Trên trái đất này chẳng có gì tự nhiên sinh ra. Mọi điều xảy ra trong cuộc sống đều có lý do của nó. Và thường thì những sự cố hay mọi cuộc khủng hoảng đều bắt nguồn từ những việc làm không đúng đắn.
Một số người cho rằng, sự cố hay khủng hoảng là những điều không may mắn xảy đến với bản thân hay công việc. Một số khác lại nghĩ sự việc xảy ra rồi thì còn làm được gì nữa ngoài việc chấp nhận và đi dọn dẹp hậu quả.
Thực ra gốc rễ của mọi vấn đề đều xuất phát từ chính bên trong mỗi cá nhân hay tổ chức. Xử lý khủng hoảng đơn thuần chỉ là hoạt động đi dập ngọn lửa đang cháy.
Đối với mỗi cá nhân, khủng hoảng xảy ra đa số là do cách ứng xử và thái độ đối với sự việc xung quanh. Đối với một tổ chức, khủng hoảng có thể là hậu quả của những hành vi và thái độ không phù hợp với những chuẩn mực hoặc quy định đã đặt ra.
Trong nhiều tập đoàn hoặc doanh nghiệp lớn, các hoạt động quản trị rủi ro và xử lý khủng hoảng thường được ưu tiên hàng đầu. Trên thị trường, các khóa đào tạo về xử lý khủng hoảng được tổ chức liên tục với rất nhiều học viên. Nói vậy để bạn có thể hình dung ra tầm quan trọng của hoạt động này trong đời sống.
Tuy nhiên, dù có đặt là ưu tiên hàng đầu hay đổ “tiền tấn” ra theo học các lớp đào tạo, hoạt động xử lý khủng hoảng cũng thường chỉ để giải quyết phần ngọn.
Câu hỏi bạn đặt ra là làm sao không để xảy ra các sự cố hoặc các cuộc khủng hoảng? Hiển nhiên là trong cuộc sống, điều này là không bao giờ có. Vấn đề là làm thế nào để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra khủng hoảng, bảo vệ được danh tiếng, hình ảnh của cá nhân và tổ chức.
Tất cả giải pháp đều nằm ở “cái thái độ”.
Đó là thái độ của mỗi cá nhân trong tổ chức đối với công việc mà mình phụ trách. Đó là thái độ của mỗi nhân viên đối với sản phẩm và dịch vụ do công ty mình cung cấp. Đó là thái độ của người lãnh đạo đối với các hoạt động tuân thủ trong công ty. Trên hết, đó còn là thái độ của công chúng hay giới truyền thông đối với cách hành xử của công ty trên thị trường.
Ngày nay, có rất nhiều ví dụ cho thấy danh tiếng – tài sản giá trị nhất của một cá nhân và tổ chức – có thể được bảo vệ hoặc có thể bị hủy hoại hoàn toàn chỉ vì “cái thái độ”.
Chết vì cái thái độ là cuốn sách nhỏ tập hợp một số bài mà chuyên gia Khuất Quang Hưng đã viết trên blog cá nhân về quản trị danh tiếng và xử lý khủng hoảng từ năm 2014. Dữ liệu và thông tin trong các bài viết là tài liệu tham khảo, tổng hợp từ các nguồn tin đã được công bố rộng rãi như báo chí, các trang thông tin điện tử có giấy phép, website của các công ty, các tập đoàn trong và ngoài nước.
Cuốn sách này không nhằm mục đích đưa ra những đánh giá tiêu cực hoặc chỉ trích bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp, hoặc cá nhân nào. Ngược lại, thông qua những sự việc có thật đã xảy ra, tác giả muốn phân tích và chia sẻ những điều nên hay không nên làm trong quản trị danh tiếng với góc nhìn của một người đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Đây cũng chính là những vấn đề mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt hàng ngày.
Tác giả cũng không có ý định cung cấp các lý thuyết hay dạy cho bạn đọc những mô hình xử lý khủng hoảng cũng như không có ý định phổ biến hoặc ca ngợi những thủ thuật truyền thông đi ngược lại các giá trị đạo đức của người làm truyền thông. Chết vì cái thái độ hoàn toàn là những quan điểm cá nhân mà tác giả mong muốn được chia sẻ cùng bạn đọc khi bàn về chủ đề quản trị danh tiếng lý thú này.
Cuốn sách dành cho những người làm trong lĩnh vực quan hệ công chúng, doanh nhân và cả các bạn sinh viên yêu thích lĩnh vực truyền thông và báo chí.
Tác giả: Khuất Quang Hưng
Nhà xuất bản: NXB Tổng hợp Tp.HCM
Công ty phát hành: DTBooks
Có thể bạn muốn xem
Đọc “Túi bạc Sài Gòn”
BIẾN MỌI THỨ THÀNH TIỀN
Chiếc Birkin Màu Cam – Tự Chủ Tài Chính Cá Nhân
Bị Theo Dõi
Nguyễn Phong Việt ra mắt tập thơ mới ‘Sao phải đau đến như vậy’
‘Dũng sĩ Hesman’ có tập mới sau 25 năm, Gasco sẽ sống lại
Công trình giá trị về tín ngưỡng thờ Mẫu
3 người Thầy vĩ đại
Con Gái Của Thời Gian