“Ký ức một ảnh viện Sài Gòn – Câu chuyện Viễn Kính” không chỉ kể về hiệu ảnh Viễn Kính và người thợ ảnh tài hoa Đinh Tiến Mậu, mà còn là cuộc kiếm tìm ký ức đô thị Sài Gòn.
Ngày nay lang thang trên mạng, rất dễ bắt gặp những bức ảnh người thời nay theo phong cách Sài Gòn thời xưa. Thậm chí là ảnh chế các ngôi sao nổi tiếng. Những bìa đĩa hát chế đề tên Danh ca Thúy Loan (Taylor Swift), Nữ ca sĩ Lệ Na (Selena Gomez), Tiếng hát Thị Dậu (Lady Gaga), Giọng ca Lan Anh (Lana Del Rey), Băng nhạc Khánh Thy (Katy Perry).
Những bức ảnh chế tưởng chừng chỉ là đùa cợt lại đẹp bất ngờ, dù chỉ là nét đẹp sao chép. Bởi, phong cách gốc của chúng vốn đã đẹp. Đẹp quý phái hào hoa, phảng phất một thời đã xa, những năm gần đây bỗng dưng sốt trở lại. Nào những Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Bạch Yến, Mộng Tuyền, Kiều Chinh, Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Diễm Thúy, Duy Khánh, Hùng Cường…
Những vẻ đẹp thập niên 1960 được lưu giữ bởi bàn tay tài hoa của một nhiếp ảnh gia thầm lặng. Tên ông là Đinh Tiến Mậu.
Câu chuyện về ông được ghi lại trong cuốn sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn – Câu chuyện Viễn Kính. Tác giả là nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Người thợ ảnh “bình thường” của Sài Gòn hào hoa
Đinh Tiến Mậu tự gọi mình là “thợ ảnh”. Tác giả cuốn sách cũng gọi ông là “thợ ảnh”. Một cách gọi mà nhiều “nhiếp ảnh gia” thời nay sẽ khó chấp nhận. Người chụp ảnh là “nghệ sĩ”, “nghệ nhân”, không phải “thợ”, họ sẽ nói. Nhưng cả ông Đinh Tiến Mậu lẫn tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đều hiểu rằng, điều quan trọng là vẻ đẹp của những bức ảnh, không phải danh xưng.
Hiệu ảnh Viễn Kính của người thợ ảnh Đinh Tiến Mậu được mở trên đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) của Sài Gòn từ năm 1963. |
“Tôi ngưỡng mộ người tự nhận mình là một thị dân bình thường”, Nguyễn Vĩnh Nguyên viết trên bìa bốn cuốn sách, “Báo chí đương thời gọi ông Đinh Tiến Mậu – chủ ảnh viện Viễn Kính – là nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ nhiếp ảnh bởi ông đã giữ lại những bóng hình nhan sắc hôm qua, nét hào hoa của Sài Gòn một thuở. Nhưng ông lại thấy mình chỉ là một thợ ảnh bình thường”.
Những người thợ như ông Mậu vẫn sống và giữ gìn những ký ức quý giá của Sài Gòn trong hiệu ảnh nhỏ của mình, gần như vẹn nguyên qua những biến thiên thời cuộc.
Nói “gần như”, bởi những bức ảnh cũng có hình hài vật lý, cũng mất mát, cũng hư hao.
Thực hiện cuốn sách này, tác giả đứng trước một thử thách lớn: nghệ sĩ Đinh Tiến Mậu là người kiệm lời. Ông không thích tuyên ngôn. Nhiều nhà báo khác không thể hình dung có thể viết nổi một cuốn sách về ông.
Cuốn sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn – Câu chuyện Viễn Kính . |
Trong 3 tháng tiếp cận và trò chuyện, Nguyễn Vĩnh Nguyên nhiều lần thấy nhân vật lúng túng khi được hỏi về “quan điểm nghệ thuật, lý thuyết nhiếp ảnh và các vấn đề có vẻ hệ trọng khác”. Với nhiều nhà báo, đó sẽ là một hụt hẫng. Họ sợ thiếu thông tin. Nhưng với anh, đó là một hạnh ngộ.
Và anh viết về Viễn Kính, về Đinh Tiến Mậu qua lời kể của chính ông. Trong lời nói của ông không có tuyên ngôn, mà là những mẩu chuyện đôi khi rời rạc về cuộc đời của một con người vốn có duyên gắn bó với nhiều con người. Những mẩu chuyện đó, khi gộp lại, cũng đủ tạo nên một bầu không khí miền Nam trước năm 1975.
Trong cuốn sách cũng không in tuyên ngôn to tát nào. Nhưng suy ngẫm về nghề thì rất nhiều. Đây là một trong số đó: “Mỗi bức ảnh là khoảnh khắc chỉ đến một lần nhưng mang biết bao suy nghĩ về số phận, nhận về biết bao niềm trân quý giữa cuộc đời nhiều dịch biến” (trang 83).
Thẩm Thúy Hằng mặc áo dài bà Nhu, Diễm Thúy khoe khuôn ngực đầy
Viễn Kính, tên hiệu ảnh, vừa nói đến ống kính tele để chụp xa trong nhiếp ảnh, vừa mang ý nghĩa tầm nhìn xa. Dù chỉ là anh thợ ảnh bình thường, ông Đinh Tiến Mậu vẫn tâm niệm phải có tầm nhìn xa với nghề.
Ông quan niệm: “Nắm bắt được chiều sâu nội tâm quan trọng hơn rất nhiều so với việc tạo ra một bức ảnh đẹp nhưng chỉ đẹp bề mặt hời hợt, chẳng có gì đọng lại”.
Ông có cơ duyên hợp tác với hãng phim Việt Thanh của ông Trần Văn Trạch (em trai GS Trần Văn Khê) và hãng phim Mỹ Vân của ông Lưu Trạch Hưng. Ông nhận đơn chụp ảnh theo từng phim, chụp diễn viên.
Diễn viên thời đó, nổi tiếng nhất phải kể đến Thẩm Thúy Hằng, “Người đẹp Bình Dương”, vẻ đẹp nóng bỏng rất Tây khiến khán giả lẫn đồng nghiệp mê mẩn. Nguyễn Vĩnh Nguyên đánh giá, bức ảnh ông Mậu chụp Thẩm Thúy Hằng trong chiếc áo dài bà Nhu có thể coi là chuẩn mực của vẻ đẹp phụ nữ và hình ảnh con người thời đó.
Bức ảnh chuẩn mực của Thẩm Thúy Hằng từ vẻ đẹp, trang phục, dáng ngồi và tinh thần. Ảnh do Nguyễn Vĩnh Nguyên chụp lại từ ảnh tư liệu của Đinh Tiến Mậu. |
Trong ảnh, minh tinh tóc vấn cao, uốn phồng, cả tư thế ngồi lẫn cách hai bàn tay nắm vào nhau đều đẹp, tự nhiên, tinh tế. “Cứ như thể người chụp ảnh đã có nhiều thời giờ lặng im trước nhan sắc này”, tác giả viết. Điều đó đúng với phong cách chụp ảnh Đinh Tiến Mậu. Ông dành rất nhiều thời gian để ngắm nhìn, quan sát trước khi chụp.
Và Thanh Nga, mỹ nhân cải lương có vẻ đẹp thanh tao quý phái chứ không gợi dục sỗ sàng, được ông Mậu chụp trong chiếc áo dài cổ cao, đeo vòng ngọc trai, những ngón tay thanh mảnh đỡ lấy một nhành hoa.
Trong loạt hơn 60 bức ảnh đăng kèm cuốn sách, độc giả có lẽ dừng lại lâu nhất ở hình ảnh ca sĩ Diễm Thúy. Một “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” không cần thêm tưởng tượng. Diễm Thúy ngả người trước ống kính, dây váy tuột xuống bờ vai. Hình ảnh bạo kể cả so với thời nay, chưa nói là thập niên 1960.
Hai bức ảnh nóng bỏng nhất trong bộ sưu tập của Đinh Tiến Mậu, chụp ca sĩ Diễm Thúy. |
Công việc thường xuyên tiếp túc với nhiều giai nhân như vậy, ông Mậu đặt ra cho mình những nguyên tắc ứng xử chừng mực. Ông từng được giao xe hơi riêng để chở các ngôi sao đi xa chụp ảnh ngoại cảnh, trong đó có lần chụp Thẩm Thúy Hằng mặc bikini ở suối Lồ Ồ, Bình Dương, hay lần chụp Thanh Nga ở Đà Lạt. Ông không ở cùng khách sạn mà thuê chỗ ở ngoài, chị hẹn gặp ở nơi chụp ảnh.
Ngòi bút tinh tế của Nguyễn Vĩnh Nguyên chỉ ra rằng, có lẽ còn những xúc cảm giấu kín đằng sau tay máy của người thợ ảnh. Bởi, “nếu hoàn toàn vô nhiễm khi đứng trước những nhan sắc một thời”, thì “không thể nào tạo ra những bức ảnh nâng niu cái đẹp vượt thời gian”.
Với nhiều con mắt, ảnh giai nhân chỉ là ảnh giai nhân, còn qua con mắt Nguyễn Vĩnh Nguyên, những bức ảnh cũng là một phần của thời cuộc. Anh viết: “Những bức chân dung thách thức thời gian ấy vẫn toát lên sinh khí của một thời kỳ văn hóa đô thị giàu có và tươi đẹp”.
Cuốn sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn – Câu chuyện Viễn Kính dày 223 trang, do NXB Trẻ và Phương Nam Book ấn hành. Sách ra tháng 10/2017.
“Trong mắt anh, không ai đẹp bằng em”
Cũng năm 1963 (năm mở tiệm Viễn Kính), nghệ sĩ Đinh Tiến Mậu cưới vợ là nhân viên kế toán Phan Kim Bình. Bà vợ rất ngạc nhiên, nói ông toàn chụp các giai nhân nổi tiếng Sài Gòn, sao lại muốn cưới một cô kế toán. Ông Mậu nói: “Trong mắt anh, không ai đẹp hơn em cả”.
Vợ chồng họ sống với nhau đã 54 năm, trong ngôi nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM (nơi trước đây là hiệu ảnh Viễn Kính ở đường Phan Đình Phùng, Sài Gòn).
Theo Mi Ly/Zing.vn
Có thể bạn muốn xem
10 cuốn sách kỳ lạ nhất mọi thời đại
5 giây thay đổi suy nghĩ để cải thiện 90% hiệu suất (minh họa)
Vì sao công nghệ phát triển nhưng đi du lịch vẫn cần có bản đồ giấy?
Thủ lĩnh số thế hệ Y
Thêm tuổi thêm duyên
Thuật ngữ Tử vi dễ hiểu
TỪ ĐIỂN KHAZAR
Khuyến đọc từ trường học
10 lợi ích của việc luyện viết thư pháp.