Là tác phẩm nổi tiếng, được chuyển thể thành phim và đạt giải Oscar 2021, vậy nên, đông đảo bạn đọc đã bất chấp trời mưa, tới lắng nghe dịch giả Y Khương và nhà báo Nguyễn Hồng Lam trò chuyện về tác phẩm Cõi người dưng.

Chiều 18-6, tại Đường sách TPHCM, NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Báo chí là bản nháp đầu tiên của lịch sử”, lấy cảm hứng từ hành trình đi hơn 24.000km trong suốt 3 năm ròng rã để hoàn thành cuốn sách Cõi người dưng (tên gốc: Nomadland) của nữ nhà báo Mỹ Jessica Bruder.

Là cuốn sách dịch duy nhất trong “Tuần lễ sách của người làm báo”, Cõi người dưng mang đến câu chuyện của người làm báo ngoại quốc. Năm 2014, Jessica Bruder được đặt hàng viết bài về sự gia tăng của tầng lớp thu nhập thấp ở Mỹ, những “nomad – du dân”. Họ sống trên các “di động sản” (xe hơi, xe van, RV) và làm các công việc thời vụ để đổi lấy một chỗ cắm trại miễn phí, và ít tiền công bèo bọt.

Từ phải qua: Nhà báo Nguyễn Hồng Lam và dịch giả Y Khương tại chương trình
Từ phải qua: Nhà báo Nguyễn Hồng Lam và dịch giả Y Khương tại chương trình

Tháng 8-2014, tạp chí Harper’s đăng bài viết của Jessica Bruder có tên là The End of Retirement – When you can’t afford to stop working (Kết thúc của nghỉ hưu – Khi ta không thể ngừng lao động), ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng.

Nhưng tác giả không muốn trở thành “một nhà báo bất chợt “nhảy dù” vào buổi chiều để đưa tin”, vì những người như thế hiếm khi nào đến đủ gần để bóc tách được những hình thái của sự thật. Do đó, cô đã bỏ ra 3 năm ròng, lúc còn khá trẻ (37 tuổi), từ giã New York tiện nghi, chu du khắp các nẻo đường nước Mỹ để sống cùng với những du dân và sống như một du dân.

Theo chia sẻ của dịch giả Y Khương, anh đã xem phim đến 2 lần trước khi đọc sách. Yêu thích tác phẩm, anh đã chủ động liên hệ với NXB Phụ nữ Việt Nam giới thiệu và dịch Cõi người dưng cho độc giả Việt. Tính cho đến nay, tác phẩm đã được dịch ra 25 ngôn ngữ (bao gồm bản dịch tiếng Việt).

Tại chương trình giao lưu, nhà báo Nguyễn Hồng Lam cho rằng, với một tác phẩm non fiction (tạm dịch: phi hư cấu) thì không cần thiết phải xác định thể loại như tiểu thuyết hay một tập truyện ngắn. Bởi các tác phẩm đều kể lại cho bạn đọc một câu chuyện và cuốn sách này cũng vậy.

“Họ kể câu chuyện về một tiểu văn hóa, về những người du dân ở Mỹ, nhưng không phải câu chuyện có đầu có cuối, cũng không phải là câu chuyện liền mạch hay diễn ra theo sắp xếp có ý đồ nhân quả mà khi tác giả bước vào viết cuốn sách, tác giả không biết lúc nào cuốn sách kết thúc, lúc nào công việc của mình sẽ dừng lại.

Cuốn sách này tạm gọi là ký, nhưng khác với ghi chép, thấy gì ghi nấy, cũng khác với phóng sự. Cõi người dưng là một tập hợp các câu chuyện và thời gian trong tác phẩm là phi tuyến tính. Cho nên nó có thể làm phim được. Còn một phóng sự hay ký sự, ngoại trừ phim tài liệu thì cũng khó để làm phim được, đặc biệt là đạt giải Oscar”, nhà báo Nguyễn Hồng Lam cho biết.

Cũng theo nhà báo Nguyễn Hồng Lam, tác phẩm này không viết theo phong cách của một nhà báo chính thống mà viết theo phong cách của một Facebooker, viết rất tự do nhưng tự do trong khuôn khổ mà một người đầy tính chuyên nghiệp đã tự rào buộc mình, phần còn lại là hoàn toàn tự do.

Sau khi xuất bản năm 2017, Cõi người dưng trở thành hiện tượng của báo chí Mỹ. Sách ngay lập tức xuất hiện trong danh sách best-seller và được The New York Times gọi tên trong các mục “Notable Book”. Tác phẩm nhận được nhiều giải thưởng khi vào vòng chung kết của giải J. Anthony Lukas Prize và giải The Helen Bernstein Book. Sau đó, sách thắng giải The Banes & Noble Discover Great New Writers và giải thưởng quốc tế Ryszards Kapuściński.

Không lâu sau đó, sách được chuyển thể thành phim cùng tên và đạt giải Oscar 2021. Điều đặc biệt là một số du dân ngoài đời thực, vốn là nhân vật trong sách, cũng xuất hiện dưới phiên bản hư cấu của chính họ trong phim – với tên thật, như Linda May, Swankie và Bob Wells.

nguồn:https://www.sggp.org.vn/coi-nguoi-dung-va-hanh-trinh-cua-mot-nha-bao-di-hon-24000km-post694195.html