Tác giả Kevin Chen lồng ghép những truyền thuyết kinh dị để nêu lên những vấn đề của xã hội Đài Loan, trong sách “Vùng đất quỷ tha ma bắt”.

Vùng đất quỷ tha ma bắt (tên tiếng Anh: Ghost Town, Nguyễn Vinh Chi dịch) dày 413 trang, do Nhà xuất bản Hà Nội liên kết công ty Nhã Nam phát hành cuối tháng 3, được tái bản bốn lần. Tác phẩm gồm 45 chương, lấy bối cảnh huyện Vĩnh Tĩnh (Đài Loan), kể về gia đình bảy anh chị em nhà họ Trần, cùng những ẩn ức tâm lý của mỗi người.

Bìa sách "Vùng đất quỷ tha ma bắt" của Kevin Chen. Ảnh: Nhã Nam
Bìa sách “Vùng đất quỷ tha ma bắt” của Kevin Chen. Ảnh: Nhã Nam. Link mua sách tại đây

Nhân vật chính là người con trai út, Trần Thiên Hoành. Sau khi mãn hạn tù vì tội giết bạn đời đồng tính ở Đức, Thiên Hoành trở về quê cũ để tang cha. Hơn chục năm trước, chàng trai mâu thuẫn với mẹ vì công khai là người đồng tính, rời gia đình và “vùng đất quỷ tha ma bắt” Vĩnh Tĩnh để sang Đức sinh sống, bắt đầu sự nghiệp văn chương. Sau đó, Thiên Hoành phải trở về quê khi hay tin cha mất.

Tác giả gọi quê nhà là “quỷ tha ma bắt”, ý chỉ hoang vắng, xa xôi so với đô thị văn minh. Thời kỳ kinh tế Đài Loan vươn lên mạnh mẽ, vùng đất nhỏ không bắt kịp tiến độ, “hàng loạt nhân khẩu nông thôn chuyển ra bên ngoài, lớp trẻ rời quê rồi không trở về nữa, quên luôn địa danh này, bỏ lại thế hệ già yếu không rời đi được”. Trong tiếng Hoa, tên gọi “vĩnh tĩnh” của quê nhà vốn là lời cầu chúc, nhưng theo Vĩnh Hoành, đó là lời nguyền vì anh có cảm giác nơi đây yên lặng đến đáng sợ.

Yếu tố văn hóa bản địa đóng vai trò then chốt, xuất hiện xuyên suốt tác phẩm. Vĩnh Hoành vốn sinh ra ở vùng quê nghèo với vô vàn tập tục, lễ nghi mê tín dị đoan. Để nhấn mạnh những chi tiết hủ tục và xây dựng không khí ma mị, hư ảo cho tiểu thuyết, mạch truyện chính diễn ra trong vòng 24 giờ, vào ngày rằm tháng Bảy, cũng là lúc các con về để tang người cha đã khuất. Theo phong tục, đây là dịp mở cổng địa ngục, các linh hồn có cơ hội trở lại dương gian, có nhiều câu chuyện, truyền thuyết kinh dị và những kiêng kị xoay quanh sự kiện này.

Bằng bút pháp miêu tả, Kevin Chen dành nhiều thời lượng của câu chuyện để kể về những hủ tục nhất định phải làm vào ngày rằm tháng Bảy, từ đó hé lộ sự thật đằng sau những điều bí ẩn, giúp độc giả ấn tượng với tác phẩm.

Ví dụ, trong sách có đoạn: “Có rất nhiều ma quỷ nơi thôn dã, chúng sống trong lời kể của mọi người. Phía trước dãy nhà này có vạt rừng tre rậm rạp, người ta nói có ma nữ phất phưởng, đừng bao giờ đến gần. Ma nữ trong rừng tre là người đàn bà bị cưỡng hiếp thời kỳ Nhật thuộc, trinh tiết bị vấy bẩn còn bị nhà chồng đuổi ra khỏi cửa, bèn vào rừng tre treo cổ tự tử, từ đó thành ma, chuyên dụ dỗ đàn ông trẻ. Đêm đến chó sủa nhặng lên, hay còn gọi ‘chó cắn ma’, theo lời mẹ gã, chính là gia súc gặp ma, ngủ cho mau, không được mở mắt, bằng không sẽ nhìn thấy ma, thứ không nên nhìn thì chớ nhìn, cho dù nhìn thấy cũng không được nói ra, nhìn thấy thì chạy ngay, chạy mãi chạy mãi, chạy đến khi ma không đuổi kịp mới thôi”.

Theo cách diễn giải của tác giả, sách không chỉ dừng lại ở việc miêu tả vùng đất hoang vắng, bị bỏ quên, nhiều ma quỷ mà còn là nơi lẩn khuất và u uẩn trong tâm trí, nơi mỗi người khóa chặt những gì sâu kín, khó chia sẻ và buông bỏ. Mỗi chương trong tiểu thuyết đại diện cho một giọng kể khác nhau, lần lượt cho từng thành viên trong gia đình có cơ hội nói ra câu chuyện của mình, thậm chí đó là người cha đã khuất.

Tác phẩm là sự kết hợp và dung hòa của nhiều phong cách viết: Hiện thực huyền hảo, hài kịch đen và bí ẩn giật gân. Mở đầu bằng những truyền thuyết ma mị và không khí oi bức, ngột ngạt của một vùng quê còn nhiều định kiến. Cho đến cuối truyện, tác giả chỉ ra con người mới là thứ đáng sợ nhất. Nỗi bất hạnh của các nhân vật đều tới từ “vùng đất quỷ tha ma bắt” trong tâm trí của họ, kìm kẹp và đóng khung suy nghĩ, thúc ép họ làm những điều “ma xui quỷ khiến”.

Trong buổi giao lưu ở Hà Nội hôm 27/7, Kevin Chen quan niệm văn thơ là hình thức nói lên tiếng lòng, lấy hiện thực cuộc sống làm chất liệu cho nghệ thuật. Kevin khuyến khích độc giả viết ra nỗi lòng vì mỗi người đều có câu chuyện để kể, cho dù là những dòng tâm sự trên mạng xã hội.

Sách mở đầu bộ ba tuyển tập Mùa hè, được xuất bản tại nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Hy Lạp, Ba Lan. Năm ngoái, Vùng đất quỷ tha ma bắt được giới thiệu trong danh sách tác phẩm nên đọc trong mùa thu của tờ The New York Times, vào top 10 tiểu thuyết hay nhất năm 2022 do Library Journal bình chọn.

Kevin Chen, 47 tuổi, sinh tại huyện Chương Hóa (Đài Loan), là con thứ chín trong gia đình thuần nông. Tác giả tốt nghiệp khoa tiếng Anh Đại học Công giáo Phụ Nhân – Viện Hý kịch Đại học Quốc gia Đài Loan, từng đoạt hạng nhất truyện ngắn Giải văn học Lâm Vinh Tam, được vinh danh tiểu thuyết của năm ở Giải văn học thiếu nhi hiện đại Cửu Ca. Hiện Kevin sống tại Berlin, Đức.

nguồn:https://vnexpress.net/vung-dat-quy-tha-ma-bat-dai-loan-qua-goc-nhin-kevin-chen-4635479.html