Đó là lá thư báo cho anh biết hợp đồng làm việc của anh với báo X, đã hết hạn, và báo không có nhu cầu ký tiếp hợp đồng làm việc với anh. Mới cách đây mấy ngày thôi, hai vợ chồng đã lên phương án chi tiêu khi nghe tin con gái đầu thi đậu vào khoa Thiết kế Trường Đại học Kiến trúc. Đó là một ngôi trường nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn. Ngôi trường ấy là giấc mơ của rất nhiều người, ngay cả khi con gái quyết định thi vào ngôi trường ấy, hai vợ chồng đều lo ngại, bởi một cô học trò tỉnh lẻ làm sao có thể đấu lại với học sinh của TP.HCM, nơi mà có những thầy giáo giỏi luyện thi để học sinh thi thố tài năng của mình trong ngôi trường đó.
Hôm có kết quả trên báo là hôm anh đi theo một đoàn công tác cứu trợ nạn nhân bão lụt ở tận Bình Tuy. Theo lịch trình thì đoàn sẽ đi và về trong ngày. Buổi sáng khi anh đã theo đoàn cứu trợ, tôi ra sạp báo mua tờ báo, để rồi không dám tin vào mắt mình khi thấy tên con gái mình nằm ở trong danh sách thí sinh trúng tuyển. Thời đó chưa có điện thoại di động như bây giờ để tôi có thể gọi điện báo tin cho anh. Thế là đành đợi đến 12 giờ đêm, khi anh vừa đi xe về tới nhà, tôi đã hét to trong bóng tối loang lổ ánh đèn: “Anh ơi, con mình đậu rồi”.
Anh học Khoa học Xã hội Nhân văn, còn tôi thì đi con đường nhỏ hơn là học Cao đẳng Sư phạm, ra trường thành cô giáo viên dạy văn cấp hai.
Anh mê nghề báo, nhưng muốn làm báo thực thụ anh phải vào tận TP.HCM. Cuối cùng anh chọn giải pháp là ký hợp đồng làm phóng viên thường trú cho một tờ báo sau cả một quá trình làm cộng tác viên. Anh xông xáo đi, anh xông xáo viết với tất cả nhiệt tình, nhờ thế mức lương của anh cũng kha khá, cộng thêm nhuận bút những bài viết. Khi con gái thi đậu, hai vợ chồng lo còn một số tiền dành dụm cho con đóng học phí, lo chỗ trọ và những thứ linh tinh. Anh và tôi bắt đầu ngồi tính toán việc nuôi con ăn học. Anh bảo: “Lương của anh sẽ gởi hết cho con An, anh sẽ viết thêm cho các báo cũng tạm đủ. Lương em thì lo cho gia đình và bé Thi”. Tính toán như thế là tạm ổn.
Nhưng lá thư chuyển nhanh khắc nghiệt ấy đã làm thay đổi cuộc sống gia đình tôi. Không thay đổi sao được khi như thế đã làm thay đổi cả kế hoạch cuộc sống. Cô con gái nhỏ của chúng tôi vẫn vô tư, còn cô con gái lớn đã vào TP.HCM chuẩn bị nhập học. Một nỗi buồn lãng đãng trong nhà.
Sáng Chủ nhật, bình thường anh ra phố, tới quán cà-phê quen, ở đó có rất nhiều nhà báo cùng ngồi nhâm nhi ly cà-phê, rồi cung cấp thông tin cho nhau, lên đường lấy tin thì hôm đó anh lại trở mình trên giường, mặc cho mặt trời lên cao, phóng những tia nắng đầu ngày qua kẽ hở của ô cửa. Giờ thì anh ở nhà, anh pha ấm trà, ra ngồi ở lan-can, ngắm con phố buổi sáng vắng tanh ít xe cộ đi qua. Anh đang giấu trong lòng nỗi lo âu cơm áo gạo tiền, là lẽ thường tình của cuộc sống, mà dường như ai cũng vướng vào, dẫu cố thoát ra cũng không thể nào thoát được.
Tôi quen anh từ thuở hai đứa còn cơ hàn. Anh chưa bao giờ chịu đầu hàng bất cứ một điều gì trong cuộc sống. Anh mê nghề báo như máu thịt của mình, anh đã từng chịu khó lặn lội vào tận các bãi đào vàng, ở nơi làm những con người liều lĩnh bất kể gian nguy dầm mưa dãi nắng để mưu sinh. Một mình anh cũng lặn lội vào tận Tánh Linh, Bình Thuận khi nghe tin có đàn voi về đây quậy phá. Chiếc xe máy lao vào trong rừng bị lún lầy vẫn không làm cho anh nản lòng. Song nghề báo không đem lại giàu có, cho nên cả bao nhiêu năm trời, cuộc sống vẫn không dư dả gì. Nhưng cuộc sống luôn trôi qua. Giống như khi anh đã quyết đi trên một con đường, thì dẫu con đường đó phải vượt qua sông sâu hay núi cao thì anh không thể nào dừng bước. Tháng gởi tiền học đầu tiên cho con, anh bán chiếc xe đạp cuộc mà anh rất yêu thích. Đó là chiếc xe để anh tập thể dục hàng ngày. Anh bảo đừng cho con gái biết là anh đã mất việc, để cho con yên tâm học tập. Hai vợ chồng đã tìm cách vượt qua giai đoạn khó khăn ấy. Câu nói tâm đắc trên cửa miệng của anh mãi rồi tôi cũng quen: Khi cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa kia sẽ mở.
Anh viết nhiều hơn, nhưng khác với khi còn làm cho một tờ báo, anh gởi bài cho nhiều báo. Tuy nhiên, cả một thị trường báo chí ấy, anh không thể chạy theo thời sự vì mỗi tờ báo đều ưu tiên bài cho phóng viên của mình. Lật những tờ báo mà mình gởi bài đi không hề thấy được đăng, anh giấu nỗi buồn bằng cách sắm một cần câu ra sông câu cá.
Tôi nhớ có lần, một cuộc điện thoại từ Đà Lạt gọi anh, đó là của một độc giả. Độc giả trẻ này bảo rằng đọc các bài báo của anh, thấy những tấm ảnh của anh chụp những góc ảnh rất đẹp, nên ngỏ ý mời anh lên Đà Lạt giúp họ thực hiện bộ ảnh cưới theo giá họ đưa ra. Giữa lúc đang xoay xở tiền cho con ăn học, anh nhận lời ngay, không từ chối. Điều khá bất ngờ là từ chuyện đi chụp ảnh cưới một cách rất nghiệp dư đó, anh được giới thiệu với nhiều người khác, anh lại liên tục xách máy ảnh đi mọi nơi, thực hiện những album ảnh cho biết bao nhiêu lứa đôi.
Rồi từ đó, anh trở thành một tay chuyên chụp ảnh cưới lúc nào không hay. Anh không giải thích cho tôi là tại sao anh không kiếm một tờ báo khác, ngoài tờ báo đã gởi một lá thư phát chuyển nhanh không đúng lúc, để trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp? Tôi chỉ biết rằng giờ đây anh phóng xe lang thang khắp mọi nơi trong thành phố, không phải là đi tìm những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, phỏng vấn hay ghi ghi chép chép mà lại tìm những góc phố tĩnh lặng, những bức tường rêu xanh, những đồng cỏ cháy vàng… để đưa vào những góc hình nhớ đời cho một đôi uyên ương nào đó.
Rồi anh lại thi ảnh nghệ thuật. Khá bất ngờ là anh lại liên tiếp đoạt những giải lớn nhỏ, giống như anh đang ở trong bóng tối bỗng dưng bước ra ánh sáng. Đó cũng là lúc con gái của hai vợ chồng cần một số tiền lớn để làm luận văn tốt nghiệp. Luận văn của con bé theo gợi ý của cha: “Bếp Việt xưa và nay”. Chỉ là cái bếp, nhưng anh đã phụ giúp con đi đến mọi nơi để chụp ảnh những chiếc bếp chỉ là ba cục đá ghép lại, là một thùng sắt khoan lỗ, là kiềng ba chân hay rất nhiều kiểu sáng kiến độc đáo của con người. Luận văn được cho điểm 9, đó là một số điểm khá cao.
***
Con gái gọi điện bảo ba mẹ vào TP.HCM dự lễ tốt nghiệp của con. Năm năm trời ở thành phố, con bé thay đổi hoàn toàn. Khác với ngày đầu khi anh đưa con vào cổng Trường Đại học Kiến trúc, chụp tấm ảnh nó nhút nhát chen cùng đám bạn cùng trang lứa vào chiếc cổng phụ của trường để ứng thí. Tấm ảnh đó trở thành một kỷ niệm khó phai nhòa của con. Để giờ đây con rộn ràng những bước chân mạnh mẽ.
Hai vợ chồng vào TP.HCM sớm hơn một ngày. Anh thuê hẳn hoi một căn phòng của một khách sạn nằm ngay trung tâm thành phố. Cánh cửa sổ của khách sạn nhìn xuống thấy cả một con đường xuôi ngược xe cộ. Anh bảo: “Giờ mình hưởng thụ một tí em nhé”. Tôi cười với anh, vì tôi biết anh có quyền như thế.
Buổi sáng nắng ở TP.HCM đẹp đến lạ. Hai vợ chồng theo con gái đến trường, chờ đợi con gái mặc bộ đồng phục cho các tân cử nhân và lên bục nhận bằng. Anh đưa ống kính lên say mê chụp hình ảnh con mình. Còn tôi thì vui đến ứa nước mắt. Ai lại không ứa nước mắt khi con cái mình thành đạt. Sau khi nhận bằng, cô bé xuống bên dưới, ôm chặt lấy ba mẹ: “Con cám ơn ba mẹ”.
Trên chuyến tàu trở về lại phố, anh say mê bỏ thẻ nhớ vào chiếc máy tính mang theo. Anh chuyển những tấm ảnh chụp con gái vào máy, phóng to lên ngắm nhìn. Những tấm ảnh ấy có cả hạnh phúc của anh.
Truyện ngắn Khuê Việt Trường/Giacngo.vn
Có thể bạn muốn xem
Có một thời để nhớ của Hà Nội qua tác phẩm “Khung trời thuở ấy”
Cổ nhân nhìn người: Ba kiểu người nhất định không thể kết giao
Trái tim có hình hộ khẩu
Các loại đá quý và ý nghĩa
Lời dạy của một nhà sư
Miền sương tản phố
HOMO DEUS: LƯỢC SỬ TƯƠNG LAI
Ở thị trấn cứ 100 người có 1 tiệm sách
Perfect Slogan – Để ngôn từ trở thành sức mạnh