Từ một cậu bé nghèo khó trở thành nhà phong thủy kiệt xuất, nhưng về cuối đời, cụ Tả Ao vẫn không thể tránh khỏi sự bài xếp của vận mệnh. Câu chuyện truyền kỳ về cuộc đời cụ Tả Ao cũng để lại cho người thời nay không ít suy ngẫm, thật đúng với câu nói: “tiên tích đức, hậu tầm long”.
Tả Ao được xem là nhà phong thủy kiệt xuất của người Việt. Dân gian xem ông là nhà địa lý phong thủy giỏi nhất từ xưa đến nay ở Việt Nam và tôn ông là “Thánh phong thủy”. Người ta còn truyền tụng bài thơ về ông thế này:
Tả Ao phong thủy nhất trên đời
Họa phúc cầm cân định chẳng sai.
Mắt thánh trông xuyên ba thước đất,
Tay thần xoay chuyển bốn phương trời.
Chân đi long hổ luồn qua gót,
Miệng gọi trâu dê ứng trả lời.
Ai muốn cầu sao cho được vậy
Ấy ai địa lý được như ngài.
Nhưng câu chuyện về nhân duyên đến với phong thủy của Tả Ao thì không phải ai cũng biết…
Tấm lòng hiếu thảo của cậu bé nghèo khổ
Tả Ao tên thật là Nguyễn Đức Huyền, người làng Tả Ao, tỉnh Hà Tĩnh, sống vào thời vua Lê. Khi còn nhỏ, gia cảnh cậu bé Đức Huyền rất nghèo khó, cha mất sớm, mẹ lại bị mù cả hai mắt. Dù nhỏ, Đức Huyền vẫn rất chăm chỉ làm hết tất cả các việc để chăm sóc mẹ.
Thấy mẹ không thể nhìn thấy được như những người khác, Đức Huyền thường hay tìm hiểu hỏi thăm cách chữa mắt cho mẹ. Cậu lặn lội tới cả những nơi xa xôi với hy vọng tìm được người chữa khỏi bệnh cho mẹ nhưng đều không có hiệu quả. Tuy nhiên, Đức Huyền không hề nản chí mà quyết tìm bằng được phương thuốc chữa mắt.
Nghe tin về một ông thầy thuốc người Tàu rất giỏi về thuật chữa mắt đang ở đất Nam, Đức Huyền khấp khởi vui mừng. Nhưng do nhà quá nghèo không đủ tiền chữa trị, nên Đức Huyền đã xin hầu hạ thầy để mong thầy chữa bệnh cho mẹ mình.
Ông thầy người Tàu thấy chàng trai này rất siêng năng chăm chỉ, thông minh, đặc biệt lại rất hiếu thảo với mẹ, nên đã đồng ý chữa. Trong quá trình đó, ông cũng truyền cho Đức Huyền một số y thuật để chữa mắt.
Sau bao nhiêu năm chịu cảnh mù lòa, đôi mắt mẹ Đức Huyền đã sáng trở lại. Thế nhưng đó cũng là lúc ông thầy người Tàu phải về nước. Quý tiếc cơ duyên đối với y thuật, Đức Huyền vội vã xin được theo thầy để hầu hạ, học y thuật chữa mắt và đã được thầy đồng ý. Vậy là cậu từ biệt mẹ lên đường sang Trung Hoa.
Kỳ duyên đến với phong thủy
Sau này tại Trung Hoa, y thuật của Đức Huyền vang danh khắp nơi. Một thầy địa lý bị đau mắt đã phải nhờ đến sự chữa trị của Đức Huyền mới khỏi. Ông ta mang tới 50 lượng vàng để hậu tạ Đức Huyền, nhưng cậu không nhận mà xin làm đệ tử. Thấy cậu là người có tài đức lại ham học hỏi, nên thầy địa lý bằng lòng thu nhận cậu làm đồ đệ.
Sau một thời gian, Đức Huyền đã thành thạo tất những những kiến thức mà thầy truyền thụ lại cho mình và xin phép về nước. Tương truyền để kiểm tra và thử tài đệ tử mình, trước khi chia tay, vị thầy địa lý đã làm một mô hình phong thủy, chôn 100 đồng tiền, rồi yêu cầu Đức Huyền dùng kim điểm đúng huyệt chôn tiền.
Đức Huyền đã dùng kim điểm đúng 99 huyệt, còn một cây điểm ở mép, mà huyệt này lại là huyệt thứ 100. Đây là huyệt ảo, vì mô hình tạo dáng rất huyền bí, ẩn hiện dưới những mô đất nhấp nhô, những thầy địa lý giỏi cũng khó phát hiện ra đúng huyệt đạo. Lúc này thầy địa lý kia mới thốt lên rằng: “Thôi, nghề của ta từ nay truyền sang nước Nam rồi!”
Trước khi từ biệt về nước, thầy cẩn thận dặn dò Đức Huyền rằng: “Khi về Nam, nếu qua núi Hồng Lĩnh thì đừng lên”.
“Tiên tích đức, hậu tầm long” – Phong thủy không thay đổi được thiên mệnh
Khi trở về quê hương, Đức Huyền làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho người dân, ít khi sử dụng đến khoa địa lý. Chỉ khi nào cần thiết ông mới ra tay xem thế đất dùm mọi người. Tuy vậy danh tiếng xem địa lý, phong thủy của ông lại nổi hơn nghề thầy thuốc. Vì ông là người làng Tả Ao nên người dân vẫn thường gọi ông là cụ Tả Ao.
Trong sách “Nam Hải dị nhân” có kể rằng một lần đi qua núi Hồng Lĩnh, Tả Ao tình cờ lên núi và phát hiện thế đất “Cửu long tranh châu”, tức là chín rồng tranh ngọc, ngọc ở đây mang ý nghĩa là “ngọc tỷ truyền quốc”, có được ngọc cũng có nghĩa là có được thiên hạ. Thấy vậy, Tả Ao liền mừng rỡ mà nghĩ rằng: “Huyệt đế vương đây rồi, thầy dặn không lên là vì thế”. Sau đó Tả Ao đưa mộ cha về táng ở đấy.
Ít lâu sau, vợ Tả Ao sinh được con trai. Khi đó là vào thời nhà Minh ở Trung Hoa. Các thầy thiên văn phát hiện rằng các vì tinh tú đều chầu về phương Nam, liền báo với vua Minh rằng nước Nam sinh được nhân tài sẽ hại cho nhà Minh. Vua Minh bèn truyền cho các thầy địa lý rằng nếu ai đặt đất hoặc dạy cho người Nam thì phải sang tìm mà phá đi, nếu không sẽ bị tru di tam tộc.
Thầy của Tả Ao biết ngay chỉ có học trò của mình mới làm được việc này, nên cho con trai đi tìm Tả Ao. Con của thầy địa lý đã tìm cách cắt lấy ngôi mộ của cha Tả Ao, và bắt con trai của Tả Ao đem về Tàu.
Sau này, biết đất Hàm Rồng có huyệt quý ở ngoài hải đảo, khi mẹ mất, Tả Ao đưa di hài mẹ đến nơi đây để táng. Ông chọn đúng ngày giờ thì lại gặp lúc sóng to gió lớn, không sao đưa đến huyệt để táng được. Đợi đến khi trời yên biển lặng thì nơi đó nổi lên một bãi bồi. Tả Ao chỉ còn nước than thở: “Đây là hàm rồng, năm trăm năm rồng mới há miệng một lần trong một khắc. Trời đã không cho thì đúng là số rồi”.
Từ đó, Tả Ao cũng hiểu rõ về phong thủy hơn, biết dù giỏi địa lý cũng không thể thay đổi được số mệnh. Ông ít khi ở nhà mà chu du bốn phương chữa bệnh giúp người, thỉnh thoảng tìm đất cho người có duyên, không màng đến công danh bổng lộc.
Ông giúp dân tìm chọn nơi đào giếng có nước lành, trong ngon, không cạn, không chạm long mạch; chọn hướng đình để làng yên ấm trong ngoài, dân cư phát triển. Trong dân gian lưu truyền rất nhiều câu chuyện xem phong thủy ly kỳ của ông.
Một trong những giai thoại là việc cụ Tả Ao chữa thế đất cho làng Hành Thiện ở Nam Định. Khi đi tới ngôi làng này, cụ cho dân làng biết đất làng hình con cá chép bơi ra biển, phù sa mỗi ngày một bồi thêm đất làm làng hưng phát, chỉ hiềm con cá chép không có mắt nên không phát khoa danh.
Dân làng nghe cụ nói liền thết đãi và khẩn khoản nhờ cụ giúp xem lại hướng làng. Cụ liền chỉ cho dân đào một cái giếng làm mắt cho cá chép. Từ đấy dân làng bắt đầu phát khoa danh, nhất là họ Đặng.
Lúc già yếu, cụ Tả Ao đã chọn sẵn cho mình một thế đất “Nhất khuyển trục quần dương” (chó đuổi đàn dê) ở xứ Đồng Khoai. Nếu táng được ở đây thì chỉ ba ngày sau là thành Địa Tiên, nhưng cần chôn ngay trước khi chết để tự phân kim.
Tuy nhiên lúc sắp lâm chung, con cụ Tả Ao đưa đến mộ được nửa đường thì cụ biết không kịp. Thấy rằng số phận cũng không cho mình ở ngôi đất tốt, cụ nhìn bên đường rồi chỉ đại vào một cái gò và nói với các con rằng: “Chỗ kia là ngôi Huyết thực, bất đắc dĩ thì cứ táng ở đó, sẽ được người ta cúng tế”. Hai con cụ nghe lời và táng luôn ở đó.
Cả đời cụ Tả Ao tìm đất cho không biết bao nhiêu người, nhưng bản thân cụ dù tìm được đất tốt cũng không thể hưởng. Thậm chí dù đã chuẩn bị sẵn đất để chôn chính bản thân mình nhưng lại cũng không được. Sự việc này cho thấy câu nói “tiên tích đức, hậu tầm long” của người xưa rất chính xác. Giỏi như cụ Tả Ao mà tích chưa đủ đức thì có tìm được đất đế vương cũng không thể hưởng.
Gia tài cụ Tả Ao để lại chỉ vỏn vẹn 2 cuốn sách nhỏ là “Địa Lý Tả Ao (Địa Đạo Diễn Ca)” gồm 120 câu và “Dã Đàm Tả Ao Tầm Long Gia Truyền”. Nhiều sách khác cũng được xem là của cụ nhưng thực ra đều là dị bản, chủ yếu là từ 2 cuốn sách trên của cụ rồi dẫn giải thêm bớt. Ngày nay tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vẫn còn đền thờ Tả Ao và giếng Tả Ao.
Trần Hưng
Nguồn: trithucvn
Có thể bạn muốn xem
Gây bão trên mạng
Tôi muốn chết nhưng tôi thèm ăn Tteokbokki
Có Ma Hay Không? Ý Nghĩa Và Quan Niệm Về Ma Trong Phật Giáo
Chân dung một trùm phát xít – Hitler
Vạn vật vận hành như thế nào? (tái bản)
Đêm nay con có mơ không?
Tại sao Lí thuyết dây
Microsoft lấn sân sang xuất bản sách
Ngợi ca tình yêu thương