“Bốn kiếp thùy liễu” thuật bốn chuyện ở thời đại lịch sử khác nhau của Trung Quốc, trong đó “thùy liễu” tượng trưng cốt cách cao đẹp của phụ nữ.

Sơn Táp, sinh ngày 26/10/1972 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), hiện sống tại Pháp. Cô là nhà văn gốc Hoa nổi tiếng trên văn đàn thế giới với những tác phẩm viết về phụ nữ, trong đó có tiểu thuyết Bốn kiếp thùy liễu từng giành giải thưởng Prix Cazes-Brasserie Lipp năm 1999.

Lấy điểm tựa là những sự kiện trọng đại trong lịch sử Trung Quốc, Sơn Táp tạo nên thiên tiểu thuyết Bốn kiếp thùy liễu với các câu chuyện mang màu sắc liêu trai. Truyện đa dạng ngôi kể với kết cấu lắp ghép của văn học hiện đại. Nhà văn đã thổi làn gió nữ quyền vào “mảnh đất” tiểu thuyết lịch sử để ca ngợi vẻ đẹp, tài năng của những người phụ nữ, tô đậm vị thế của họ trong dòng chảy thời gian.

Bìa Bốn kiếp thùy liễu phát hành năm 2006. Sách dày 228 trang, do Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành. Ảnh: NXB Phụ nữ
Bìa “Bốn kiếp thùy liễu” phát hành năm 2006. Sách dày 228 trang, do Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành. Ảnh: NXB Phụ nữ

Trong cả bốn câu chuyện, những nhân vật nữ như được mô tả như hình tượng trung tâm đầy nổi bật. Họ thách thức những luật lệ phong kiến, phá vỡ những quy tắc định đoạt cuộc đời của nữ giới. Vừa tràn trề tính nữ như cây thùy liễu, người nữ trong sách cũng có nội tâm bền bỉ và kiên cường như cây liễu trước cơn gió lốc. Họ mang trong mình hoài bão tự do, khát khao bình đẳng trong cuộc sống và tình yêu. Một Lục Y từ chối bị bó buộc trong lề thói hôn nhân thời phong kiến và vòng xoáy danh lợi, một Xuân Ninh giỏi giang, tháo vát gánh vác gia tộc, một Liễu nhẹ nhàng nhưng quả cảm trong cơn biến loạn của thời đại, một Thanh đại diện cho người phụ nữ hiện đại yêu và sống hết mình. Đặt chủ đề về người phụ nữ trong đối sánh với chủ đề to lớn như lịch sử, Sơn Táp thể hiện rõ niềm tự hào về phụ nữ Trung Hoa nói riêng và nữ giới nói chung.

Ẩn đằng sau câu chuyện luân hồi của mỗi cá nhân, độc giả còn thấy trong Bốn kiếp thùy liễu một Trung Quốc thăng trầm lịch sử. Từ Trung Hoa dưới triều Minh cho đến cuối Mãn Thanh, từ Cách mạng Văn hóa đến Trung Quốc hiện đại, tác phẩm cho thấy một đất nước Trung Hoa vừa lớn mạnh và uy nghi, vừa có đấu tranh, loạn lạc. Nét bút của nhà văn ngợi ca vẻ đẹp của núi non, thảo nguyên trên quê hương bà, đồng thời cũng lột tả những cấm đoán của xã hội phong kiến hay thất bại của Cách mạng Văn hóa. Lịch sử lần nữa được tái thiết đa diện, mới mẻ qua cặp mắt của hậu thế.

Ngoài nét đặc sắc về văn hóa, tư tưởng phương Đông còn được Sơn Táp kế thừa và truyền tải trong sách bằng phong cách viết kỳ ảo, nửa thực nửa mộng. Hình ảnh “thùy liễu” là xương sống của toàn bộ cuốn tiểu thuyết vừa gắn liền với nỗi chia ly, vừa mang ý nghĩa như một vòng luân hồi của sự sống và cái chết trong tư duy người Trung Quốc. Môtíp luân hồi, thề nguyền, hóa thân, giấc mộng Nam Kha quen thuộc trong truyền kỳ, truyện thần quái được lồng ghép xuyên suốt tác phẩm. Những yếu tố này làm cho mỗi câu chuyện Sơn Táp kể đều mang nét lãng mạn, bí ẩn, cuốn hút người ta phải bóc tách để hiểu từng tầng lớp ý nghĩa bên trong.

“Tác phẩm của Sơn Táp được tạo thành từ lòng tôn vinh bản sắc dân tộc của tác giả, kết hợp tuyệt vời giữa hai nền văn hóa Trung Quốc và Pháp, phản ánh được xu hướng sáng tác văn học toàn cầu”, ông Emmanuel Lenain, Cố vấn văn hóa của lãnh sự quán Pháp tại Thượng Hải, nhận xét về Bốn kiếp thùy liễu.

Tác giả Sơn Táp. Ảnh: Catherine Cabrol
Tác giả Sơn Táp. Ảnh: Catherine Cabrol

Sơn Táp (tên thật là Diêm Ni), 51 tuổi. Là một nhà văn di dân, Sơn Táp thể mong muốn gắn bó với cố hương và nhìn nhận lại bản sắc của chính mình thông qua việc sáng tác. Bà sớm bộc lộ tài năng văn chương từ khi còn bé: Tám tuổi đã cho ra tập thơ đầu tay, mười bốn tuổi đạt giải văn học thiếu nhi toàn quốc. Tên tuổi của bà vươn tầm quốc tế bởi những Thiên An Môn (1997), Bốn kiếp thùy liễu (1999), Thiếu nữ đánh cờ vây (2001), Nữ hoàng (2003) pha trộn giữa văn hóa, ngôn ngữ phương Đông và kỹ thuật viết phương Tây.

nguồn:vnexpress.net