Được sáng tác dựa trên những kỷ niệm và tình yêu dành cho Sài Gòn – TPHCM của tác giả Chiều Xuân, Bụi ở Sài Gòn (Lionbooks và NXB Hà Nội) cũng là tác phẩm gần như khép lại tủ sách Em yêu Việt Nam mình.
Ngày 8-7, tại Nam Thi House (152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM), Lionbooks đã tổ chức trưng bày và triển lãm với chủ đề “Thơ ấu của chúng ta”, lấy cảm hứng từ ấn phẩm Bụi ở Sài Gòn vừa ra mắt của tác giả Chiều Xuân.
Chương trình mong muốn có thể tạo ra một không gian gần gũi mà sáng tạo thông qua trải nghiệm đa giác quan, nơi mà ba mẹ có thể tìm lại kỷ niệm thời thơ ấu của mình, còn các con có thể kết nối với tình bạn đáng quý mà con đang có, qua đó gia tăng gắn kết với gia đình và nuôi dưỡng tình thương yêu, lòng trắc ẩn trong mỗi người.
Nhân vật chính của tác phẩm Bụi ở Sài Gòn là chú mèo hoang tên Bụi, sau bao ngày vật lộn với cuộc sống mưu sinh thì đã nhận được tình yêu thương từ Bòn Bon – một cậu bé hướng nội và có một tấm lòng bao dung. Bòn Bon đến như mở ra một chương mới trong cuộc đời của Bụi. Cậu cũng thêm yêu và tin tưởng hơn vào tình người ở một thành phố rộng thật rộng này.
Dù viết về chú mèo tên Bụi, nhưng Bụi ở Sài Gòn là cuốn sách mang đầy hơi thở của mùa hè, đưa bố mẹ về với tuổi thơ, và giúp các bạn nhỏ gieo những hạt giống hạnh phúc cho thời thơ ấu của mình. Một cuốn sách trong trẻo, gần gũi và đầy mùi vị quen thuộc với mọi người. Một cuốn sách cho những ai đã từng, đang ở, sắp đến và sẽ đến Sài Gòn – TPHCM.
Tác giả Chiều Xuân cho biết, tác phẩm Bụi ở Sài Gòn được lấy cảm hứng từ chính tuổi thơ của chị. Sinh ra và lớn lên ở TPHCM cho đến năm 11 tuổi, chị mới ra Bắc. Bởi vậy, toàn bộ tuổi thơ của chị gần như gói gọn ở đây. “Những năm tháng cấp 3 hoặc đại học, tôi không thấy những năm tháng ở TPHCM có tác động nhiều đến mình. Nhưng kể từ khi làm mẹ, tôi bắt đầu nhớ về tuổi thơ nhiều hơn, nhớ về những gì mà mình đã trải qua và nó là chất liệu làm nên con người mình. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng rất sâu sắc đến cách nuôi dạy con của mình. Bụi ở Sài Gòn chính là món nợ mà tôi muốn đền đáp cho tuổi thơ, cho thành phố mà một thời mình gắn bó”, tác giả Chiều Xuân chia sẻ.
Bên cạnh nội dung nhẹ nhàng, gần gũi và nhân văn, tác phẩm “ghi điểm” trong lòng bạn đọc bởi hình thức trang nhã qua những hình vẽ bằng màu nước đến từ họa sĩ Imnhung (tên thật là Cẩm Nhung). Đặc biệt, các biểu tượng nổi tiếng của thành phố đã được nghệ thuật hóa bằng chất liệu màu nước, nhờ đó, mỗi một “biểu tượng” xuất hiện trên trang sách vừa chân thực, vừa rõ nét và đảm bảo hấp dẫn, thú vị với các bạn nhỏ như: Nhà thờ Đức Bà, tòa nhà Bitexco, Bưu điện thành phố…
Tác giả Chiều Xuân, cũng là Giám đốc Lionbooks, cho biết, Bụi ở Sài Gòn sẽ là tác phẩm khép lại tủ sách Em yêu Việt Nam mình, từng nhận được nhiều tình cảm của bạn đọc với các tựa/bộ sách như: Mở ra là thấy Tết, Mùa hè của nội, Bay giữa mùa hoa, Xuân Hạ Thu Đông…
Sau triển lãm “Thơ ấu của chúng ta”, vào lúc 13 giờ 30 ngày 9-7, cũng tại Nam Thi House sẽ diễn ra workshop “Đọc sâu – Vẽ chậm”. Tại chương trình, các em nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới trong trang sách, được khai thác tối đa tinh thần, ý nghĩa của câu chuyện thông qua hoạt động “Đọc sách – Kết nối” cùng tác giả Chiều Xuân với màn hình tương tác thông minh; lắng nghe chia sẻ của tác giả về tác phẩm Bụi ở Sài Gòn.
Ngoài ra, các em còn được học cách kết nối, biểu đạt cảm xúc, phát huy sự sáng tạo không giới hạn qua sự hướng dẫn của họa sĩ Imnhung.
nguồn: SGGPO
Có thể bạn muốn xem
Tác phẩm Chim ưng và chàng đan sọt đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia: Sự cởi mở hồn nhiên
Tập Trung Tâm Trí, Suy Nghĩ Thông Minh, Quyết Định Sáng Suốt
Sách của nhà văn đoạt giải Nobel bị từ chối tái bản
‘Lẽ sống’ – thử thách giúp vượt khổ đau
Tiểu thuyết của Trần Dần được Hàn Quốc mua bản quyền
‘Xứ Đông Dương’: Phía sau lịch sử Việt Nam
ĐÚNG VIỆC – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh
Lì xì hơn 6.000 cuốn sách tại Đường sách Tết 2024
Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới (Tập 1) – Cẩm nang hạnh phúc