau trên một quả đồi trông ra biển. Gắn liền với tín ngưỡng phồn thực”.

Trên đây chỉ là hai trong số cả nghìn mục từ được Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam do nhà nghiên cứu Hữu Ngọc chủ biên đề cập. Tác phẩm mới được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, có sửa chữa, bổ sung so với những lần in trước đó. Tham gia biên soạn công trình này là những tên tuổi trong lĩnh vực khoa học xã hội như Chu Quang Trứ, Ngô Đức Thịnh, Đỗ Văn Ninh…

Giới hạn nội dung của tác phẩm, các tác giả nêu rõ trong “quan niệm và quy cách”. Theo đó mốc thời gian được xác định của từ điển về văn hóa cổ truyền là từ thiên niên kỷ I TCN cho đến đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, có những trường hợp để giúp độc giả theo dõi sự tương tác giữa văn hóa cổ truyền và hiện đại, tác phẩm “đưa thêm một số mục từ hoặc chi tiết thuộc thời gian kéo dài đến tháng tám năm 1945”.

Cũng trong tác phẩm này, tiếng là văn hóa cổ truyền, nhưng có sự pha trộn cả văn hóa bác học và văn hóa dân gian. Đồng thời, do tính liên đới, phổ quát của văn hóa, nên không chỉ giới hạn không gian thuần văn hóa, mà mở rộng cả những mục từ liên quan đến sinh thái, môi trường như cách săn bắt một số loài thú trong dân gian.

Để tiện cho độc giả khi đọc, tra từ, các tác giả chia sách thành hai phần. Phần thứ nhất là “Cách tra từ”. Trong phần này chia theo môi trường với các chương về môi trường tự nhiên, môi trường nhân văn, môi trường lịch sử. Mỗi chương lại chia nhỏ theo chủ đề cụ thể. Phần con người chia các chương theo dòng thời gian từ khi ra đời đến khi mất…

Phần thứ hai là “Từ điển” là phần triển khai nội dung các từ đã nêu ở Phần thứ nhất, trình bày theo ABC và là phần chính của tác phẩm. Xác định rõ quy cách thực hiện như vậy, nên Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam giúp độc giả dễ tra cứu, cũng như sự bao quát văn hóa thông qua các mục từ như la bàn định hướng cho độc giả khi cần tìm hiểu mục từ quan tâm.

Giới thiệu tác phẩm này, GS Philippe Papin của Viện Viễn Đông Bác cổ nhận xét đây là “một cuốn từ điển để dạo chơi trong tác phẩm, lang thang từ mục từ này sang mục từ khác, lần giở vài trang rồi lộn lại, nhảy vọt từ trò chơi dân gian sang văn chương bác học, từ nghi lễ đạo giáo sang phẩm phục, từ đền chùa sang ma quỷ, từ đàn nguyệt sang cây thuốc… Mà có lẽ cũng nên lạc đường quên lối, nhờ cuốn sách này, trong khu rừng bao la của văn hóa Việt Nam”.

nguồn zingnews