Với 100 nhân vật, cuốn sách Những quái nữ trong lịch sử (NXB Phụ nữ Việt Nam) của tác giả Ann Shen, qua bản dịch của Ngô Hà Thu, sẽ khiến bạn đọc không khỏi thích thú khi tìm hiểu về những việc làm, về hành trình đã đi của những người phụ nữ trên khắp thế giới. 

Như lời tác giả Ann Shen, cuốn sách Những quái nữ trong lịch sử không nhằm mục đích trình bày lại cuộc đời của những “bóng hồng” lừng lẫy trong lịch sử mà chỉ gợi mở hành trình họ từng đi, khiến chúng ta không thể thờ ơ mà ngược lại, còn muốn khám phá thêm. Thời đại họ sống thuộc về quá khứ, thậm chí có độ lùi thời gian rất xa, nhưng tinh thần “khai phá” của họ thì chẳng cũ một chút nào.

Ý tưởng của cuốn sách không phải là ngợi ca gương thục nữ (điều này có thể gây phản ứng tiêu cực đấy!), song cũng không hẳn cổ xúy cho những gái “hư”. Điều mà Ann Shen thực sự muốn là gợi nhắc thái độ “dám nghĩ dám làm”, lối sống bất tuân quy tắc – nếu “quy tắc” ở đây được hiểu là điều cũ rích, nhàm chán, thậm chí thậm vô lý.

Càng lật mở cuốn sách, bạn đọc càng cảm thấy thú vị và nể phục những “bóng hồng”, bất kể họ mong manh, bé nhỏ ra sao.

Tại sao Adam lại bắt cô vợ đầu – Lilith – nằm dưới? Tại sao người da đen phải ngồi cuối xe buýt? Tại sao trẻ em gái ít có cơ hội học hành hơn, phụ nữ thì không nên trở thành phi công hay minh tinh màn bạc? Biết đâu rất nhiều người trong số chúng ta từng đặt ra câu hỏi như vậy, nhưng ai đã khởi sự, ai dám đá phăng đi đống hàng rào?

Những “bóng hồng” đó khác số đông bởi ngần ngại, e dè đâu phải là tính cách của họ; họ quyết liệt hành động – cho mình và cho cả cộng đồng. Là nữ nhân quý tộc, song Godiva (1040 – 1067) sẵn sàng lĩnh nhận lời thách thức từ ông chồng bủn xỉn: nàng không ngại khỏa thân cưỡi ngựa quanh vùng để cứu nhân dân khỏi sưu cao thuế nặng.

Là một phụ nữ trẻ bình thường, nhưng Elizabeth Blackwell (1821 – 1910) không ngại nộp đơn vào trường Y Geneva ở New York, vào đúng cái thời cụm từ nữ bác sĩ chỉ dành để chỉ người nạo phá thai, rồi sau đó “hiên ngang” mở một phòng khám riêng ưu tiên tuyển bác sĩ và thành viên ban quản trị là nữ. Còn đây nữa, đã bước sang tuổi 63 nhưng Annie Edson Taylor (1839 – 1910) vẫn bình tĩnh, thản nhiên chui vào thùng rượu để thực hiện chuyến vượt thác Niagara siêu mạo hiểm; còn đây nữa, dù bị liệt từ thuở thiếu niên nhưng Fannie Farmer (1857 – 1915) vẫn dấy lên một cuộc cách mạng nấu nướng trên toàn nước Mỹ.

Càng lật mở cuốn sách, chúng ta càng cảm thấy thú vị và nể phục những “bóng hồng”, bất kể họ mong manh, bé nhỏ ra sao (xin lưu ý: bác sỹ Ruth cao chưa đầy mét rưỡi, hay Annie Taylor cũng quá lục tuần rồi). Mỗi người có một cách chinh phục tường ngăn (thậm chí là tường thành) khác nhau, song điểm chung giữa họ là dám làm sau khi dám nghĩ.

Bên cạnh việc lựa chọn những gương mặt nổi trội quen thuộc như Cleopatra, Võ Tắc Thiên, Margaret Thatcher, hay Marie Curie, Oprah Winfrey, Madonna… tác giả Ann Shen còn giới thiệu tới người đọc rất nhiều nữ nhân đã gặt hái được thành tích xuất sắc (hay với một số nhân vật là kỳ tích) trong thầm lặng. Họ chưa từng vỗ ngực: “Hãy xem tôi làm được gì này”, nhưng ắt hẳn chúng ta sẽ không ngại tỏ lòng khâm phục họ, và hơn nữa, biết đâu trong số chúng ta sẽ có người ghi tiếp những niên trang đẹp cho giới nữ – với nguồn cảm hứng từ những nữ nhân như thế.

VIÊN THI

nguồn: https://www.sggp.org.vn/nhung-bong-hong-lam-thay-doi-the-gioi-768803.html