Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ vừa cho ra mắt tập 3 bộ tiểu thuyết “Nước non ngàn dặm” với tựa đề “Từ Việt Bắc về Hà Nội”. Bộ tiểu thuyết dự kiến có 5 tập.

Tác giả đã tạo nên ấn tượng và sự mong chờ đối với độc giả từ 2 tập trước đó.

Tập 1 với tên “Nợ nước non” là bức tranh cuộc đời lãnh tụ Hồ Chí Minh từ lúc lọt lòng mẹ đến khi rời bến cảng Nhà Rồng ra nước ngoài tìm một con đường cứu dân cứu nước ngày 5/6/1911.

Tập 2 với nhan đề “Lênh đênh bốn biển” là quãng đời 30 năm Người bôn ba hải ngoại (1911-1941) để tìm đường cứu nước và từng bước hiện thực hóa con đường Người đã tìm thấy trong điều kiện Việt Nam.

Tập 3 mang tên “Từ Việt Bắc về Hà Nội” là quãng thời gian ngắn ngủi 5 năm từ 1941 đến 1945 với rất nhiều các sự kiện chính trị quốc tế và trong nước tác động qua lại. Trong bối cảnh này, những chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đưa ra và hiện thực hóa nó trong cuộc sống tạo động lực cho cả một dân tộc rùng rùng chuyển động, tích lũy nguồn lực mọi mặt cho một cuộc chuyển mình vĩ đại, rũ bỏ thân phận nô lệ đau thương, trở thành những người tự do trong một dân tộc độc lập có chủ quyền.

Theo dự kiến của tác giả, 2 tập cuối cùng sẽ trải nốt thời gian từ 1945 đến lúc Người ra đi ngày 2/9/1969.

Sau khi được hoàn thành, đây sẽ là một bộ sách quý về toàn bộ cuộc đời cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Viết về lịch sử, về Bác Hồ theo cách của các nhà chép sử, của văn học sử tuy khó nhưng cũng không quá khó, vì đã có bao nhiêu sách vở, tài liệu, nhân chứng, bảo tàng cả trong và ngoài nước… Nhưng viết đúng bút pháp văn học mà vẫn tôn trọng các sự kiện, nhân vật quan trọng, nhất là nhân vật chính Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thì như đi xiếc trên dây. Làm sao để giữ thăng bằng cho tới khi chạm đầu dây bên kia? Đo lường được “liều lượng” kết hợp hợp lý giữa văn và sử, sự khu biệt ngặt nghèo giữa hai lĩnh vực này khi đặt bút trên trang viết là yêu cầu khó với người cầm bút.

Tập 3 Từ Việt Bắc về Hà Nội của bộ tiểu thuyết Nước non ngàn dặm mới ra mắt độc giả.
Tập 3 Từ Việt Bắc về Hà Nội của bộ tiểu thuyết Nước non ngàn dặm mới ra mắt độc giả.

Điều đầu tiên có thể nói về tập 3 Từ Việt Bắc về Hà Nội, đây là một tập sách đậm đặc chất sử Đảng được diễn tả dưới hình thái văn học một cách độc đáo. Khung của câu chuyện là cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của lãnh tụ Hồ Chí Minh gắn liền với các sự kiện lịch sử Đảng trong một bối cảnh lịch sử cụ thể của dân tộc và thời đại. Với bút pháp của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, tính chân thực của lịch sử không mất đi; sự mềm mại, uyển chuyển của văn học giúp người đọc một mặt nắm bắt được những vấn đề cốt lõi của lịch sử, mặt khác trải nghiệm câu chữ trong tâm trạng đầy háo hức, xúc động bởi chất thơ, tính chân thực của sự kiện được diễn tả.

Không còn là những nghị quyết chính trị khô khan, quá trình hình thành ý tưởng về các nghị quyết đó trong tư duy của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đặc biệt là quá trình đưa nghị quyết vào cuộc sống trong cuốn sách là những câu chuyện chân thực và xúc động. Bởi sâu xa, những nghị quyết đó chính là tiếng nói về những nhu cầu, khát vọng chính đáng, bức thiết của người dân đang oằn mình dưới gót sắt của kẻ thù.

Không còn là những nghị quyết chính trị khô khan, quá trình hình thành ý tưởng về các nghị quyết đó trong tư duy của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đặc biệt là quá trình đưa nghị quyết vào cuộc sống trong cuốn sách là những câu chuyện chân thực và xúc động. Bởi sâu xa, những nghị quyết đó chính là tiếng nói về những nhu cầu, khát vọng chính đáng, bức thiết của người dân đang oằn mình dưới gót sắt của kẻ thù.

Điều thứ hai là khả năng chắt lọc, lựa chọn và xử lý tư liệu tài tình của tác giả. Tác phẩm ngồn ngộn thông tin, tư liệu nhưng không bị rối. Các tư liệu lịch sử được chọn lựa cẩn trọng, kỹ lưỡng bởi một người viết am hiểu sử Đảng, lại được biến hóa, hòa quyện trong “dung môi văn học” làm nên những câu chuyện có đủ không gian, thời gian, diễn biến, tình tiết lôi cuốn và hấp dẫn.

Các câu chuyện được kể nối tiếp theo dòng thời gian làm bật lên dòng chảy cuồn cuộn sục sôi của những tháng ngày toàn dân tộc chuẩn bị cho cuộc chuyển mình vĩ đại. Không còn là vài gạch đầu dòng về hoạt động của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong thời gian 1941-1945 mà là chuỗi các câu chuyện tiếp nối nhau trong dòng thời gian về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Sinh động, phong phú, hấp dẫn và cuốn hút.

Thứ ba là trải nghiệm phong phú, sự quan sát đời sống xã hội vừa tỉ mỉ, tinh tế vừa bao quát bức tranh tổng thể, nhìn các vấn đề quốc tế-trong nước, nhìn các mối quan hệ một cách biện chứng giúp tác giả đặt ra các vấn đề và xử lý nó một cách rõ ràng, mạch lạc nhưng vẫn trong một tổng thể đời sống muôn màu. Cái chung, cái riêng, cái tổng thể, cái cụ thể vừa có ranh giới vừa quyện hòa theo một cách tài tình, cuốn hút. Một làn hương bưởi giữa mùa xuân nơi núi rừng Pắc Bó, một nhành hoa huệ trong vườn bà,… những tiểu tiết được đưa vào tác phẩm một cách tự nhiên, chạm vào trái tim bạn đọc.

Thứ tư, dù là một nhà văn với ngôn ngữ văn học đầy chất trữ tình, bay bổng nhưng đồng thời cũng là một người làm chính trị, Nguyễn Thế Kỷ nắm vững cái cốt lõi trong các quan hệ chính trị là lợi ích. Bám sát cái trụ này, những phần nội dung liên quan đến quan hệ phức tạp, rối rắm giữa Việt-Mỹ-Pháp-Trung đã được tác giả xử lý khá thành công. Pháp là đồng minh của Mỹ, liệu Mỹ có thể cung cấp vũ khí và trợ giúp cho Việt Minh đánh Pháp mà vẫn giữ được bản chất của quan hệ đồng minh hay không? Những nội dung của các mối quan hệ quốc tế được phân tích thuyết phục và hấp dẫn.

Thứ năm, Nguyễn Thế Kỷ đã khai thác tốt cặp phạm trù hiện tượng-bản chất, nội dung-hình thức trong các phân tích và các câu chuyện được kể trong cuốn sách. Hầu như toàn bộ không gian trong tác phẩm là vùng rừng núi âm u, tịch lặng, vùng sâu vùng xa hẻo lánh, khu vực nông thôn. Sự trầm tịch của không gian và sự hừng hực của tinh thần cách mạng, ý chí, quyết tâm, nhiệt huyết của những con người sống và hoạt động trong không gian đó tạo ra một sự đối lập thú vị. Những sự đối lập luôn đem lại hiệu ứng rõ nét và khơi lên sự tò mò, cuốn người đọc vào những trang sách.

Cách mạng tháng 8 năm 1945. Ảnh tư liệu
Cách mạng tháng 8 năm 1945. Ảnh tư liệu

Điểm sơ vài nét làm nên thành công của tác giả khi viết tập 3 “Từ Việt Bắc về Hà Nội”.

Với thời gian trải dài 5 năm, cuốn sách được bố cục thành 5 chương mạch lạc gắn với các mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1941-1945.

Chương 1 với nội dung trải từ 28/1/1941 đến Hội nghị Trung ương 8/5/1941. Sau 30 năm bôn ba hải ngoại, khi ra đi là một thanh niên, khi về tóc đã điểm bạc, Người trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Cách “ông Ké” tổ chức cuộc sống của mình và đồng chí trong rừng sâu núi thẳm; cách ông sống trong lòng dân, xây dựng tổ chức, tập hợp lực lượng, viết tài liệu “Cách đánh du kích”; cách ông chỉ đạo thành lập các tổ chức cứu quốc thuộc mặt trận Việt Minh. Lãnh tụ Hồ Chí Minh trong quan hệ với đồng bào, đồng chí và quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 8, tháng 5 năm 1941,… Người đặt tên suối Lê-nin, núi Các Mác để luôn có đồng minh ở bên dù Người hoạt động trong rừng sâu, núi thẳm. Tất cả đã được diễn tả một cách sinh động, hấp dẫn trong chương 1 cuốn sách.

Chương 2 là cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh từ Hội nghị Trung ương 8, tháng 5 năm 1941 đến trước khi Hồ Chí Minh sang Tĩnh Tây, Trung Quốc. Ý tưởng xây dựng các khu căn cứ an toàn, ra báo Độc lập, mở lớp Bình dân học vụ, tổ chức đội vũ trang tập trung, mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự, chuyển từ Khuổi Nặm về căn cứ Lam Sơn rồi trở lại Pác Bó, kế hoạch mở rộng quan hệ quốc tế, thành lập các đội vũ trang,… Toàn các vấn đề chính trị tưởng chừng khô khan được viết theo hình thái văn học vô cùng cuốn hút.

Chương 3 là câu chuyện về cuộc đời của Người từ khi Nguyễn Ái Quốc sang Tĩnh Tây, Trung Quốc đến ngày 9/8/ 1944 Người trở lại Việt Nam. Đây là chương cảm động về mối quan hệ của nhân dân Trung Quốc với Hồ Chí Minh. Người được nhân dân Trung Quốc yêu thương, che chở, giúp đỡ, bảo vệ. Đây cũng là giai đoạn Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giải đi khắp các nhà lao trong 1 năm 14 ngày. Nhật ký trong tù đã ra đời như thế nào? Cuộc sống của Hồ Chí Minh ở Trung Quốc sau khi được trả tự do và kế hoạch “về Việt Nam công tác” của Hồ Chí Minh – lúc ấy với tư cách là một người tham gia Việt Cách, tổ chức chính trị thân Tưởng đã được kể đầy lôi cuốn và thú vị.

Chương 4 là bức tranh cuộc đời Hồ Chí Minh được vẽ bằng ngôn ngữ từ khi Người trở lại Việt Nam tháng 8 năm 1944 đến khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945. Vấn đề trả phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi tại Việt Nam và các nỗ lực của Hồ Chí Minh gây dựng quan hệ với Mỹ; Thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và những chiến thắng đầu tiên, Phai Khắt, Nà Ngần; sang Trung Quốc và trận ốm lịch sử; trở về nước lúc nạn đói đang hoành hành dữ dội. Các mối quan hệ quốc tế phức tạp trong đoạn lịch sử này đã được tác giả “bóc tách” và “hòa trộn” giúp người đọc nhìn thấy sự thông thái trong tư duy và hành xử của Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế.

Chương 5 là câu chuyện cuộc đời Người từ tháng 5 năm 1945 đến lễ tuyên ngôn ngày 2/9/1945. Từ Khuổi Nậm về Tân Trào; Từ Tân Trào về Hà Nội; thành lập khu giải phóng Việt Bắc; nhận giúp đỡ của Mỹ qua sân bay dã chiến; viết Tuyên ngôn Độc lập và chuẩn bị cho lễ Độc lập ngày 2/9/1945. Xúc động với tình cảm của các tầng lớp nhân dân dành cho Hồ Chí Minh, cho Đảng, cho cách mạng.

198 trang sách đã lột tả được chân dung Hồ Chí Minh vĩ đại trong những gì bình dị nhất, Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân các dân tộc ít người Việt Nam cũng như Trung Quốc, Hồ Chí Minh trong quan hệ quốc tế, trong quan hệ với anh em, đồng chí. Một lãnh tụ mà đạo đức, phẩm hạnh, chất văn hóa, nhân văn hòa quyện tiêu biểu cho những người Việt Nam đẹp nhất.

Hy vọng sau khi hoàn thành, bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” sẽ hoàn thiện thêm nhiều “góc khuất” về cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi, khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất nên thơ, trữ tình và đầy tính nhân văn của lãnh tụ Hồ Chí Minh thông qua bút pháp văn học độc đáo, không sa vào “bẫy lịch sử” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ.

nguồn:https://znews.vn/sinh-nhat-bac-post1474523.html