Từng là sinh viên ngành “hot” (ngôn ngữ Anh) của trường “top” (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), ấy thế nhưng khi tốt nghiệp đại học, Phạm Vân Anh lại quay về quê hương Hải Phòng để làm việc tại Quỹ Bảo trợ Trẻ em thành phố và nhận dạy tình nguyện cho trẻ em lang thang cơ nhỡ tại các lớp học tình thương.

1. Từng là sinh viên ngành “hot” (ngôn ngữ Anh) của trường “top” (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), ấy thế nhưng khi tốt nghiệp đại học, Phạm Vân Anh lại quay về quê hương Hải Phòng để làm việc tại Quỹ Bảo trợ Trẻ em thành phố và nhận dạy tình nguyện cho trẻ em lang thang cơ nhỡ tại các lớp học tình thương.

Rồi đùng một cái, Phạm Vân Anh đầu quân cho lực lượng Bộ đội Biên phòng. Lúc ấy, hẳn không ít bạn bè trong giới chữ nghĩa miệng chữ A, mắt chữ O bởi cái sự quyết định của nữ sĩ họ Phạm. Quay xe 180 độ, gót hoa gối mềm để cái duyên văn chương, báo chí tồng tộc kéo đi. Thế là say mê viết, mải miết viết… cho một hành trình nhọc nhằn, chông gai nhưng cũng thật nhiều mê đắm.

Nhưng có lẽ việc gắn bó với một nơi nào đó cũng như yêu một người, chẳng có cơn cớ nào cả, chỉ bởi duyên và yêu. Thế thôi…

Nhà thơ Phạm Vân Anh.
Nhà thơ Phạm Vân Anh.

2. Nữ sĩ đất Cảng xuất hiện giữa làng văn trong thời đoạn thi ca, nhất là thi ca trẻ có nhiều thể nghiệm, đổi mới. Trong bầu khí quyển ấy, Phạm Vân Anh là tiếng nói riêng, vừa chân mộc, truyền thống vừa tinh khôi, tươi mới, hiện đại. “Tôi chào tôi” (NXB Hải Phòng, 2004), tập thơ đầu tay của chị là cuộc truy tìm ngọn nguồn: “Ở đâu đó giữa đại dương xa xôi/ Là nơi linh hồn tổ tiên tôi trú ngụ/ Dưới lớp sóng bạc lang thang/ Một ngôn ngữ được sinh ra/ Những đứa trẻ da đen thoát thai từ mẹ biển” (Nguồn gốc). Và mới tuổi đôi mươi nhưng dường như Phạm Vân Anh đã đủ “già” để cảm nhận cuộc đời rộng lớn ngoài kia đầy háo hức, tươi đẹp đấy nhưng cũng đầy âu lo, dữ dội, bão giông: “Gương mặt đêm tô điểm gương mặt ngày/ Còn gương mặt chúng ta theo tiếng chuông tan mất” (Nói với nhau) và: “Dưới lớp xương sườn/ Trái tim đầy vết nhăn hằn học/ Và đôi mắt cười đồng loã lưới dao” (Nhân bản). Trong hành trình tìm về nguồn cội, trôi bơi giữa muôn vạn nỗi đời, phải chăng nữ sĩ trẻ cũng đã tìm về/ được bản thể để cất lên một tiếng nói đầy khác lạ: “Chào mặt trời – thứ duy nhất lớn hơn tôi” (Nguồn gốc).

Sau tập thơ đầu tay, đọc thơ Vân Anh ở các tập “Mùa tình” (NXB Hội Nhà văn, 2007), “Góc” (NXB Hội Nhà văn, 2009) sẽ không hiếm gặp những câu thơ đẹp – lạ, giàu sự liên gợi: “Ta lật nghiêng đời mình để nhận ra ta cỗi cằn quá thể”, “Biển nơi này mỏng tựa lá tre”, “Nói làm gì những lời hạt lép”, “Đường cày dãn ra trên trán người đàn ông”, “Vó ruổi đá thung thăng đuôi ngựa rủ”, “Già bản nói tiếng Kinh như nhặt thóc”, “Hàng bạch đàn ghìm lục huyền cầm nức nở”, “Đẽo vào lưng đêm từng lỗ hổng thời gian”, “Giữ người đàn ông sau chuyến đi rừng ngủ vùi trong gối/ ủ mầm người bằng bầu sữa căng”…

Như đã nói ở trên, Phạm Vân Anh xuất hiện giữa làng thơ trong giai đoạn thi ca có nhiều cách tân nên độc giả sẽ không ngạc nhiên khi gặp một số bài thơ kiệm chữ, tinh gọn có hơi hướng thơ thị giác hoặc thơ văn xuôi câu chữ trào tràn xuất hiện rải rác trong ba tập thơ giai đoạn đầu trong hành trình sáng tạo của chị. Và hầu hết các thi phẩm của Vân Anh đều căng mình, quẫy đạp, phá bỏ tấm áo chật hẹp, cũ nhàm của những thể thơ cũ, để từ đó người thơ được bung – phiêu cùng con chữ. Đây là một câu trong thi phẩm “Biệt khúc”: “Ngôi nhà bị đày trong im lặng và không gì lấp đầy khoảng trống nơi chiếc ghế anh ngồi, chiếc cốc anh uống và chiếc gạt tàn ngổn ngang đầu lọc thuốc. Khoảng trống đau dịu dàng…”.

3. Ngay từ những ngày đầu duyên nợ với thi ca, thơ Phạm Vân Anh đã chất chứa những suy tư, thế sự. Khi được hỏi về điều này, nữ thi sĩ chia sẻ: “Cuộc sống đã dạy tôi hiểu rằng nếu tôi muốn trở thành một nhà thơ thì phải sống tử tế và nên viết bằng cả cái tôi cộng đồng lẫn cái tôi cá nhân”. Người ta thường ví von thi sĩ như thân tằm rút ruột nhả tơ thì hẳn tơ ấy được rút ra từ những gì trăn trở nhất, sâu thẳm nhất, tinh tế nhất, đẹp đẽ nhất.

Thế nên, nếu không thực sự day trở, hòa mạch đập trái tim thanh tân, nhiệt huyết, đầy trách nhiệm của mình vào mạch đập của đời thì hẳn là một người thơ trẻ sẽ không có những câu thơ đầy nỗi niềm, suy nghiệm như thế này: “Căn cớ gì mà trầm mặc cố đô ơi/ Cứ lãng đãng hồn lau/ Cứ rêu phong cổ mặc/ Bao vương triều định đô trong hưng mạt/ Dậy sóng ba quân quyết tử trước bệ rồng/ Được mất của người xưa đâu dễ luận bàn/ Vận nước thế cờ chiều tay người khởi nghiệp/ Luận anh hùng há chỉ vin thành bại…? (Bình yên Hoa Lư) và “Tổ quốc tôi mạnh mẽ hồi sinh/ Giông bão mang đi những rác rưởi bất tài/ những đớn hèn mục ruỗng/ tái tạo sinh lực cho đất mẹ/ sung mãn tràn trề/ Tre già cho măng ấm bụi/ Rừng lại lên xanh” (Bài ca mặt trời).

Là người nữ căng tràn sức sống nên những bài thơ tình của Vân Anh vừa tinh tế, mềm mại, nữ tính nhưng cũng đầy khát khao, mãnh liệt trong những khúc “hoan say”: “Con đường không cánh cửa/ Để em rót đầy anh, tràn ngập anh/ rồi mê mải chảy/ Lấp loá mùa trăng gầy” (Bay trong ánh sáng). Và cho dù năm tháng có qua đi, thời gian có phũ phàng biến “em” thành một bà già tóc bạc, da mồi thì cái khát khao yêu đương, khát khao “anh” trong “em” không bao giờ tàn phai, khô cạn: “Bóng thời gian uốn câu/ Em sẽ già, lặng ngồi bên bậu cửa/ Miệt mài đan những câu thơ không dáng chữ/ Bào mòn em từng tiết nhớ/ Thèm môi anh vun nồng” (Ngẫu khúc). Độc giả sẽ còn được gặp rất nhiều những câu thơ chân thật, mãnh liệt như thế trong các thi phẩm “Mùa tình nhân”, “Viết riêng cho anh”, “Biệt khúc”, “Người dệt cuộc đời người vào cuộc đời em”, “Cọng tuổi”…

4. Trong một cuộc trò chuyện, Phạm Vân Anh chia sẻ những chuyến công tác đến những miền biên cương của Tổ quốc cho chị thật nhiều. Nhưng có lẽ hai điều quý giá nhất đối với chị chính là những trải nghiệm, kiến thức thực tế vô cùng phong phú, sinh động bồi đắp cho “ngân hàng” dữ liệu viết của chị thêm đồ sộ, sâu sắc và tình yêu thương đối với những người lính, những mảnh đời yếm thế, thua thiệt nơi vùng sâu biên giới cần được sẻ chia. Và rồi, mỗi lần gót sen của người thơ đi qua thì miền biên thùy ấy lại nở thắm những tác phẩm văn chương, báo chí, điện ảnh,… mang dấu ấn, cá tính sáng tạo của chị.

Phạm Vân Anh là người đa tài và quyết liệt với những dự án của mình nên hàng loạt giải thưởng danh giá – những trái ngọt của sự sáng tạo – đã dâng đầy vòng tay chị. Mười hai đầu sách đủ các thể loại và hàng trăm bộ phim tài liệu, hàng chục kịch bản lớn các chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới, Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới cùng các công trình nghiên cứu,… là thành quả, gia tài của một nữ tác giả tài hoa, đa dạng, chuyên nghiệp. Trường ca “Sa mộc” (NXB Lao động, 2016) là một tác phẩm nặng kí, mang âm hưởng của sử thi, của liên khúc tráng ca yêng hùng. Đó là tình yêu Tổ quốc, yêu biên cương, tình thương yêu với đồng bào và sự thấu cảm, sẻ chia với đồng đội nơi tuyến đầu đất mẹ. “Sa mộc” đã tạc vào bức tranh văn chương Việt một tượng đài về công cuộc biên phòng, về những biên dân và lớp lớp thế hệ người lính trấn ải biên thùy.

Có lẽ Phạm Vân Anh là một trong vài nữ quân nhân của quân đội hiện nay đặt chân đến nhiều vùng đất biên thùy nhất. Những miền đất xa xôi, miền người gần gũi ấy luôn làm trái tim người nữ, người thơ trong chị rung ngân những nhịp xúc động, yêu thương.

Nhiều năm qua, chị vẫn âm thầm, miệt mài thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện, đặc biệt là trong những đợt dịch bệnh COVID-19, bão lũ, lở đất. Không chỉ đứng ra kết nối, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm ủng hộ kinh phí, vật chất, Vân Anh thường trực tiếp đến với những nơi đau thương, hoạn nạn ấy để được gần hơn, yêu thương hơn những mảnh đời.

Hiện tại, Vân Anh nhận làm mẹ đỡ đầu cho 5 em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Phước. Hàng tháng đều đặn mẹ Vân Anh hỗ trợ các con về vật chất và tinh thần để các con có điều kiện học tập đến năm 18 tuổi.

5. Mới đây, Phạm Vân Anh gửi cho tôi cuốn bút ký “Dặm dài Tổ quốc”, đứa con tinh thần mới nhất của chị. Cuốn sách tập hợp những bài bút ký, ghi chép hết sức sinh động, tỉ mỉ về những miền đất, miền người với non cao, rừng thẳm, nơi có những con người đang ngày đêm giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuốn sách này không chỉ là tác phẩm văn học – báo chí mà trong nó còn dung chứa những thông tin vô cùng hữu ích về dân tộc học, lịch sử, địa lý, được diễn ngôn hết sức mềm mại, tinh tế, uyển chuyển và thật đẹp bởi một tâm hồn thi ca. Đọc đến trang cuối cùng của cuốn sách tôi nghĩ đến những mùa chữ – mùa hoa đang đợi Vân Anh.

Nguyễn Phú

nguồn:https://cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nha-tho-pham-van-anh-got-sen-no-tham-bien-thuy-i700183/