Jennifer Doudna – nhà khoa học dẫn dắt cuộc cách mạng sinh học – ám ảnh về tính nhân văn trong công trình của bà, theo “Viết lại mã sự sống”.

Việc “tái tạo” con người lâu nay vẫn là một ý tưởng chỉ có trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Song, công nghệ hiện nay cho chúng ta thấy điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra, đồng thời đưa đến những cuộc thảo luận, tranh cãi chưa có hồi kết về việc nhân loại đối mặt vấn đề này thế nào.

Những hứa hẹn lẫn mối nguy đến từ công nghệ chỉnh sửa gene thu hút sự chú ý của nhà viết tiểu sử Walter Isaacson. Ông là nhà báo người Mỹ, tác giả của nhiều cuốn sách về các nhân vật nổi tiếng như Benjamin Franklin, Einstein, Steve Jobs, Leonardo da Vinci, Elon Musk.

Ra mắt vào năm 2021 tại Mỹ (được dịch sang tiếng Việt vào cuối năm 2023), Viết lại mã sự sống là nỗ lực của Walter Isaacson trong việc tìm hiểu về những gì diễn ra trong các phòng thí nghiệm, những con người đã làm nên cuộc cách mạng công nghệ CRISPR và cả những tranh cãi xung quanh. Đây cũng là một tác phẩm nghiên cứu sâu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà hóa học Jennifer Doudna, người có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực chỉnh sửa gene và công nghệ CRISPR.

Nhà báo, nhà viết tiểu sử Walter Isaacson. Ảnh: Vanity Fair
Nhà báo, nhà viết tiểu sử Walter Isaacson. Ảnh: Vanity Fair

Jennifer Doudna (sinh năm 1964) là một nhà hóa sinh, giáo sư tại Đại học California (Berkeley, Mỹ). Bà được biết đến với vai trò là người tiên phong trong lĩnh vực chỉnh sửa gene CRISPR – công trình đã giúp bà đoạt giải Nobel Hóa học năm 2020.

Cuốn sách bắt đầu với thời thơ ấu của Jennifer Doudna, sự hình thành mối quan tâm của bà đối với khoa học và cuối cùng là hành trình phát triển công nghệ CRISPR của bà cùng các đối thủ, đồng nghiệp. Đó là câu chuyện của những nhà khoa học mang trong mình sự tò mò vô tận, vừa háo hức tiến vào vùng đất mới của khoa học, vừa lo sợ trước những gì họ khám phá.

Được đánh giá là một trong những phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 21, công nghệ CRISPR và phương pháp CRISPR-Cas9 cho thấy những khả năng mới trong điều trị bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và thậm chí làm thay đổi bản chất của các sinh vật.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên chỉnh sửa chính mình để chống chịu tốt hơn với virus không? Hoặc liệu con người sẽ giành lấy vai “Thượng đế” để kiểm soát gene của chính mình, tạo ra những đứa trẻ hoàn hảo về mặt sinh học? Sẽ ra sao nếu con người mất kiểm soát và gây ra những thảm họa không thể cứu vãn?

Ít ai biết rằng Jennifer Doudna – nhà khoa học trầm tính và quyết đoán dẫn dắt cả một cuộc cách mạng sinh học – đã bị ám ảnh về công trình của bà trong nhiều năm. Khi liên tục mơ thấy Hitler đến tìm bà và hỏi về công nghệ mới, trong thâm tâm nhà khoa học nhiệt tình và táo bạo này cũng dấy lên mối lo ngại về tương lai. Khi tiếp tục nghiên cứu, Doudna cũng tham gia vào các dự án chống lạm dụng công nghệ chỉnh sửa gene trên thế giới.

“Bằng việc kể câu chuyện của bà, tôi hy vọng đem lại một cái nhìn cận cảnh về cách giới khoa học đang làm việc. Điều gì thực sự diễn ra trong phòng thí nghiệm? Các khám phá phụ thuộc đến mức nào vào sự xuất sắc của các cá nhân, và khả năng làm việc nhóm trở nên quan trọng tới đâu? Liệu rằng sự cạnh tranh về các giải thưởng và bằng sáng chế có làm giảm đi sự hợp tác không?”, Isaacson viết trong phần dẫn nhập.

Viết lại mã sự sống cho NXB Thế giới và Omega+ phát hành vào tháng 11/2023. Ảnh: Omega+
Viết lại mã sự sống cho NXB Thế giới và Omega+ phát hành vào tháng 11/2023. Ảnh: Omega+

Với kinh nghiệm viết sách về nhiều lĩnh vực, nhất là khoa học và công nghệ, Walter Isaacson giúp người đọc phổ thông dễ dàng nắm bắt bản chất của một công nghệ phức tạp như CRISPR. Ông cung cấp một góc nhìn đa chiều khi thảo luận về các ứng dụng của công nghệ trong lĩnh vực y học, nông nghiệp, và cả những vụ việc chấn động liên quan đến chủ đề này, như vụ của Hạ Kiến Khuê – nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố tạo ra em bé biến đổi gene đầu tiên vào năm 2018.

Đối với những thách thức đạo đức và xã hội liên quan đến việc sử dụng công nghệ, Walter Isaacson tiếp cận với một thái độ thận trọng nhưng vẫn đầy hy vọng về một tương lai tốt hơn cho nhân loại. Ông cho rằng những phát minh này có thể mang lại nhiều cơ hội và thách thức. Việc hiểu rõ và kiểm soát tốt các phát minh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai con người.

Qua Covid-19, khi công nghệ CRISPR chứng minh được khả năng giúp con người phát hiện và chống chọi với virus một cách nhanh chóng, Isaacson càng có thêm niềm tin vào khả năng ứng dụng của công nghệ.

Theo Isaacson, để dẫn đường, nhân loại sẽ không chỉ cần các nhà khoa học, mà còn cần cả các nhà nhân văn, đặc biệt là những người có thể nắm giữ cả hai vai trò như Jennifer Doudna. “Không phải mọi thứ đều cần được quyết định ngay lập tức. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách hỏi xem mình muốn để lại thế giới như thế nào cho đời sau”, ông gợi ý trong đoạn cuối của sách.

nguồn: vnexpress.net