Nếu cuộc đời Đề Thám là một khúc tráng ca, thì cuộc đời con gái ông (Hoàng Thị Thế) lại là một cuộc phiêu lưu, vừa thống thiết lại vừa mỹ lệ. Chỉ bằng yếu tố là con gái của ông thôi, thì bà đã trở thành quân bài của những sách lược chính trị vừa trâng tráo, lại vừa khôi hài và không bao giờ khoan nhượng. Nếu tuổi thơ của Hoàng Thị Thế là một giai đoạn êm ấm hạnh phúc bên gia đình và dư giả về vật chất, thì cuối đời bà lâm vào cảnh khốn cùng về tình cảm lẫn kinh tế trong khi giữa hai thời điểm đó, bà trải qua những giây phút mật thiết với nhiều nhân vật cấp cao của nền Cộng hòa Pháp, giao du với giới thượng lưu Paris và đã đạt được tiếng tăm trong sự nghiệp điện ảnh ngắn ngủi của mình.

Tác giả: Claude Gendre
Dịch giả: Thanh Thư
Nhà xuất bản: NXB Hà Nội
Công ty phát hành: Omega Plus

Hồi ký của bà, mặc dù không đầy đủ (viết vào năm 1963, tức hai mươi lăm năm trước khi mất), đã được con cháu của Đề Thám chia sẻ. Hồi ký đó cho phép chúng ta biết những sự kiện nào và những nhân vật nào là quan trọng nhất đối với bà trong suốt nửa đầu cuộc đời. Đồng thời, nó cũng cho phép chúng ta hình dung rõ nét hơn vai trò người cha, người chồng của Đề Thám vốn chỉ được lịch sử ghi nhận như là một thủ lĩnh kháng chiến. Bị những thế lực lớn thao túng, Hoàng Thị Thế buộc phải đi những con đường mà bà không chọn lựa. Tới khi không còn giá trị lợi dụng về mặt chính trị nữa, thì bà bị ruồng bỏ và lâm vào cảnh khốn quẫn.

Đây không phải là một tác phẩm hư cấu. Tất cả mọi nhân vật được đề cập đều có thật, tất cả mọi sự kiện được kể ra đều xác thực.

NHẬN XÉT:

“Xung quanh việc tái hiện cuộc đời lý thú của con gái Đề Thám, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại ngoài những phát hiện mới đây của sử liệu Việt Nam. Về hồi ức thuộc địa, cũng là một sự im lặng lớn lao. Đấy là lý do ta nên đọc tác giả tập tiểu luận sau.

Phong cách của ông là một sự pha trộn phức tạp giữa nhà chép sử, nhà báo và người viết hồi ký. Vậy nên tác phẩm là sự giao thoa của ký ức lịch sử và ký ức tập thể, của huyền thoại thế kỷ và những hồi tưởng cá nhân. Để đối chiếu những nguồn tư liệu lịch sử đó thì ít nhất phải hiểu rõ đâu là ký ức của Hoàng Thị Thế, thậm chí phải chú giải hoặc cải chính như Philippe Papin đã từng làm đối với cuốn nhật ký Một chiến dịch ở Bắc kỳ của bác sĩ Hocquard.

[…]

Nếu là tác giả của tiểu luận này, tôi sẽ thận trọng với những nguồn sử liệu chưa minh bạch và chờ đợi những nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt là tư liệu liên quan tới thời thơ ấu và tuổi thiếu niên của Hoàng Thị Thế, thậm chí phải bám sát hơn nữa vào những ký ức tuổi thành niên, số phận bôn đào ở Pháp, sự nghiệp điện ảnh ngắn ngủi hay thậm chí là quãng đời đơn độc, cuộc trở về Việt Nam để ghi nhận vai trò người hùng của cha bà đối với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Nhưng tôi nghiêng mình trước lựa chọn của tác giả và tôn trọng ông cũng như chúc ông được thành công.”

Trịnh Văn Thảo