Hội Nhà văn TPHCM vừa phối hợp Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc, cùng một số đơn vị tổ chức buổi giao lưu Gặp gỡ văn chương Việt – Hàn. Một lần nữa, câu chuyện xuất khẩu văn chương Việt lại được nhắc đến đầy sôi nổi với nhiều hy vọng.

Sự bứt phá của văn học Hàn Quốc

Xét trong khoảng 10 năm trở lại đây, văn học Hàn Quốc đã có những bước tiến dài không chỉ trong khu vực mà cả thế giới. Năm 2011, tác phẩm Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung-Sook được dịch và xuất bản ở 31 nước, phá kỷ lục sách bán chạy của The New York Times (in lần đầu 100.000 bản); năm 2012, tác phẩm đoạt giải Man Asia Literary.

Đến năm 2016, Người ăn chay của Han Kang đoạt giải Man Booker quốc tế (lần đầu tiên cho văn học châu Á), được dịch ra 22 ngôn ngữ. Xa hơn, nhà thơ Ko Un có thơ được dịch và xuất bản bằng 25 ngôn ngữ, 3 lần được đề cử giải Nobel.

Tại Việt Nam, văn học Hàn Quốc hiện diện với hàng loạt cái tên như Kim Young Ha, Hwang Sun-mi, Hae Min, Gong Ji Young, Cho Chang In… Gần đây, cùng lúc NXB Trẻ giới thiệu đến bạn đọc 2 tập truyện ngắn đến từ xứ sở Kim chi, gồm: Sewol của Bang Hyun Suk và Niềm vui và nỗi buồn của công việc của Jang Ryu Jin. Qua Nhã Nam, nhà văn Shin Kyung-Sook trở lại với tiểu thuyết Hãy về với cha, được đông đảo độc giả yêu thích.

Ở chiều ngược lại, văn học Việt Nam vẫn đang là ẩn số với người đọc xứ Kim chi. Số tác phẩm Việt Nam được dịch và xuất bản tại Hàn rất hạn chế, có thể kể đến một số tác phẩm đương đại gần đây như: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); Người đàn bà trên đảo, Trong sương hồng hiện ra (Hồ Anh Thái); Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê); Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), Chúa đất (Đỗ Bích Thúy), tuyển tập Có thể có, có thể không gồm 9 truyện ngắn của 6 nhà văn Việt Nam…

Lý giải về sự trỗi dậy của văn học Hàn Quốc, nhà văn Pyun Hye-young (được biết đến tại Việt Nam với 2 tác phẩm Hố đen sâu thẳm và Tro tàn sắc đỏ) cho biết, ngay từ những năm 90, chiến lược đưa văn học Hàn Quốc ra thế giới là một phần trong chiến lược toàn cầu hóa văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Trong đó, cơ quan quan trọng nhất là Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc. Đây là nơi có nhiều chương trình hỗ trợ cho xuất bản, dịch thuật; hỗ trợ cho đào tạo dịch thuật cả trong và ngoài nước.

Nhà văn Pyun Hye-young (giữa) cùng các tác giả của TPHCM tại chương trình Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn
Nhà văn Pyun Hye-young (giữa) cùng các tác giả của TPHCM tại chương trình Gặp gỡ văn chương Việt – Hàn

“Ngoài ra, bản thân các tác giả Hàn Quốc cũng nhận thức được một vấn đề là phải đưa tác phẩm văn học ra thế giới. Vì vậy, trong quá trình sáng tác, họ chủ động chọn những chủ đề, bút pháp để có thể tiếp cận độc giả thế giới”, nhà văn Pyun Hye-young nói thêm.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

TS Lê Đăng Hoan là một dịch giả có nhiều năm miệt mài giới thiệu các tác phẩm văn học Hàn Quốc sang Việt Nam. Đến nay, ông đã dịch được 7 tập thơ và 2 tiểu thuyết văn học Hàn Quốc sang tiếng Việt, trong đó có những tập thơ nổi tiếng như Bài hát ngày mai (Ko Un), Khi hoa mẫu đơn nở (Kim Young-rang), Nỗi nhớ quê hương (Jeong Ji-yong)… Trong sự quan sát của mình, ông cho rằng, sự khác nhau giữa việc dịch văn học Hàn Quốc và Việt Nam đó là sự đầu tư của Nhà nước.

“Nếu không có sự tài trợ của Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc và Quỹ Văn hóa Daesan thì văn học Hàn Quốc không thể nào dịch sang tiếng Việt được. Các tác phẩm được dịch hiện nay có đến 70%-80% là nhờ 2 cơ quan này”, TS Lê Đăng Hoan cho biết.

Cũng theo TS Lê Đăng Hoan, hiện việc dịch tác phẩm Việt Nam sang tiếng Hàn đa phần là cá nhân. Điển hình như dịch giả Ahn Kyong Hwan, người dịch các tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam như: Truyện Kiều, Nhật ký trong tù, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Những năm tháng không thể nào quên… đã phải tự bỏ tiền túi hoặc tìm kiếm cơ hội tài trợ từ các cơ quan, doanh nghiệp Hàn Quốc.

Nhà văn Pyun Hye-young bày tỏ: “Để có thể giới thiệu các tác phẩm văn học ra thế giới chắc chắn không thể nào dựa vào sức của một cá nhân, hay một đoàn thể nhỏ nào đó, mà bắt buộc phải có sự tham dự, hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan chính quyền có liên quan. Có như vậy chúng ta mới làm được công việc to lớn và có ý nghĩa này”.

Tính đến năm 2021, Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc (trực thuộc Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc) đã tổ chức dịch thuật và xuất bản 1.695 đầu sách văn học với gần 40 ngôn ngữ. Hiệu quả của Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc có thể xem là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam nếu muốn đưa văn chương Việt đến với bạn đọc quốc tế.

Theo một số liệu chưa đầy đủ, từ năm 1992 đến nay, đã có hơn 300 ấn phẩm của Hàn Quốc được dịch sang tiếng Việt với nhiều thể loại khác nhau như: tiểu thuyết, truyện tranh, tản văn, truyện ngắn, sách nghiên cứu, giáo trình, thơ…

Nhiều đơn vị xuất bản tích cực khai thác văn học Hàn Quốc để giới thiệu đến độc giả trong nước như NXB Trẻ, NXB Phụ nữ Việt Nam, NXB Tổng hợp TPHCM, Nhã Nam, AZ Việt Nam…

nguồn:https://www.sggp.org.vn/xuat-khau-van-chuong-viet-cau-chuyen-tu-han-quoc-post698157.html