La Han-bút danh của nhà văn Đỗ Văn Hàn, gần như liền trong ba năm, cùng Nhà xuất bản Hội nhà văn, tác giả, có lẽ đầy cảm hứng đã cho ra mắt bạn đọc dạng truyện hài hước của thời này. Tên truyện đã gây cười: Chuyện của Phòm …

Cười và ngẫm chút với đời
( Đọc Chuyện của Phòm – 3 tập của LaHan)

La Han-bút danh của nhà văn Đỗ Văn Hàn, gần như liền trong ba năm, cùng Nhà xuất bản Hội nhà văn, tác giả, có lẽ đầy cảm hứng đã cho ra mắt bạn đọc dạng truyện hài hước của thời này. Tên truyện đã gây cười: Chuyện của Phòm ( Tập 1-Quí 4, 2017; Tập 2-Quí 4,2018 và Tập 3-Quí1, 2020). Nghĩa là sốt sột, mới toanh !

Tập sách này của Đỗ Hàn, đã có tới dăm bảy bài viết của các cây bút nghiên cứu-phê bình có hạng. Nhưng, đọc ba tập sách Chuyện của Phòm, người viết bài này như vẫn muốn nói thêm, tham góp thêm một đôi điều về tác phẩm văn xuôi ngắn, một dạng Tiếu lâm-Hiện đại này.

1/Chất đời, chất thơ trong Chuyện của Phòm

 Được biết, Đỗ Hàn từng làm thơ (mặc dù tôi chưa đọc thơ anh!). Đã đành rằng, đặc trưng nổi bật mang tính khu biệt của truyện là yếu tố tự sự (kể chuyện, kể việc). Nhưng, yếu tố trữ tình (bộc lộ tình cảm, cảm xúc trực tiếp hoặc gián tiếp) trong tác phẩm của nhà văn Đỗ Hàn, lại gây cho người đọc cảm xúc từ tiếng cười, gợi ra nhiều cung bậc: khoái chá, hóm hỉnh, thầm lặng, ngầm chứa… từ những câu chuyện mi-ni xoay quanh nhân vật chính và cũng là nhân vật trung tâm, mang cái tên rất tiếu lâm – Phòm.

     Trong ba tập sách Chuyện của Phòm, hầu như tác giả chỉ như người chứng kiến mà ghi lại chuyện quanh làng, xã (làng Cửa Ao, xã Tân Tàng…). Như bao làng quê khác trên đất nước này, xứ sở này, làng Cửa Ao của tác giả cũng thật lắm chuyện; chuyện từ xửa xưa, có; mà, chuyện của thời này- thời 4.0, thời @, cũng có. Chuyện xưa, chuyện nay cứ đan vào nhau, do tác giả “huy động” lối viết gọn, kiệm lời để hướng tới mục đích hài hước mà gợi cảm, gợi nghĩ.

     Ở tập một, ngay trong mục “Lời thưa”, nhà văn đã gợi ra tiếng cười thầm hoặc cười khúc khích, khi giới thiệu về tập tục có từ xa xưa của quê mình: “Từ xưa đến nay vẫn có cái tục rất hay. Đó là sinh con ra, đặt tên cho chúng những cái tên thật xấu” và họ mong /tin rằng “thế thì quan ôn không bắt chúng đi”. Thế là, những đứa trẻ làng Cửa Ao, chào đời bằng những cái tên “cu Chẽo, cái Chum, thằng Nhái, con Rắm…”. Những cái tên Nôm đó dẫn đường, dẫn chuyện cho sự hiện diện, hiện sinh của nhân vật trung tâm hữu dụng trong con mắt tín nhiệm của dân làng- có tới 3-4 khóa được dân bầu vào chức Trưởng thôn. Nào có cần đâu Phòm phải “vận động”, phải “hứa hẹn” gì cho cam!

     Thế rồi diễn tiến của Chuyện của Phòm cứ thế tuôn chảy “tự nhiên, nhi nhiên”, từ không gian làng xã (là chính), xoay quanh cuộc sống cùng những hành vi ứng xử mộc mạc, tự nhiên mà cũng rất đỗi hòa hợp tình đời, tình người. Cái cười thiên về sự hài hước, xây dựng, dậy lên từ đấy. Thôi thì đủ thứ chuyện nhỏ to, thậm chí ngỡ như vụn vặt mà đủ cho gây cười và gợi nghĩ. Từ chuyện nhỏ của Phòm: “Thực ra Phòm đếch thích làm trưởng thôn vì Phòm hay nói tục…nhưng dân làng cứ bầu” và “Phòm được trên 90 phần trăm phiếu”, người mà “được xã và chi bộ giới thiệu chỉ được 6 phần tram phiếu”. Lại nữa, sau cuộc bầu bán “nghịch ý chi bộ” mà hợp lòng dân đó, tiếng cười dí dỏm của tác giả lại được bồi thẩm thêm sau lời động viên cùng nụ “cười gượng” của bí thư chi bộ (theo thói quen cố hữu !);kế đó cũng là thái độ lửng tửng, thản nhiên của tân trưởng thôn và “Bí thư chi bộ cười gượng, vỗ vai Phòm: “Đồng chí cố gắng vậy !”. Ơ Phòm đã là đảng viên đếch đâu mà gọi đồng chí ???”

     Chuyện trong nhà của Phòm khi Phòm chọn nghề cho con (Tập 1, tr. 11-15). Trước những lời bàn ra tán vào của mọi người và cô con gái áp út “nằm vật vã, mắt đỏ hoe” thì ông bố Phòm, phán những lời “xanh rờn”, nôm na mà thiết thực: “Thế cứ phải đại học mới được à ? Đi học nghề nào mà người ta đang cần. Học ngắn. Đỡ tốn!”. Đơn giản, chỉ có thế, cần gì phải tuyên truyền “động cơ “ với “mục đích” chọn ngành, chọn nghề. Và, ông bố trưởng thôn Phòm nhẹ giọng với con gái trong lời khuyên nhủ, sau khi “rít một hơi thuốc lào đến tọt nõ điếu”: “- Làm nông cho giỏi cũng là một nghề quý đấy con ơi !..”

     Ngành giáo dục, những năm gần đây quả là có nhiều chuyện lình xình dở khóc, dở cười : từ chuyện cải tiến cải lui, chuyện sáng kiến kinh nghiệm, chuyện thay sách, chuyện đưa công nghệ thông tin vào dạy học, chuyện dạy trẻ con đánh vần, vân vân và vân vân… Trong Chuyện của Phòm, tác giả La Han cũng khéo đá đưa vào vài ba mẩu chuyện xoay quanh việc dạy và học. Chuyện như đùa nhưng rất đáng nghĩ (Sáng kiến thi đua-; Phòm- tr. 89; Dạy con dạy học- tr 78)… Cái cách bỡn đùa, khi Phòm hỏi cô con gái thứ hai làm nghề dạy học : “Tao hỏi, thế một cộng một bằng mấy?”, rồi sau đó chập hai bó đũa lại mà hỏi tiếp: “Thế đây là mấy bó đũa?”. Từ chuyện về phép đếm (thực chất là đánh tráo khái niệm !), ông bố trưởng thôn đã dạy cô giáo con bằng lời chua chát mà chí lý, đáng nghĩ- cho con và cho cả bao người trong ngành giáo: “Trẻ sắp đến trường mà bọn bay dạy toàn những thứ xa dời thực tế thế ! Dạy dặt những thứ áp đặt thế ! Thử hỏi lớn lên chúng nó làm sao không méo mó, không què quặt nhân cách chứ !!!”

     Căn “ bệnh một thời” trong giáo dục : Cấp trên ( Phòng, Sở, Bộ..) giáng xuống, sau mỗi năm học, mỗi thầy cô phải “đẻ cho ra” một cái gọi là “sáng kiến kinh nghiệm”, để từ đó cấp trên xem xét, đánh giá thi đua, đánh giá danh hiệu… Với Phòm, anh ta chỉ buông một câu nhẹ, ngỡ như đùa, đùa mà thật chí lí, dẫu “cả lũ giáo viên mầm non” đã quây quanh Phòm mà hét lên: “- Bố ơi! Con lạy bố, bố đúng là đại sư phụ rồi ạ!”. Phòm nói trong khói thuốc: “- Trẻ con nó như tờ giấy trắng, người lớn vẽ gì lên mà chẳng được? Cứ sáng kiến với sáng cò, khéo lũ trẻ thành chuột bạch tuốt !!!” Những lý sự và hành xử vừa dân dã lại vừa hợp tình, hợp lý với thời cuộc, với đời, nhất là hợp hòa với lòng dân (làng, xã) của trưởng thôn Phòm còn được nới mở ra trong nhiều lãnh vực quen thuộc, truyền thống, có; lại cả những chuyện mới du nhập vào thôn làng, cũng có. Nhà văn họ Đỗ, tên Hàn đã giăng mắc ra tới 109 mẩu chuyện hài trong ba tập sách (Tập 1: 41 mẩu; Tập 2: 31 mẩu và Tập 3: 37 mẩu). Nói là “mẩu” bởi mỗi chuyện đều thiên về đùa vui, xây dựng, không hề ác ý và luôn đánh thức người đọc (tùy đối tượng tiếp nhận) nghĩ suy về con người, về thời cuộc, về chuyện của hôm nay và cả mai sau nữa. Mỗi mẩu hài đó chỉ vỏn vẹn trên dưới 500 chữ. Có lẽ cũng chính từ chuyện đời, chuyện người ngắn gọn mà Chuyện của Phòm dễ đọc, dễ cảm một cách thú vị riêng. Thử điểm nhanh một số mẩu chuyện từ ba tập sách của La Han, từng cái tên đã gợi thú vị : Phòm chôn sổ đỏ; Phòm học viết báo; Phòm dạy vẽ; Phòm dạy con dạy học; Phòm bàn về giáo dục; Phòm dự hội nghị quốc tế… (Tập 1); Làng  Phòm xơi oăn cup; Phòm thuê đất nuôi bò; Phòm học lái xe; Lớp học quỳ ở nhà Phòm… (Tập 2); Phòm đi đòi nợ (3 mẩu); Phòm bàn chuyện đại sự; Chắc là giống đực; Giá mà vào tay bố; Phòm trả lời phỏng vấn… (Tập 3). Thôi thì, 109 mẩu chuyện của ba tập sách, chuyện nào cũng thấy “ghé mặt”, góp thêm cách nhìn, cách nghĩ, cách ứng xử vừa khôn ngoan, vừa khéo léo, lại rất đỗi bình dị, chân tình và rất “được việc” của nhân vật trung tâm có tên ngộ nghĩnh rất đáng yêu, đáng mến- Phòm !

     Có một điều thú vị mà người viết muốn tham góp và ghi nhận sự thành công Chuyện của Phòm. Đó là, những mẩu chuyện rất bình thường, rất đời mà gây cười và gợi nghĩ, được nhà văn xây dựng và dẫn dắt tự nhiên như chuyện vốn có từ hiện thực cuộc sống. Hoặc, cũng có thể chuyện như thực, lại được dựng nên từ những “giấc mơ” mà cũng rất chân thực, thậm chí, chân thực đến nao lòng (Tai nạn- tr. 53; Hối lộ- tr. 57-Tập 2).

2/ Hấp dẫn, gây cười và gợi nghĩ trong nghệ thuật biểu hiện

     Người viết bài này không có ý định nói nhiều, nói hết về sự thành công trong cách viết, nghệ thuật viết của nhà văn Đỗ Hàn. Chỉ xin được nhấn vào đôi điều tâm đắc trong nghệ thuật biểu hiện của nhà văn qua Chuyện của Phòm, bởi tác phẩm đã mang được giá trị tương tích, phù hợp với giá trị nội dung đã đề cập ở phần 1.

     Hai yếu tố quan trọng của truyện ngắn, hơn nữa lại là loại truyện ngắn mi-ni hài hước, ngoài sự ngắn gọn, còn là việc nhà văn khéo léo mà tự nhiên đưa đẩy vào truyện những chi tiết đắt giá và dựng tạo những tình huống truyện bất ngờ, thú vị. Lấy một vài ví dụ:

     – Chuyện Phòm đi du lịch, cái thú cũng là cái thói tự nhiên thật thà, rất “nhà quê” của Phòm bộc lộ trong chi tiết: ngay giữa sân bay của một nước rất văn minh và cũng rất nghiêm về vệ sinh môi trường- nước Sin-ga-po, thế mà Phòm ngang nhiên rít thuốc lào. Tệ hại hơn nữa, ông trưởng thôn Phòm lại “phồng mồm thổi, cái sái thuốc đen đen… bay ra sàn nhà bóng loáng”. May mà, “cô con gái đã nhanh ý lật ngay cái mũ trên đầu ra, hứng lấy cái cục hôi xì đen đen của bố”. Quả là một chi tiết đắt của truyện, lại mang cả chất điện ảnh, khi bóc mẽ ra chân dung-tinh thần của nhân vật.

     – Phần lớn Chuyện của Phòm được nhà văn tạo dựng và dẫn dắt nhanh gọn, trực tiếp từ tình huống truyện. Mẩu truyện Ối ôi… Bóng đá nữ (Tập 1, tr. 97), tình huống truyện được khơi gợi trực tiếp bởi “máu” bóng đá của Phòm, để rồi ông trưởng thôn nhà ta nhanh chóng cho lập đội bóng nữ, theo kiểu vừa thật thà, lại vừa láu cá thế này: “Phòm chọn được 6 cháu gái bỏ học cấp 2, được 4 cháu ở xã bên hay sang chăn trâu cùng nhóm bỏ học kia, xin đầu quân”. Bất chấp tất cả những lời dè bỉu, can ngăn, đội bóng đá nữ thôn Phòm vẫn được dựng dã, tập luyện và ra quân thi đấu giải hẳn hoi. Thế là, “may mắn” cười vui trong thắng lợi, đã có “Đội bóng nữ thôn Phòm đoạt giải nhất xã! Nói may mắn vì lũ cháu gái ra sân, đen như nhau, hùng hục như nhau…nên ban tổ chức chẳng nhận ra con nhà ai. Vì thế giấu được  mấy cháu là người xã khác !!!”. Nhưng rồi cười đấy, lại cũng mếu đấy “Năm ấy đội tuyển nữ bóng đá thôn Phòm bỏ cuộc. Nghe đâu các xã khác cũng thế. Nên huyện cũng phèo luôn cái giải ấy”. Đặt cái tên Ối ôi…Bóng đá nữ, vì thế tạo ra cái-cười mà cũng phảng phất cả nỗi buồn, đáng nghĩ ngợi !

     Chuyện của Phòm cũng gây ấn tượng bởi lối vào truyện và kết truyện, rất ngắn gọn, hấp dẫn. Điều này đã được nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình ghi nhận. Chỉ xin tham góp một khía cạnh nhỏ: Trong nhiều mẩu chuyện, tác giả khép lại chuyện bằng hình ảnh thiên nhiên-ánh nắng. Nhưng có lẽ hơi bị lạm dụng hình ảnh này, thành ra dễ tạo nhàm chán.

     Với ba tập Chuyện của Phòm, nhà văn Đỗ Hàn (bút danh La Han) đã đem đến cho văn học đương đại nước nhà một loại truyện ngắn mi-ni hài hước; một dạng humour của Việt Nam mang thương hiệu riêng của nhà văn họ Đỗ. Tác giả đem những chuyện cụ thể từ một không gian hẹp (làng xã thôn quê) mà dường như đã khái quát tới những chuyện to tát, trọng đại của xã hội, khiến cho ta phải nghĩ đến nhiều điều phải sống và nghĩ như thế nào cho hôm qua, hôm nay và cả mai sau nữa.

     Đỗ Hàn từng bộc bạch rất chân thành và quyết đoán trong “Lời thưa” (Tập 3): “Mà trưởng thôn, theo Phòm, có là cái quái gì đâu mà phải lệ thuộc! Vì thế, tôi sẽ viết chuyện của Phòm đến khi nào sức mình không chép, không kể được nữa thì thôi…”. Cũng bởi thế, chúng ta có quyền chờ đợi và hi vọng.

HÀ NỘI, tháng 5/2020.