Có những câu chuyện chỉ đi thoảng qua tâm trí người đọc như một cơn gió nhẹ, nhưng cũng có những câu chuyện đã để lại trong tâm trí người đọc nhiều suy nghĩ vui buồn lẫn lộn, người đọc nhiều khi vui buồn, hoặc rơi nước mắt khóc cùng tác giả. Cũng có khi họ để cho trái tim của mình rung theo nhịp đập của tác giả, và những câu chuyện như thế nó sẽ còn tồn tại mãi với thời gian. Bao Giờ Cho Tới Ngày Xưa của tác giả Tuyền Nguyễn là một câu chuyện như thế.
Sự xuất hiện của cô bé Tuyền
Tác giả Tuyền Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, đã xuất bản các tác phẩm như tiểu thuyết Gió qua miền hoa trắng; Tập truyện ngắn Những mảng màu ký ức; Tập truyện dài thiếu nhi Những chú vịt mồ côi; Bao giờ cho đến ngày xưa; Và sắp xuất bản truyện dài thiếu nhi Miền quê ngoại; Tập truyện ngắn Khoảng trời xanh ở lại.
Lời ngỏ cho tập truyện dài Bao giờ cho đến ngày xưa, tác giả Tuyền Nguyễn đã viết : “Tôi viết cho tôi, cho tháng ngày ở đậu nhà chú Sáu bên xóm nhỏ ven sông. Tôi kể về thời thơ dại ấy ở thời điểm hai mươi năm sau, không biết còn ai nhớ đến, nhưng trong tim tôi, mọi thứ vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu”.
Bao giờ cho đến ngày xưa, tập truyện dài bao gồm tất cả 15 chương, tổng cộng 182 trang sách, sách được nhà xuất bản Thanh Niên phát hành và tái bản quý II năm 2017. Nội dung truyện kể về tuổi thơ của cô bé Tuyền mới 10 tuổi, học lớp 5 “vì ba má đi làm ăn xa, lâu nay gởi tôi ở nhà ông bà ngoại, nhưng bà vừa mất khi năm học mới bắt đầu, vì thế ba gởi tôi sang nhà chú Sáu ở tạm cho tới khi tôi tốt nghiệp tiểu học xong sẽ chuyển trường lên Tây Nguyên” (trang 7).
Thực ra thì phải đến cuối câu chuyên, tác giả mới cho người đọc biết là cô bé Tuyền trong nội dung câu chuyện lúc đó mới được 10 tuổi (ký ức của đứa trẻ mười tuổi lúc tỏ lúc mờ, trang 172). Sau hai mươi năm xa cách cô bé Tuyền gặp lại chú Sáu: “Thời gian đã trôi qua rất xa, nhưng chú thím vẫn cứ ngỡ tôi như đứa trẻ mới mười tuổi ngày nào” (trang 174).
Như tác giả đã viết: “Ký ức của đứa trẻ mười tuổi lúc tỏ lúc mờ”, cho nên có thể nhiều chuyện có thể là nhầm lẫn, hoặc nhớ không chính xác. Mở đầu câu chuyện tác giả viết: “ba má đi làm ăn xa gởi tôi ở nhà ông bà ngoại” (trang 7), mà nhà chú Sáu cách nhà ngoại khoảng 1km đường ruộng (trang 9), điều này khiến cho người đọc có nhiều suy nghĩ đó là trong suốt thời gian ở nhà ông bà ngoại học từ lớp 1 cho đến hết năm lớp 4, mà cô bé Tuyền chưa bao giờ sang nhà Chú Sáu. Cho đến khi bà ngoại vừa mất khi năm học mới bắt đầu, vì thế ba mới gởi tôi sang nhà chú Sáu ở tạm (trang 7).
Trong khi đó cô bé Tuyền sang nhà chú Sáu để ở tạm và bắt đầu vào học lớp 5, đoạn đường từ nhà chú Sáu đến trường được miêu tả: “nhiêu đó cũng đủ làm tôi mỏi rạc tay trong suốt đoạn đường hơn hai cây số” (trang 140). Vậy từ nhà chú Sáu đến trường hơn 2km, nhưng từ nhà chú Sáu đến nhà ngoại chỉ cách khoảng 1km đường ruộng, nhưng trong suốt 1 năm ở nhà chú Sáu, nhưng cô bé Tuyền cũng không hề về thăm ông ngoại.
Đoạn đầu tác giả viết: “ba má đi làm ăn xa, lâu nay gởi tôi ở nhà ông bà ngoại, nhưng bà vừa mất khi năm học mới bắt đầu. Bà ngoại mất, chứ ông ngoại có mất đâu? Bởi vì trong suốt cả câu chuyện, người đọc không hề thấy tác giả đề cập đến việc ông ngoại mất. Điều đó chứng tỏ bà ngoại mất, nhưng ông ngoại vẫn còn sống và lẻ loi cô đơn một mình?
Mặt khác, từ nhà chú Sáu đến trường hơn 2km, nhưng từ nhà chú Sáu đến nhà ông bà ngoại chỉ khoảng 1km đường ruộng, vậy trong vòng bán kính hơn 3km ấy, ngày xưa trường học ít, có khi mấy xã mới có một ngôi trường, vậy mà cô bé Tuyền học lớp 5A cùng khối với bọn con Tú, thằng Hận, con Thắm, thằng Kha, thằng Toàn, con Thúy. Vậy mà cả đám không ai biết cô bé Tuyền, chắc trước đấy không học chung trường, hoặc trong vòng bán kính 3km ấy có đến mấy ngôi trường? điều này cũng khiến cho người đọc có rất nhiều suy nghĩ.
Hơn nữa, ngày xưa học sinh đâu có đông đúc như bây giờ, cô bé Tuyền lại được miêu tả là học giỏi, năm nào cũng được nhận giấy khen, vậy mà đám bạn cùng khối mới quen, trước đây không hề biết cô bé Tuyền. Trong khi đó cô bé Truyền được kể chủ yếu là sống với ông bà ngoại, vậy không biết cô bé Tuyền học ở đâu từ năm lớp 1 đến hết năm lớp 4, điều này không được tác giả miêu tả (nội dung câu chuyện chỉ xoay quanh việc cô bé Tuyền ở nhà chú Sáu, và học lớp 5).
Nhưng ở trang 157, có một đoạn tả: “năm ấy gia đình tôi lại chuyển về miệt ấy làm ăn, nhà tôi nằm cạnh lòng hồ thủy điện Hàm Thuận Bắc. Mùa mưa, nướctừ suối Hộ tràn về, từng đàn cá mè lội ngược dòng lên thượng nguồn sinh sản. Người ta chắn lưới ngang suối, đàn cá đang bơi gặp lưới phóng lên không trung từng đàn một, như cá chép vượt vũ môn. Những con cá mè vảy màu hồng, nặng từ hai đến năm ký, mắt mở thao láo khi bay lên trên không. Tôi đứng nhìn cảnh ấy đến mê muội tưởng như lạc vào cảnh thần tiên nào đó, chứ không phải giữa đời thường”.
Chính đoạn văn miêu tả trên có cái gì đó khiến cho người đọc khó hiểu, bởi vì cô bé Tuyền ngay đầu câu chuyện được miêu tả là chủ yếu sống với ông bà ngoại, còn bố mẹ đi làm ăn xa, ở với ông bà ngoại thì phải học trường ở gần nhà ông bà ngoại, chứ không thể học ở nơi gần ba má được. Sở dĩ cô bé Tuyền được gởi ở nhà ông bà ngoại chăm sóc là vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, vậy đoạn văn trên chắc trong thời gian nghỉ hè, cô bé Tuyền được cho về thăm gia đình, điều này chắc cũng khó xảy ra, vì đường xá xa xôi, cũng vì điều kiện kinh tế là do quá nghèo, thậm chí tết nhất, có nhiều năm mẹ cô bé Tuyền còn không về thăm ngoại vì không có tiền để đi tàu xe.
Như vậy, sự xuất hiện của cô bé Tuyền trong truyện cũng chưa thực sự để lại nhiều ấn tượng đối với người đọc, đặc biệt là đối với những độc giả khó tính. Cái hay của truyện chính là ở phần nội dung kể về cô bé Tuyền trong suốt một năm ở nhà chú Sáu để học lớp 5, đối với những ai đã trải qua tuổi thơ, thời học sinh cách đây hai, ba chục năm, đọc Bao giờ cho đến ngày xưa, người đọc có thể nhớ đến một thời quá khứ đã xa, nhưng nó gợi nhớ đến biết bao nhiêu kỷ niêm.
Sự hiếu học của những đứa trẻ ở một vùng quê nghèo
Cô bé Tuyền đến ở nhà chú Sáu đã nhanh chóng có thêm những người bạn học cùng khối, đó là những người bạn học cùng khối lớp 5 như Hận, Tú, Toàn, Thúy, Kha, những đứa trẻ trên vốn chơi thân với thằng Quyền con nhà chú Sáu, cái ngày đầu tiên cô bé Tuyền đến nhà chú Sáu cũng đúng đêm tết Trung thu, bọn trẻ đến nhà chú Sáu rủ thằng Quyền đi chơi và nhân dịp này cô bé Tuyền đã quen, sau đó chơi thân với cả nhóm bạn trên.
Trong số nhóm bạn trên, gia cảnh mỗi đứa một khác nhau, nhưng có một điểm chung đó là tất cả đều thuộc dạng “con nhà nghèo” quần quật lao động quanh năm tất cả cũng chỉ lo kiếm ăn từng ngày, nhưng tất cả nhóm bạn đều chăm học. Trong nhóm chỉ có thằng Hận là khổ nhất, ba má nó thường đi chợ đêm để bán rau, và rau chủ yếu là do nhà tự trồng, thằng Hận mới hơn 10 tuổi đầu đã phải làm việc như một người lớn thực sự.
Ngày nào thằng Hận cũng phải gánh nước tưới rau, có nhiều hôm từ chiều tối đến đêm, rất nhiều ngày như thế, nó phải gánh rau ra tận chợ cho mẹ nó bán. Vì vậy mà việc học của nó không được kết quả tốt lắm. Thậm chí thằng Hận còn hay bị ba nó đánh, và bắt nó phải nghỉ học, bởi vì ba nó nghĩ nó học cũng chẳng để làm gì, mà nghỉ học thì nhà nó sẽ có thêm một lao động chính. Mặc dù bị ba nó đánh đòn roi và rày la thường xuyên, nhưng thằng Hận vẫn quyết tâm không bỏ học, và sau này khi học xong cấp ba, nó đã trốn ba nó đi thi đại học, và cuối cùng trở thành kỹ sư ngành dầu khí. Thực ra động lực để cho thằng Hận quyết tâm học một phần chính là nhờ nó quen biết cô bé Tuyền.
Việc quen biết cô bé Tuyền với thằng Hận và đám bạn của nó đã có những ngày rất vui vẻ bên nhau, rảnh rỗi thì cả đám rủ nhau đi chơi, ra bờ sông hóng mát, đi hái quả keo, hoặc chơi đánh trận giả cùng nhau. Ngày sinh nhật của cô bé Tuyền cũng thật sự đáng nhớ, cái tuổi thơ của những đứa trẻ ở vùng quê ngày trước cách đây hai, ba mươi năm làm gì có gia đình nào tổ chức sinh nhật cho con cái, họ đang còn phải lo miếng cơm manh áo hằng ngày.
Không có những người thân nhất như ba má ở bên cạnh, nhưng bù lại cô bé Tuyền cũng có những người bạn rất thân thiết, thằng Hận đã tặng cô bé Tuyền một bó hoa hành màu trắng, còn thằng Kha thì buổi sáng hôm đó đi học nó đã tặng cô bé Tuyền một rất nhiều hoa ổi trắng thơm phức.
Cũng trong thời gian ở nhà chú Sáu, cô bé Tuyền và cả nhóm bạn đã quen biết thêm một người bạn mới, đó là Đông, nó lớn hơn cô bé Tuyền 2 tuổi, làm nghề ở đậu chăn trâu cho người ta. Một cái “nghề” mới nghe đã thấy xót xa, nó thường xuyên bị chủ đánh đập bằng roi, và nó không biết chữ do không được đi học. Tuy khổ sở làm lụng từ bé, nhưng nó trắng trẻo, cao ráo đẹp trai, và về trong xóm nó đã nhanh chóng có những người bạn mới, đó là cô bé Tuyền và nhóm bạn của Tuyền. Vì nó được đi đây đi đó nhiều nơi, nên những câu chuyện nó kể khiến cho nhóm bạn của Tuyền như được mở mang thêm tầm mắt.
Nhưng vì kiếp ở đợ khổ sở, phải đi đây mai nó, không ở được với chủ mới, và nghe nói má nó về đón, nên thằng Đông cũng ra đi không một lời từ biệt với nhóm bạn mới quen, giữa Đông và cô bé Tuyền cũng chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại.
Một năm ở nhà chú Sáu, có rất nhiều vui buồn với cô bé Tuyền, nhưng nhìn chung niềm vui nhiều hơn nổi buồn, vì ở cái lứa tuổi ấy tất cả đều vô tư, hồn nhiên vui tươi và tinh nghịch, nhưng bù lại là tất cả những đứa trẻ trong xóm đều rất chăm học. Thằng Quyền vốn học kém và chậm hiểu, nhưng sau trận ốm “thập tử nhất sinh” nó đã quyết tâm trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn, biết vâng lời ba má, và nó nhờ cô bé Tuyền làm gia sư dạy học cho nó, nó quyết tâm cuối năm học sẽ đạt học sinh tiên tiến, cuối cùng tổng kết năm học nó cũng đã đạt được ước nguyện.
Ngày nay nếu giáo viên đánh học sinh, chỉ cần học sinh bị giáo viên vụt một cái thước kẻ vào tay, hoặc vào mông, thì đúng là một chuyện “tày đình” to tát lắm, nhưng đọc Bao giờ cho đến ngày xưa, đoạn văn miêu tả: “Ngày nào giáo viên cũng khảo bài, bắt làm bài. Đứa nào lười biếng sẽ bị đánh bằng cây thướcc gỗ dài gần cả mét. Cây thước ấy vô tình quất vào tay, vào mông thì y như rằng chỗ ấy ra như muốn nứt toác ra” (trang 123).
Qua đoạn văn trên, cách đây hai, ba mươi năm, học trò bị giáo viên đánh như vậy là chuyện rất bình thường, nói chung là không có vấn đề gì cả, bởi vì nó là điều thực tế, những ai đã trải qua tuổi thơ, thời học sinh, hay nói đúng ra là đọc đến đoạn văn trên nhiều người mới nhớ lại một thời mình đã tùng bị giáo viên đánh, lỗi thường là nghịch trong lớp học, hoặc là không thuộc bài, không làm được bài v.v… Những trường hợp nêu trên, khi bị giáo viên đánh, thực ra cũng chỉ là một chuyện nhỏ, rất bình thường, không co gì to tát cả.
Học sinh ngày nay kể ra đi học cũng vất vả không có thời gian vui chơi, được học hành thoải mái như ngày xưa, việc cô bé Tuyền cùng nhóm bạn, buổi sáng đi học, nhưng buổi chiều cả nhóm bạn có thể rủ nhau đi chơi, đi ra bờ sông hóng mát, hoặc chơi đánh trận giả, nói chung là có thời gian rảnh rỗi rất nhiều, bởi vì ngày ấy chỉ học có một buổi, thời gian còn lại có thể làm việc giúp gia đình, hoặc đi chơi. Vì vậy mà đọc Bao giờ cho đến ngày xưa, người đọc cũng có thể liên tưởng, hồi tưởng lại quá khứ, như chính bản thân của mình đã trải qua, cho nên mới nói “người đọc nhiều khi cũng vui buồn cùng tác giả” là ở chỗ đó.
Đọc Bao giờ cho đến ngày xưa, phải công nhận những đứa trẻ trong xóm nơi nhà chú Sáu mà cô bé Tuyền ở là rất chăm học. Ở vùng quê, ngày trước cách đây hai, ba chục năm, nếu trời mưa, thì thường là học sinh nghỉ học hết, chỉ trừ trường hợp đang đi học mà gần đến trường, trời bất ngờ đổ cơn mưa thì mới cố đi đến lớp, chứ còn trời đã mưa, thì đa số học sinh đều nghỉ học hết. Nhưng cô bé Tuyền và những đứa trẻ con trong xóm vẫn đội mưa đến lớp “chúng tôi vừa đi vừa bấm ngón chân xuống đất để khỏi trượt té, dép cặp bên hông, vẫn vô tư đến trường trong màu mưa bàng bạc, trong gió lùa lạnh buốt từng cơn” (trang 143).
Và phải chăng cũng chính vì sự chăm học ấy mà sau này cô bé Tuyền và nhóm bạn của Tuyền nhìn chung đều học hành thành đạt. Con Tú thì làm luật sư, thằng Toàn thì đi học sỹ quan, thằng Hận thì trở thành kỹ sư, chỉ có con Thắm thì bỏ học sớm lấy chồng sau khi bỏ học lớp 9…
Nhìn chung sau một năm ở nhà chú Sáu, cô bé Tuyền rất có ý thức, không để cho cha mẹ phải lo lắng, tự chăm sóc bản thân, và đặc biệt là rất có ý thức trong việc học, cố gắng học thật giỏi. Ngay sau khi tốt nghiệp tiểu học, chia tay với những người bạn thân thiết, cô bé Tuyền đã được má về đón lên Tây Nguyên, mở ra một hành trình mới trong cuộc đời của cô bé Tuyền.
Kết thúc câu chuyện, sau hai mươi năm dài đằng đẵng xa cách, cô bé Tuyền mới có dịp về thăm lại mái trường xưa, thăm lại nhóm bạn học cùng khối lớp 5, thăm lại gia đình chú Sáu. Đoạn văn tả lại cảnh cô bé Tuyền gặp lại chú Sáu cũng rất cảm động, gặp lại người thân sau hai mươi năm xa cách, cũng khiến người đọc cảm động rơi nước mắt.
Bước chân tôi run run khi bước lên bậc thềm cũ, dẫu giờ đây chẳng còn nền đất như xưa. Chú thím Sáu đang ngồi trước cửa, mái tóc điểm bạc, khuôn mặt đã già đi rất nhiều. Thím Sáu nheo mắt ra khoảng sân đầy nắng, nơi có một dáng người đeo ba lô, ngập ngừng bước mỗi lúc một gần hơn. “Con kiếm ai vậy?” “thím… thím Sáu… con … con nè!” Cảm xúc vỡ òa, làm lòng ngực tôi nghèn nghẹn. Chú thím đứng dậy rồi thảng thốt gọi. “Trời ơi, con Tuyền. Về hồi nào vậy con?” Thím mừng rỡ chạy đến ôm tôi, chú vỗ vai tôi nghẹn ngào: “Cha mày mau lớn quá!” Thời gian đã trôi rất xa, nhưng chú thím vẫn cứ ngỡ tôi như đứa trẻ con mới mười tuổi ngày nào (trang 174).
Gặp lại con Tú sau hai mươi năm xa cách, và thông qua nó, biết được hoàn cảnh của từng đứa bạn ngày xưa, và đặc biệt là thằng Hận, theo như lời của con Tú: “Mày có biết thằng Hận đã chờ mày biết bao lâu không? Chiều nào nó cũng lên dò đất đứng nhìn xa xăm trông ngóng mày về. Bao mùa hè đi qua nó vẫn đợi” (trang 176). Nghe tới đó kỷ niệm lại ùa về thoáng ngập trong tâm trí tôi. Tôi tự trách mình sao không về ngắm hoa cùng Hận trong những chiều gió thổi, để nó bớt cô đơn trong quãng đời tuổi thơ buồn bã (trang 176).
Cô bé Tuyền của ngày xưa mới trở về thăm lại gia đình chú Sáu và đám bạn, bời vì “tôi nghĩ mình phải thành đạt mới tìm về nguồn cội, vì cái ý nghĩ đó mà tôi thả thời gian trôi tuột đi những hai mươi năm dài đằng đẵng” (trang 173). Đúng là trong đời người có cái được cái mất, lo được công danh sự nghiệp thành đạt, nhưng nó cũng làm cho con người ta mất đi nhiều thứ.
Kết thúc câu chuyện, khi biết được thằng Hận vẫn đang chờ đợi có ngày gặp lại cô bé Tuyền ngày xưa. “Tôi mang ba lô lặng lẽ ra đi. Ngoái đầu nhìn lại chẳng có ánh mắt nào dõi theo tôi cả. Chỉ có cánh đồng hanh hao gió lộng, chỉ có cánh cò trao nghiêng trong gió. Chẳng còn gì ngoài ký ức của tôi. Chẳng còn gì cả ngoài một miền quê đang thay mình theo nhịp sống mới đầy đủ hơn. Còn chăng chỉ mình tôi bơ vơ đứng giữa ruộng đồng. Nhớ bó hoa hành thằng Hận tặng tôi” (trang 181).
Thực ra ở đoạn kết này cũng rất hay, cô bé Tuyền đã nhớ đến bó hoa hành của thằng Hận tặng nhân dịp sinh nhật. Người đọc cũng mong muốn có một cái kết thúc câu chuyện có hậu, nhưng đoạn kết trên lại có thể để cho độc giả tha hồ liên tưởng, suy nghĩ, ví dụ như cô bé Tuyền có gặp lại thằng Hận không, gặp lại nhau thì như thế nào nhỉ? Người đọc có thể suy nghĩ và viết tiếp được đoạn kết của câu chuyện theo cách của họ, và đấy chính là cái hay trong Bao giờ cho đến ngày xưa của tác giả Tuyền Nguyễn. Một cái kết thúc không có gì là bất ngờ, nhưng nó đã để lại nhiều suy nghĩ, nhiều suy tư trong lòng độc giả.
Vương Quốc Hoa/vanhien.vn
Có thể bạn muốn xem
Những Cuốn Sách Thay Đổi Lịch Sử
Quán Ánh Trăng Khuya
Tế bào gốc – Bí mật của Suối nguồn tươi trẻ
Ra mắt nhiều ấn phẩm về Bác
Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam
Có Làm Mới Có Sai
Sách của nhà văn đoạt giải Nobel bị từ chối tái bản
Dịch Vụ Khách Hàng Thương Vụ 1 Vốn 4 Lời
Một thoáng Phù Tang