Gió xuân thổi nhẹ như những cánh áo cô tiên vừa phơ phất bay qua. Mưa nhỏ xuống mặt đất những làn mỏng tang như từng bức rèm kết bằng ngàn vạn hạt châu li ti.
Bầu trời đẹp thế. Hoa cỏ cũng đẹp thế. Nhưng thằng Rin cứ đứng nhìn về phía nhà ông Quảng, nơi có bóng cây bàng xanh um mọi ngày.
Thoạt nhìn tưởng nó đứng nhìn xem mặt trời lặn cách nào. Bởi nó luôn hỏi bố, mặt trời đi ngủ sớm hơn con, mặt trời có được nằm ở cái đệm kẻ ô như thế này không? Mặt trời có đánh răng mới được đi ngủ không? Hằng bao nhiêu câu hỏi về mặt trời, giờ thằng Rin tạm gác sang bên. Nó đứng nhìn hình bóng cây bàng mọi ngày ở trên vỉa hè phố, trước cổng nhà ông hàng xóm. Giờ chẳng còn cây bàng cho lũ thằng Rin chơi mỗi chiều nữa.
Hôm trước bà Quảng ra cổng réo: Tổ sư bố lũ nhãi con kia, chúng mày có biết nhà bà đang có người bệnh không hả? Cả chiều chúng mày hò hét ầm ĩ trước cửa. Đi ra chỗ khác chơi đi cho ông mày nằm yên.
Thằng Hùng cãi: Chúng cháu chơi với cây bàng chứ có làm gì đến nhà ông bà đâu nào?
Thằng Rin cũng phụ họa: Chúng cháu ngồi chơi ở đây mát lắm bà ạ. Bà cho chúng cháu chơi một lúc nữa thôi.
Bà Quảng quát: Không lát liếc gì nữa, nhé. Mai tao cho thợ chặt bàng cho xong. Cây bàng này là của ông ấy trồng ngày mới về đây, chẳng phải của hàng phố, nhé.
Vậy mà sáng nay bà Quảng cho thợ chặt cây bàng thật. Chỉ một loáng chỗ có bàng mát rượi mọi ngày đã trống hoang trống hoác. Thợ xếp được cả đống gỗ bàng, đợi buôn gỗ đến chở đi. Những thớ gỗ bàng xám ngoẹt nhựa. Lũ trẻ đứng trong nhà xem công cuộc đốn bàng. Rồi chúng truyền tai nhau: Chơi ở đâu bây giờ chúng mày nhỉ? Lũ trẻ nhìn nhau, cố tìm kiếm một chỗ vừa có thể bắn bi, vừa được leo trèo. Nhất là vào mùa hè, khi cái nóng đổ ụp lên đầu thành phố, bọn trẻ con hè nhau hái những quả bàng non, ghè ra ăn như thể ở nhà chúng không có hoa quả chất đầy tủ lạnh. Rồi thằng nào thắng thì được công kênh ngồi trên chạc cây cong cong khỏe nhất, được lũ bạn ghè cho ăn hàng chục quả bàng xanh. Ăn đến xanh lè cả lưỡi.
*
Buổi học ở lớp, cô giáo Hoa thông báo tin vui: Trường ta sẽ ngăn một vườn cây phục vụ cho việc thực hành. Các em mỗi người đăng kí đóng góp một cây giống có trong bảng danh sách. Chúng ta sẽ trồng vào đợt tết trồng cây năm mới. Mỗi em sẽ được hướng dẫn tự chăm sóc cây của mình.
Đứa hỉ hả. Đứa thì kêu ca. Vui quá, mình sẽ chăm cho cây lớn, rồi hái quả mang về khoe mẹ. Đứa bên cạnh bĩu môi, mày học đúp mới chờ cây ra quả được nhé. Đứa bàn trên càu nhàu: Lại phải nhờ bố đưa lên chợ cây Hoàng Hoa Thám…
Tan học, thằng Rin chạy thẳng về gốc cây bàng bị chặt hôm nào. Đêm qua, nó đã nhìn thấy một cây bàng non run rẩy chồi lên trong mưa phùn đầu xuân. Có lẽ một quả bàng già nào đó đã chui xuống đất cạnh gốc cây, và nằm im chờ mùa xuân đến.
Nó đã đăng kí trồng một cây bàng với cô giáo. Trong sổ cô đã ghi. Nó chạy quên cả đợi lũ bạn cùng về. Đây rồi. Vẫn mấy cái lá non đang khe khẽ rung dưới làn gió xuân. Trên những cánh lá, còn đọng những hạt mưa bụi long lanh.
Thằng Rin lay cổng nhà bà Quảng.
Bà ló ra, giọng càu cạu: Thằng cháu Rin gọi gì bà thế?
Rin khe khẽ hỏi (chỉ sợ bà không ừ một tiếng): Bà ơi, lớp cháu, à quên trường cháu có tết trồng cây…
Bà Quảng nhẹ giọng: Vậy là tốt đấy thằng cháu Rin.
Nó mạnh dạn hẳn lên: Bà cho cháu xin cây bàng nhỏ xíu kia nhé. Cháu hứa sẽ chăm sóc cho nó lớn thật nhanh thật khỏe.
Bà Quảng gật đầu cười: Tưởng gì, thằng cháu ngoan. Để bà bứng cho mày. Bà bứng thì cây sẽ lớn nhanh đấy. Bà đành phải chặt cây bàng vì họ sắp làm đường cao tốc qua đây rồi cháu ạ.
Ôi hôm nay bà Quảng không cau có nữa. Lạ quá. Chắc ông Quảng đã ngồi dậy được, vì thằng Rin vừa thấy ông nhìn hai bà cháu từ cửa sổ.
Cây bàng non được bà Quảng khéo léo bứng lên cùng lớp đất mịn, như khẽ cười với Rin, rủ Rin cùng lớn để kết bạn.
Võ Thị Xuân Hà
– Thành Công, 16.11.2015 –
Có thể bạn muốn xem
Bí mật của những bí mật
Thơ của Mai Văn Phấn được xuất bản tại Hàn Quốc
Bản thiết kế vĩ đại
Vật lý thiên văn cho người vội vã
Điều hay từ sách Đã đến giờ kể chuyện của Gérard Jugnot
Hai lần nhận được tiên tri, Nguyễn Trãi vẫn không thoát nổi bị tru di tam tộc
Ngày thơ 2019 tôn vinh thơ ca về chiến tranh bảo vệ biên giới
Giữa đại dịch, nhà văn có đang là ‘thư ký trung thành của thời đại’?
“Kỉ nguyên khô hạn” và “Cơn khát khủng khiếp”