Nếu có thể thành thật, chỉ ước gì ta chưa bao giờ gặp nhau!
Có những thứ hoặc mối quan hệ, chỉ một lần tình cờ ghé ngang đời nhau, bạn cũng sẽ hiểu được rằng, đó là một mối quan hệ “bền chặt” nhưng để lại nhiều luyến tiếc. Vậy nên sẽ có đôi lần, dù trong cả nhận thức lẫn vô thức, bạn chỉ muốn thốt lên rằng: Ước sao ta chưa từng gặp nhau…
Ngày tôi gặp em tình thôi ngủ quên
Yêu em bỏ hết lo âu
Ngỡ như tháng ngày tìm em
Ngỡ ta bước ra từ nhau
Đó là những ca từ trong ca khúc Ước sao ta chưa gặp nhau của nhạc sĩ Dũng Đà Lạt do Uyên Linh thể hiện. Một khúc tình ca, một khúc tự sự với đầy sự luyến tiếc của người trong cuộc rằng, cũng có thể là, giá như chúng ta gặp nhau “lúc anh chưa ràng buộc và em chưa thuộc về ai”. Thế nhưng, cuộc đời luôn là vậy, chữ giá như luôn đi kèm với những tiếng thở dài, những nỗi niềm.
Người viết có một người bạn. Chị năm nay đã gần sáu mươi tuổi, cuộc sống viên mãn, hạnh phúc đề huề bên con cháu. Vậy nhưng, đôi lần trong những câu chuyện, chị có nhắc tới một người, một người mà chị gọi là “người tình tâm tưởng”. Đó là một người đàn ông mà chị đã gặp sau khi đứa con đầu lòng đã lớn, bước vào tuổi đi học. Họ bằng cách nào đó quen, nói chuyện và thân thiết với nhau. Cả hai đều biết họ sinh ra để dành cho nhau, nhưng rồi thật kém may mắn họ tìm thấy nhau khi mọi chuyện đã muộn màng. Chị đã có gia đình và anh cũng không còn ở một mình. Họ giữ mối quan hệ đó, trân trọng và nâng niu nó, chưa bao giờ đi quá xa để cảm thấy có lỗi với vợ/chồng.
Chị nói rằng, lúc đầu chị tưởng rằng đó chỉ là một cơn “say nắng” đơn giản nhưng rồi càng lúc chị càng hiểu, mối quan hệ đó lớn hơn là những xao động thông thường. Họ ngồi nghe nhau kể chuyện đời, họ gỡ rối những mối nối trong cuộc đời nhau, họ dành tặng nhau sự quan tâm như những người tri kỷ, trân quý nhau bằng tình thương vô bờ bến.Nhưng mãi mãi chỉ là như vậy.
Sự ràng buộc cùng tính thời cuộc khiến họ mãi mãi chỉ là những “người tình tâm tưởng” bởi hạnh phúc gia đình, cái nhìn của xã hội và sự tổn thương của con cái buộc họ phải hy sinh mối quan hệ như duyên tiền định. Có thể, ở vào tuổi sáu mươi, khi cuộc đời đã đi gần hết để nhìn lại, người phụ nữ đó thấy nhẹ nhàng và may mắn, nhưng chắc rằng, một lúc nào đó trên chặng đường đã đi, chị ước sao hai người có thể đến được với nhau, ước sao được là của nhau như sự im lặng của chị khi tôi hỏi những ý tương tự vậy. Đó là một sự nuối tiếc nhưng giờ nếu được chọn làm lại, tôi không chắc chị đủ mạnh mẽ hơn để vứt bỏ tất cả chạy theo mối quan hệ đó. Mọi thứ dở dang, lỡ làng đôi khi lại bất diệt cũng vì lẽ đó.Thế nhưng, có bao giờ bạn tự hỏi, thà rằng mình không biết hoặc đừng đến khi cả hai không còn tự do còn tốt hơn là khi đến bên ai đó mà tâm tưởng họ vẫn bị “trói buộc” bởi mối quan hệ đã qua? Sự thật là có những mối quan hệ như vậy.
Có lẽ cũng chính bởi vậy mà tình yêu ngàn đời vẫn luôn được mặc định là “mù quáng”. Nói đơn giản là A theo đuổi B cả mấy năm trời nhưng B lại vẫn dành tình cảm cho một C nào đó dù quan hệ của họ đã đổ vỡ. Sự đau khổ dường như không chỉ dành cho A, nó cũng là của B nữa bởi chắc chắn một điều rằng, sự tốt đẹp của A hẳn nhiên B biết, hiểu nhưng sẽ chẳng làm gì khác bởi tất cả những gì có thể cho đi được, có thể rung động được B đã dành cho một hình bóng khác. Và có người sẽ hỏi tại sao không kết thúc để làm lại từ đầu? Mọi chuyện đâu có dễ thế khi một người đã quen mặt, quen tính nhưng mãi không thể bước qua giới hạn “hơn bạn dưới yêu” thì dù có bắt đầu lại, có làm mới lại thật nhiều lần cũng khó mà có thể đánh bật được hình bóng cũ vẫn ám ảnh đối phương. Sự kiên nhẫn hay si tình là một giá trị nhưng đôi khi cũng chính chủ nhân của chúng ước rằng: Giá như mình gặp nhau sớm hơn, biết đâu mọi chuyện sẽ khác.
Lại là một câu giá như trong một hoàn cảnh khác.Trong một phim ngắn quảng cáo cho một nhãn đồ ăn nhanh, câu chuyện được kể cũng tương tự như chủ đề bài viết này đưa ra, nhưng may mắn rằng, kết thúc có hậu hơn. Câu chuyện có tên: “Đến ba mươi tuổi tớ vẫn một mình, cậu hãy lấy tớ nhé!”. Một cô gái chơi thân với một chàng trai từ thời phổ thông. Chàng trai lặng lẽ đi bên cạnh cô gái qua bao biến cố, qua bao cuộc chia tay đầy nước mắt, âm thầm chăm sóc, quan tâm tới người bạn mà anh đã yêu từ lâu nhưng chỉ dám dừng lại ở mức bạn thân. Cô gái mải miết chạy theo những cuộc tình đẫm nước mắt để rồi cuối cùng cũng là lúc cô gọi cho anh chàng hẹn gặp để trao thiệp cưới. Nhưng, đám cưới đó đã được hủy bởi những vấn đề chỉ cô gái mới hiểu và cũng bởi cô nhớ tới lời hứa năm xưa của chàng trai khi chỉ còn một ngày nữa là đến sinh nhật tuổi ba mươi. Một cái kết mở nhưng vui vẻ và hạnh phúc để những người xem tự hỏi rằng: Liệu có ai sẽ đến để bắt/yêu cầu mình thực hiện lời hứa như vậy?
Thật khó để trả lời nhưng chúng ta vẫn tin rằng, đâu đó trong đời sống này, có ai đó vẫn đang đợi mình. Nhưng, lại nhưng, chúng ta có chắc rằng chúng ta tìm được “ai đó” đúng thời điểm không? Lại một câu hỏi khó nữa mà để trả lời chắc mất cả đời người mới có đáp án chính xác.
Xin được mượn câu nói trong tác phẩmYêu đúng lúc, gặp đúng người của nhà văn Cố Tây Tước để kết cho bài viết này, như một dấu chấm than nhiều trăn trở vốn có dành cả cuộc đời cũng khó mà hiểu hết nghĩa của một chữ “Yêu”.
Đúng thời điểm gặp đúng người là hạnh phúc
Đúng thời điểm gặp sai người là bi thương
Sai thời điểm gặp đúng người là tiếc nuối
Sai thời điểm gặp sai người là bất đắc dĩ.
Tác giả: Nguyễn Hà
Nhà xuất bản: NXB Văn Hóa – Văn Nghệ
Công ty phát hành: NXB Văn hóa – Văn nghệ
Có thể bạn muốn xem
Giỏ quà sách thay lời chúc ý nghĩa đầu xuân
Suối nguồn tươi trẻ 2
100 nhà khoa học vĩ đại thay đổi thế giới
TP Hồ Chí Minh khai mạc Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024
Trói buộc
Content Đắt Có Bắt Được Trend
Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ – Vè Nam bộ
Muji – Đơn giản là hoàn mỹ
Đi Bộ Xuyên Việt Với Cây Đàn Guitar