Tiểu thuyết của Ocean Vương gây tiếng vang quốc tế. Nhưng sách có những trang mô tả trần trụi cảnh quan hệ tình dục, đặt ra vấn đề bức thiết: Chọn sách sao cho phù hợp lứa tuổi?

Sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian. Ảnh: N.N.
Sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian. Ảnh: N.N.

Gần đây một phụ huynh than phiền việc giáo viên một trường quốc tế cho học sinh đọc Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian – tiểu thuyết có đề cập đến vấn đề tính dục và tình dục.

Cụ thể, chị A.L. có bài đăng trên Facebook phản ánh việc con gái đang học lớp 11 trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC) được giao đọc cuốn Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian trong kỳ nghỉ lễ. Chị cho rằng tác phẩm này có “ngôn từ đồi truỵ, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm”, do đó không phù hợp cho học sinh. Bài đăng thu hút nhiều tương tác và các bình luận, ý kiến trái chiều.

Những chủ đề nhạy cảm trong “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (tựa tiếng Anh: On Earth We’re Briefly Gorgeous) là tiểu thuyết đầu tay của tác giả người Mỹ gốc Việt Ocean Vương, xuất bản lần đầu tại Mỹ tháng 6/2019 và bản dịch tiếng Việt ra mắt vào tháng 12/2021. Cuốn sách được viết như một bức thư dài mà nhân vật tôi (có biệt danh Chó Con) gửi đến mẹ mình – một phụ nữ đưa con trai sang Mỹ nhập cư và là một thợ làm móng.

Chủ đề bao trùm của tác phẩm là tình mẫu tử, thân phận và danh tính của thế hệ sống trong chiến tranh và thế hệ kế thừa của người nhập cư. Bên cạnh đó, cuốn sách còn là lời tự thuật của một thiếu niên đang tuổi trưởng thành, bao gồm lời kể về mối tình của nhân vật “tôi” với người bạn cùng giới Trevor.

Một số trang sách đề cập trực tiếp, “trần trụi” việc hai nhân vật này quan hệ tình dục.

TS Đào Lê Na, giảng viên tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ những trích đoạn dùng làm dẫn chứng để kết luận rằng đây là một tác phẩm khiêu dâm, đồi trụy là không thỏa đáng vì đó chỉ là những chi tiết rất nhỏ so với tổng thể câu chuyện vốn khai thác những chủ đề rộng lớn hơn. Theo cô, những chi tiết này là cần thiết trong việc xây dựng một câu chuyện chân thực rất “con người”.

TS Đào Lê Na. Ảnh: NVCC.
TS Đào Lê Na. Ảnh: NVCC.

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là tiểu thuyết giàu chất thơ, thể hiện được khả năng kiến tạo ngôn ngữ của một nhà thơ được công nhận tại Mỹ. Đây là một tác phẩm hay về câu chuyện những người nhập cư trên đất Mỹ, những người không chỉ mang vết thương của chiến tranh mà còn thể hiện góc nhìn của một người đồng tính – nhân vật ngoại vi, bên lề của xã hội. Đáng chú ý hơn, đó không phải là tiếng nói mong cầu sự thương hại mà trái lại, là tiếng nói mạnh mẽ, kể một câu chuyện đầy tự tin”.

Theo cô, chính cách kể chuyện và gợi tả chân thực, bao gồm cả các chi tiết về tình dục, tính dục đã góp phần xây dựng vị thế của nhân vật “tôi”: không phải một người thua thiệt, mà là một người có tiếng nói riêng. Nếu người dị tính có thể đề cập đến những điều này, thì tại sao một người đồng tính, một cậu trai mới lớn lại không có quyền mô tả cơ thể mình?

Cụ thể hơn, việc miêu tả cảnh quan hệ đang gây tranh cãi lại là đoạn cần thiết vì nó liên quan đến vấn đề chủng tộc mà người nhập cư châu Á trên đất Mỹ phải đối mặt. Cảnh quan hệ gây tranh cãi đó cho thấy sự thắng thế và khả năng làm chủ của một cậu bé da vàng trước một thanh niên da trắng. Ngay sau cảnh quan hệ, tác giả đã viết: “Bởi vì, con sớm nhận ra, khuất phục cũng là một dạng quyền lực. Để được vào trong khoái lạc, Trevor cần con. Con có một lựa chọn, một ngón nghề, cậu lên hay xuống đều phụ thuộc vào việc con có sẵn lòng xếp chỗ cho cậu, vì ta không thể vươn lên nếu không có gì cho ta vươn cao hơn nó”.

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian được cả độc giả lẫn giới chuyên môn quốc tế công nhận. Cuốn sách lọt vào danh sách tác phẩm hay của năm trên The New Yorker, Kirkus Review, Amazon,… và nhận đề cử, lọt vào danh sách rút gọn nhiều giải thưởng danh giá như PEN/Faulkner Foundation, PEN America, Hiệp hội Thư viện Mỹ, giải thưởng Goodreads do độc giả bình chọn…

Nhà phê bình Steph Cha nhận định tiểu thuyết là “một cuốn sách giàu vẻ đẹp và chất thơ, chân thành và khôn nguôi, hàng loạt nốt nhạc rung lên trang nhã không ngơi nghỉ”.

Có nên dán nhãn giới hạn độ tuổi cho sách?

Đạt nhiều thành công văn chương và gây tiếng vang như vậy, song tác phẩm của Ocean Vương vẫn khiến một số phụ huynh e ngại khi đề cập trực diện tới các vấn đề tính dục, tình dục.

Ý kiến của người dùng D.T. trên một hội nhóm yêu văn chương.

Sau phản ánh của phụ huynh có con được cô giáo giao đọc Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, cộng đồng yêu văn chương đã dấy lên tranh luận trái chiều.

Bình luận của người dùng Facebook H.N. dưới một bài đăng trong group Hội văn học kinh điển nhận được nhiều tương tác đồng tình. Độc giả này cho rằng tác giả viết những chi tiết quan hệ tình dục không để gây sốc mà có mục đích riêng trong tác phẩm. Theo H.N., “gọi tác phẩm là ‘đồi trụy, nhớp nhúa, khiêu dâm’ thì hơi quá. Nhưng quyển sách này thì mình nghĩ nên dành cho lứa tuổi đại học trở lên thì hơn”.

Cần thẳng thắn thừa nhận rằng nhiều tác phẩm giàu giá trị văn học và tương đối nặng đô như tiểu thuyết này của Ocean Vương có những yếu tố về tình dục, tính dục. TS Đào Lê Na dẫn chứng thêm rằng nhiều tác phẩm kinh điển như Nghìn lẻ một đêm hay được đón nhận rộng rãi như các sáng tác của Haruki Murakami cũng có các yếu tố miêu tả tính dục, tình dục rất chi tiết.

Do đó, theo TS Đào Lê Na, cách tốt nhất là nên khuyến cáo thẳng thắn về việc trong tác phẩm xuất hiện các yếu tố này.

Phim ảnh thường có giới hạn độ tuổi nhất định với khán giả. Theo đó hệ thống phân loại phim của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ chia thành G (dành cho mọi lứa tuổi), PG (có chi tiết không phù hợp với trẻ nhỏ, bố mẹ cần cân nhắc khi cho con xem), PG-13 (có chi tiết không phù hợp với trẻ dưới 13 tuổi), R (thanh thiếu niên dưới 17 tuổi không được xem nếu không có sự đồng ý của người lớn) và NC-17 (hoàn toàn không dành cho khán giả dưới 17 tuổi, do có nhiều yếu tố ảnh hưởng xấu đến nhân cách, đạo đức, khuyến khích hành vi phạm tội).

Hệ thống phân loại này sẽ khác nhau với mỗi quốc gia, và mỗi đất nước cũng có việc xếp phân loại riêng với từng bộ phim cụ thể. Ví dụ, phim Thương mến, Simon ở Anh được gắn nhãn 12A (không phù hợp cho trẻ dưới 12 tuổi) nhưng khi ra rạp tại Việt Nam được gắn nhãn 18+.

Thế nhưng hầu hết quốc gia trên thế giới không có một hệ thống phân loại tương tự cho sách.

Tại Việt Nam, một số tác phẩm truyện tranh, văn học thiếu nhi, nhất là sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, có đi kèm những dòng có thể xem là nhãn quy định tuổi như “Sách dành cho lứa tuổi thiếu niên” (ví dụ loạt truyện Conan), hoặc “Đối tượng thiếu niên” 11-15 tuổi (Người người lớp lớp). Tuy nhiên, không phải đơn vị làm sách nào cũng có cách dãn nhãn, phân loại đối tượng đọc như vậy. Nên chăng có hệ thống phân loại chặt chẽ và những dòng nhãn với các xuất bản phẩm?

Về điểm này, TS Đào Lê Na chỉ ra rằng phim và sách có tác động khác nhau đến người xem, người đọc. Nếu như phim là hình ảnh, âm thanh tác động đồng thời lên nhiều giác quan thì chi tiết mô tả trong sách không trực quan đến vậy mà chủ yếu khơi gợi tưởng tượng.

“Có lẽ vì vậy mà việc phân loại sách 18+ ở Việt Nam và nước ngoài đều không phổ biến, chỉ có một số sách có quá nhiều cảnh 18+ thì sẽ được cảnh báo với độc giả ở bìa sách”, TS Đào Lê Na nói.

Vị giảng viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM nhận định rằng việc có nên để người dưới 18 tuổi tiếp cận với các tác phẩm văn học có nội dung nhạy cảm hay không cần có sự định hướng, đồng hành và chung tay của cả thầy cô lẫn phụ huynh.

nguồn:https://znews.vn/co-nen-dan-nhan-18-voi-mot-thoang-ta-ruc-ro-o-nhan-gian-post1473548.html