Sự việc thất lạc sách cổ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm khiến người trong giới lẫn dư luận xôn xao bởi những giá trị quý báu của số sách này. Nhưng chính qua sự việc này, sách cổ, sách quý hay rộng hơn là di sản bắt đầu được nhiều người biết đến bởi xưa nay lĩnh vực này gần như trầm mặc, chỉ những ai đang làm công tác liên quan hay cần tài liệu nghiên cứu mới quan tâm.

Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản một lần nữa đặt ra bài toán buộc giới chuyên môn và quản lý phải tìm giải pháp, để làm sao vừa giữ được tính nguyên bản lại vừa phát huy giá trị của di sản trong nhịp sống đương thời.

Đây cũng không phải là lần đầu di sản hay cổ vật bị xâm phạm, câu chuyện buồn từng xảy ra ở một bảo tàng khi bức tranh được công nhận là bảo vật quốc gia không được bảo quản đúng cách dẫn đến bị hư hại, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, giá trị… Hay gần nhất là vào tháng 3-2022, di tích tháp Bánh Ít ở huyện Tuy Phước, là một cụm tháp Chăm cổ có niên đại hơn 1.000 năm, được xem là “báu vật” không chỉ của riêng tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo tại di tích này, các đơn vị thi công đã đưa xe múc vào di tích để thi công, đổ đất đá sát di tích gây hư hại, phá hỏng cảnh quan…

Những sự việc kể trên cho thấy công tác bảo tồn di sản không phải dễ và phát huy giá trị di sản trong nhịp sống đương thời càng khó hơn. Theo thời gian, ngày càng có nhiều di tích lịch sử, di sản, bảo vật của đất nước ở các địa phương được UNESCO công nhận. Thế nhưng, sau khi được xếp hạng, rầm rộ thời gian đầu, nhiều di tích, di sản, bảo vật rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, công tác bảo tồn chỉ đơn giản là lau chùi lại một số hiện vật, gắn bảng tên… rồi sau đó là cửa đóng then cài, một năm đón khách “xuân thu nhị kỳ”, chuyện khai thác du lịch như một giấc mơ xa vời.

Theo chia sẻ từ các thành viên Hội Di sản văn hóa TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có 185 di tích được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích quốc gia và 125 di tích cấp thành phố) nhưng chỉ có hơn 10% trong số đó có khách đến tham quan. Bên cạnh các di tích, TPHCM cũng là một trong những địa phương có nhiều bảo tàng nhất nhì trong cả nước, nhưng thói quen tham quan bảo tàng của người dân vẫn chưa cao. Nhiều bảo tàng sở hữu bảo vật quốc gia, những cổ vật quý giá nhưng phát huy giá trị để gần với công chúng vẫn còn trăn trở. Những triển lãm lưu động từ các bảo tàng phần nhiều vẫn chỉ dưới dạng trưng bày qua các poster khổ lớn, nhiều hiện vật quý nhưng do điều kiện bảo quản nên chưa thể mở kho giới thiệu rộng rãi đến công chúng…

Công tác bảo tồn buộc phải giữ đúng tinh thần nguyên bản của di sản, và bảo tồn không có nghĩa là “đắp chiếu” để giữ lấy sự an toàn, để di tích, di sản hay bảo vật không bị xâm phạm. Di tích, di sản hay bảo vật đều xuất phát từ đời sống nhân dân mà hình thành. Vì thế việc bảo tồn phải là bảo tồn sống, di sản phải sống được giá trị nguyên bản và sống cùng hơi thở của nhịp sống đương thời và gắn bó được với người dân, từ đó tự khắc những giá trị văn hóa, lịch sử sẽ được phát huy hơn là những khẩu hiệu hô hào bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên bàn giấy.

Cùng với đó là xu hướng local tour (được hiểu là du lịch tại địa phương) được đẩy mạnh sau những tác động của dịch bệnh, việc “bảo tồn sống” các di sản, di tích chính là tài nguyên để ngành du lịch khai thác và phát triển kinh tế. Và khi mỗi người ý thức và hiểu được giá trị của di sản thì tự khắc sẽ biết cách bảo vệ và phát huy những giá trị ngàn đời, làm nền tảng và bản sắc để tự hào về văn hóa quê hương, xứ sở.