Theo The Conversation, vào cuối thế kỷ 18, khi chủ nghĩa dân tộc, đề cao “nam tính” phát triển mạnh tại Anh, vẫn có một số nhà tư tưởng, trong đó có các nữ nhà văn, ủng hộ đổi mới.

Có ba nữ nhà văn Anh lúc đó đã bị chế giễu, hạ thấp vì lối viết mang tinh thần cấp tiếp rõ ràng. Tiểu thuyết của họ kể về những nữ anh hùng vượt lên mọi khó khăn, không tuân theo lề lối cũ, chống lại những cuộc hôn nhân cưỡng ép để cuối cùng hướng đến sự giải phóng về đạo đức, trí tuệ và tự chủ về kinh tế. Ngày nay, các giá trị này của họ đang được tôn vinh, đó là Mary Wollstonecraft, Charlotte Smith và Mary Robinson.

Mary Wollstonecraft (1759-1797)

Được coi là người tiên phong của làn sóng nữ quyền đầu tiên ở Anh, Mary Wollstonecraft được biết đến nhiều nhất với cuốn sách A Vindication of the Rights of Women (Minh chứng cho quyền của phụ nữ) (1962). Nhưng ngoài ra bà còn viết một tác phẩm hư cấu song hành với cuốn sách trên.

Mary Wollstonecraft cũng có nhiều trải nghiệm tương tự với nhân vật. Ảnh: The Conversation.
Mary Wollstonecraft cũng có nhiều trải nghiệm tương tự với nhân vật. Ảnh: The Conversation.

Cuốn Maria: or the Wrong of Women (Maria hay những sai lầm của phụ nữ) (1798) ghi lại cuộc đời của một người phụ nữ kết hôn với một người chồng vũ phu. Ông ta tìm cách cho mọi người thấy vợ mình bị điên để bà bị giam trong trại tị nạn và không thể gặp con gái của họ nữa. Vô vọng trong tù, Maria viết lại câu chuyện của mình để sau này gửi tới con gái, trong đó ghi lại cuộc đời đau khổ của bà.

Còn người quản lý trại tị nạn, Jemima, là một phụ nữ thuộc tầng lớp thấp hơn, sinh ra ngoài giá thú và bị kỳ thị. Bà lớn lên là một đứa trẻ mồ côi nghèo khó, bị cha dượng và chủ thuê lạm dụng tình dục. Bị cưỡng hiếp khiến bà có thai và phải phá thai. Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện ảm đạm về bạo lực tình dục và hệ lụy tới nhiều phụ nữ đau khổ như Jemima và Maria, những người phải sống trong bóng tối của xã hội.

Bản thân Wollstonecraft, trước khi kết hôn với William Godwin, bà cũng đã sinh một cô con gái ngoài giá thú. Trong khi chăm sóc đứa con sơ sinh của mình, bà cũng phải đối mặt với tình cảnh bị cha ruột của bé bỏ rơi. Cuối du ký Letters Writtens in Sweden, Norway, and Denmark (Những bức thư viết ở Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch) (1796), được sáng tác trong giai đoạn khó khăn này và dành nhiều phần kể về trải nghiệm của bà khi mới làm mẹ.

Charlotte Smith (1749-1806)

Charlotte Smith có cuộc hôn nhân không hạnh phúc với một người nghiện cờ bạc, và trong số 12 đứa con sinh ra trong cuộc hôn nhân đau khổ này, chỉ có 9 người sống sót.

Tiểu thuyết của Charlotte Smith khắc họa sinh động phụ nữ ở nhiều giai đoạn khác nhau. Ảnh: The Conversation.

Cuộc đời của bà được ghi dấu bằng sự tuyệt vọng, khi bà phải vật lộn để nuôi con cái và chiến đấu suốt đời trong cuộc chiến pháp lý giành tài sản với nhà chồng.

Smith có giọng văn rất đặc sắc và tiểu thuyết của bà cũng khắc họa sinh động phụ nữ ở nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, từ những người mẫu hệ lớn tuổi lãnh đạo gia đình đến những bà mẹ trẻ và những phụ nữ sinh con ngoài hôn nhân.

Trong tác phẩm của mình, bà thể hiện sự cảm thông và không đưa ra lời bình luận mang tính đạo đức. Chẳng hạn, trong Emmeline (1788), một trong những nhân vật sinh ra một đứa con ngoài giá thú đã được đoàn tụ với người yêu và có một cái kết có hậu. Hướng sáng tác này không phù hợp với giá trị quan lúc đó vì các tác giả thường để những người phụ nữ “lăng nhăng” như vậy phải đau khổ và tử vong để cảnh báo độc giả nữ trẻ.

Còn trong cuốn Desmond (1792), cuốn tiểu thuyết thể hiện rõ nhất lập trường chính trị công khai của Smith, bà đã kể câu chuyện của một người hùng nước Anh có thiện cảm với những người cách mạng ở Pháp. Hơn nữa, ông còn phải lòng một bà mẹ trẻ có ba đứa con. Tác phẩm hội tụ cả tinh thần giải phóng cá nhân và chính trị.

Mary Robinson (1757-1800)

Cũng giống như Smith và Wollstonecraft, Mary Robinson đã đấu tranh cho quyền, giáo dục và sự tự chủ của phụ nữ. Trong vai trò diễn viên, bà đã đạt được danh tiếng và được mệnh danh là “Perdita” theo tên nữ anh hùng Shakespearean. Là một nhà thơ, bà được gọi thân mật là “Sappho người Anh”.

Nhiều trải nghiệm sống truyền cảm hứng văn học cho Mary Robinson. Ảnh: The Conversation.
Nhiều trải nghiệm sống truyền cảm hứng văn học cho Mary Robinson. Ảnh: The Conversation.

Hành trình đưa bà đến văn chương cũng giống Smith. Bà Robinson bị ép kết hôn khi còn trẻ với một người đàn ông chìm trong cờ bạc và nợ nần. Khi không trả được nợ và phải ngồi tù, Robinson cũng bị tống vào tù. Tuy nhiên, bà đã có lối đi riêng là đưa đứa con gái sơ sinh của mình vào tù cùng, thay vì để bé ở nhà chăm sóc của nhà nước như thông lệ.

Những trải nghiệm đau khổ này mang lại cảm hứng văn học cho bà, với cách viết thể hiện rõ sắc dục và nhu cầu của phụ nữ. Hồi ký của bà đã được con gái xuất bản sau khi bà qua đời.

Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Robinson là The Natural Daughter (Con gái ruột) (1799). Lấy bối cảnh Cách mạng Pháp, cuốn sách miêu tả một nữ quý tộc trung lưu mạnh mẽ, giàu tình thương đã nhận chăm sóc đứa con ngoài giá thú của người khác và chìm trong tin đồn chính mình đi ngoại tình dẫn tới có con. Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc đời của cả hai người phụ nữ, người mẹ nuôi phải đối mặt với sự xấu hổ và tẩy chay của xã hội còn người mẹ ruột của đứa bé với sự nghiệp diễn viên gian truân.

nguồn:https://znews.vn/ba-nha-van-nu-thay-doi-nen-van-hoc-anh-the-ky-18-post1464032.html