Nhà văn Israel David Grossman viết về giá trị của tình yêu thuần khiết trên hành trình trưởng thành, trong “Ai đó chạy cùng ta”.

Từng là nhà báo, tiểu thuyết gia David Grossman lấy hiện thực làm nền móng cho câu chuyện. Để khắc họa chân thực tâm lý nhân vật trong Ai đó chạy cùng ta, David đã dành thời gian dài tìm hiểu và tiếp xúc với những thiếu niên vô gia cư tại Israel.

Tiểu thuyết xuất bản tại Israel năm 2000, được công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành cuối tháng 11, do Huyền Vũ dịch. Ảnh: Nhã Nam cung cấp

Sách xoay quanh cậu thiếu niên 16 tuổi Assaf. Một ngày nọ, Assaf vô tình cuốn vào hành trình nguy hiểm và kỳ quặc để tìm lại chủ của một con chó đi lạc. Cậu gặp gỡ cô gái bí ẩn tên Tamar – người cũng đang trong cuộc phiêu lưu của riêng cô – và dần nảy sinh rung động.

Tác phẩm kết hợp giữa thể loại trinh thám và tình cảm. David Grossman đã đan cài mảnh đời của hai con người bình thường cùng những sự kiện bất thường xảy đến với họ. Ông tập trung khắc họa tình yêu thuần khiết đầu đời với nét hồn nhiên, dễ thương. Từ đó, truyền tải những bài học và ý nghĩa về sự trưởng thành.

Assaf dành kỳ nghỉ hè của mình để làm công việc bàn giấy trong văn phòng Tòa thị chính. Cuộc sống của cậu yên bình do tính cách thụ động trước mọi vấn đề. Cậu không đối diện và giải quyết những khó khăn.

Đối lập Assaf hiền lành và nhu nhược, Tamar nhanh nhẹn, sắc sảo, mạnh mẽ và có phần liều lĩnh. Mặc dù vậy, cô cũng gặp những vấn đề về gia đình và tình bạn. Khi Tamar lao vào chốn nguy hiểm để giành lại anh trai, hai người bạn thân thiết nhất ngó lơ cô để tham gia chuyến lưu diễn toàn quốc. Tamar nhận ra cô đã bị những người bạn lâu năm bỏ rơi.

Cuối tác phẩm, Tamar và Assaf trưởng thành hơn, học được cách thoát khỏi con người và cuộc sống cũ, đón nhận bản ngã mới, hòa nhập với thế giới xung quanh.

Khi hát cho Assaf nghe, Tamar cảm thấy “giọng cô đã thay đổi, một thay đổi rất nhỏ, như thể sự trong trẻo thơ trẻ trong đó đã hoàn toàn biến mất và được thay thế bởi một thứ gì đó mới mẻ lạ lẫm”. Với cô, “nó gần như một trải nghiệm huyền bí, có cảm giác như mọi sự vật sự việc trong vũ trụ này đều đang ở vào đúng vị trí của mình”. Đối với Assaf, cậu thấy “toàn bộ cuộc đời cậu trước thời khắc này chỉ là một màn giới thiệu, một sự khởi động; rằng cuối cùng thì cậu cũng đang bắt đầu sống”.

Qua câu chuyện của hai nhân vật chính, tác phẩm còn phản ánh thực trạng xã hội Israel với những mặt tối, nêu bật giá trị của tình yêu trên nền hiện thực: tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình hay giữa con người và vật nuôi. Tác giả cũng miêu tả và khắc họa những nét đẹp của cảnh vật, văn hóa, con người Israel.

Trong sự kiện ra mắt sách tại Hà Nội ngày 23/11, nhà văn Hiền Trang, biên tập viên Trần Linh và Đức Anh nói về những giá trị, liên hệ của bản thân với cuốn sách. Theo các diễn giả, tác phẩm mang tới nhiều bài học nhân văn. Thay vì đi theo hướng đen tối và sử thi, tác giả kể một câu chuyện lạc quan, đời thường. Độc giả từ nhiều độ tuổi đều có thể đồng cảm với một số nhân vật, chi tiết. Sách cũng khắc họa rõ nét vẻ đẹp của nghệ thuật và âm nhạc.

David Grossman (sinh năm 1954) là nhà văn người Israel. Các tác phẩm của ông được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và giành nhiều giải thưởng. Cuốn Con ngựa bước vào quán bar mang lại giải Man Booker Quốc tế 2017 cho David. Năm 2018, ông được trao tặng Giải thưởng Israel – giải thưởng văn hóa cấp nhà nước – sau khi từng từ chối nhận giải năm 2015 vì lý do chính trị.

nguồn: https://vnexpress.net/sach-ai-do-chay-cung-ta-hanh-trinh-truong-thanh-4539044.html